Ngày 23/7, chính quyền cộng sản Trung Quốc đã áp đặt các lệnh trừng phạt một số người Mỹ, bao gồm cựu Bộ trưởng Hoa Kỳ Wilbur Ross, nhằm đáp trả việc Hoa Kỳ chế tài các quan chức Trung Quốc liên quan đến cuộc đàn áp của Bắc Kinh tại Hồng Kông.

Embed from Getty Images

Đây là các lệnh trừng phạt đầu tiên mà Bắc Kinh áp đặt theo Luật trừng phạt chống nước ngoài mới của nước này. Luật trừng phạt mới này đã được nhà nước cộng sản Trung Quốc thông qua hồi tháng 6, chỉ vài ngày trước khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman tới thăm Trung Quốc trong bối cảnh quan hệ hai bên đang căng thẳng gay gắt.

Chính quyền Trung Quốc cho hay, họ áp đặt “các lệnh trừng phạt có đi có lại” đối với một thực thể và sáu cá nhân hiện tại và trước đây là thành viên của một loạt các tổ chức, bao gồm Ủy ban Điều hành Quốc hội về Trung Quốc và Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung.

Các tổ chức khác của Hoa Kỳ bị nhắm mục tiêu là Viện Dân chủ Quốc gia về Các Vấn đề Quốc tế, Viện Cộng hòa Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Hội đồng Dân chủ Hồng Kông đặt tại Washington.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã kịch liệt chỉ trích một “cảnh báo kinh doanh” gần đây của Mỹ về Hồng Kông, cùng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với các quan chức Trung Quốc tại Đặc khu này. Chính quyền cộng sản Trung Quốc mô tả đó là những hành động “vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế cũng như những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, đồng thời can thiệp nghiêm trọng vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc”.

Đáp trả, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng chính quyền Mỹ không hề nao núng và vẫn “hoàn toàn cam kết thực hiện tất cả thẩm quyền trừng phạt có liên quan của Hoa Kỳ”.

Hôm thứ Sáu (23/7), thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết tại một cuộc họp báo: “Những hành động này là những ví dụ mới nhất về cách Bắc Kinh trừng phạt những người dân thường và các công ty tư nhân, cũng như các tổ chức xã hội dân sự như một cách để gửi đi thông điệp chính trị của họ.”

Tuần trước, Hoa Kỳ đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số quan chức Trung Quốc vì tham gia đàn áp nền dân chủ tại Hồng Kông. Washington cũng đưa ra cảnh báo về điều kiện kinh doanh ngày càng xấu đi tại Đặc khu này, nơi mà các quyền tự do ngày càng suy giảm mạnh mẽ kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia hà khắc hồi tháng 6 năm ngoái.

Đây là lần thứ hai trong năm nay, Trung Quốc áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quan chức Mỹ phục vụ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Cựu Tổng thống Trump khi đương chức đã áp dụng chính sách cứng rắn đối với chế độ cộng sản Trung Quốc và đối đầu với chế độ này về giao thương, các hành vi thương mại, nhân quyền cùng các vấn đề khác.

Vào khoảng thời gian ông Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống hồi tháng 1, Trung Quốc đã công bố các lệnh trừng phạt đối với Ngoại trưởng sắp mãn nhiệm Mike Pompeo và 27 quan chức hàng đầu khác của chính quyền Trump.

Năm ngoái, Bắc Kinh cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đối với một số nhà lập pháp Hoa Kỳ vì vận động cho nhân quyền tại Trung Quốc, cũng như một số cá nhân thuộc các tổ chức tư vấn chính phủ và các tổ chức phi lợi nhuận của Mỹ.

Bà Psaki nhấn mạnh: “Người Mỹ tại cả hai Đảng đều phản đối những hành động thái quá này [của chính quyền Trung Quốc] nhằm vào những người bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản.”

Bà nói thêm: “Nỗ lực của Bắc Kinh nhằm đe dọa và bắt nạt các tổ chức phi chính phủ được quốc tế tôn trọng, chỉ thể hiện thêm nữa sự cô lập của nước này với thế giới.”

Giám đốc điều hành Samual Chu của tổ chức vận động Hội đồng Dân chủ Hồng Kông, một thực thể bị Bắc Kinh trừng phạt, nhận định rằng việc bị Bắc Kinh nhắm tới là một “huy hiệu danh dự”.

Ông Chu khẳng định: “Bắc Kinh có thể trừng phạt chúng tôi, nhưng chế độ này chỉ khẳng định hiệu quả của chúng tôi, tăng cường quyết tâm của chúng tôi, đồng thời tự phơi bày sự đàn áp đáng xấu hổ của họ cho thế giới thấy.”

Giám đốc về Trung Quốc Sophie Richardson của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, người cũng nằm trong danh sách trừng phạt của Bắc Kinh hôm thứ Sáu (23/7), miêu tả động thái này của chế độ cộng sản Trung Quốc như một sự điên cuồng mất trí.

Bà phản hồi trong một tuyên bố: “Đừng ai bị phân tâm bởi ‘cơn thịnh nộ ngoại giao trong ngày’ của Bộ Ngoại giao. Thay vào đó, mọi người nên tập trung toàn bộ cho việc chấm dứt những hành động vi phạm nhân quyền và các tội ác chống lại loài người do chính phủ Trung Quốc gây ra.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: