Lữ đoàn Lítva-Ba Lan-Ukraine, thành lập 2009, đặt căn cứ ở Lublin, Ba Lan, thành viên NATO, hiện nay đã bắt đầu đào tạo 1.000 lính mới là ‘người Ukraine sống ở ngoại quốc’. Chính sách mới này của NATO kỳ vọng sẽ cải thiện tình hình thiếu binh lính cho chiến trường Ukraine, đồng thời huy động người Ukraine hải ngoại.

240909PolandBridgate
Căn cứ quân sự của Ba Lan (NATO) tại Lublin, gần biên giới Ukraine và Belarus, được dùng để huấn luyện lính mới được tuyển từ bên ngoài Ukraine cho chiến trường Ukraine (ảnh cắt ghép từ video)
240909LivaPolandBrigageParadeInKiev00
Lữ đoàn Lítva-Ba Lan-Ukraine (LitPolUkrBrig, thành lập 2009) xuất hiện năm 2016 trong một lần duyệt binh tại Kiev (nguồn Wikipedia)

Đã có những hình ảnh đưa lên mạng xã hội về căn cứ quân sự tại Ba Lan, một thành viên NATO, huấn luyện nhóm tân binh đầu tiên mà được tuyển ở nước ngoài, để đưa vào chiến trường Ukraine.

Truyền thông Ukraine đưa tin rằng hôm 4/9, trong tuyên bố chung giữa hai vị tổng thống Ba Lan và Lítva, hai thành viên của NATO, hai ông đã công bố rằng “Chúng tôi đã sẵn sàng sử dụng căn cứ chung của mình. Chúng tôi có căn cứ Lítva-Ba Lan-Ukraine Brigate, được đặt tại Ba Lan.”

Lữ đoàn Lítva-Ba Lan-Ukraine

Dùng căn cứ quân sự này để đào tạo tân binh, là một hợp tác giữa 2 thành viên NATO Ba Lan và Lítva, chi viện cho chiến trường Ukraine, nơi chính quyền Kiev đang rất thiếu binh lính, đặc biệt là ở chiến tuyến Donbass ở phía Đông nước này.

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski đã nói ở một diễn đàn bên lề cuộc họp thượng đỉnh NATO tại Mỹ:

“Tại Ba Lan, chúng tôi sắp bắt đầu huấn luyện lữ đoàn đầu tiên gồm những người tình nguyện tuyển từ trong Ba Lan. [Ba Lan] chúng tôi có tới 1 triệu người Ukraine cả 2 giới tính, mà mấy ngàn người trong đó đã đăng ký nhập ngũ,” Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski nói 10/7/2024

Tình hình chiến sự hiện nay ở Ukraine, đối với phương Tây mà nói, là rất không khả quan. Quân Nga đang tiến vững vàng ở chiến tuyến phía Đông, hướng về trấn Pokrovsk, một đầu mối giao thông và hậu cần quan trọng. Trong khi đó, chính quuyền Kiev đang gặp khó khăn lớn trong công tác tuyển quân.

Lữ đoàn Lítva-Ba Lan-Ukraine đã được thành lập từ năm 2009, và đã hoạt động từ lâu. Lưu ý rằng năm 2008 NATO tuyên bố sẽ đưa Georgia và Ukraine gia nhập khối liên minh quân sự này.

Đặt cơ sở quân sự tại Lublin trên đất Ba Lan, sát biên giới Ukraine và Belarus, hiển nhiên NATO dự kiến đó là chốt đầu mối sẵn sàng tiến quân về phía Đông nếu cần thiết.

Tuy nhiên hiện tại NATO chưa muốn đưa nhóm quân này trực tiếp vào chiến trường Ukraine.

Phương án dùng lữ đoàn làm cơ sở để huấn luyện lính mới, cái gọi là quân tình nguyện ‘người Ukraine sống ở hải ngoại’, hiện nay là cách mà NATO bắt đầu làm. Nhóm đầu tiên là 1.000 quân.

Như lời ngoại trưởng Ba Lan nêu trên, hiện đã có “hàng ngàn” người tình nguyện đăng ký rồi.

  • Cư dân mạng đăng cảnh bắt lính tại Ukraine (thông tin không kiểm chứng):

  • Cư dân mạng đăng cảnh phản kháng của dân Ukraine khi đối mặt với nhóm tuyển quân ở Odessa, miền Nam Ukraine (thông tin không kiểm chứng):

Kỳ vọng gì từ cách làm mới này của NATO

Không chỉ cung cấp vũ khí, tiền bạc, lương cho chính phủ, tin tình báo, NATO lâu nay vẫn huấn luyện quân cho chính quyền Kiev.

NATO đã triển khai cả phương án tuyển quân bên trong Ukraine rồi gửi sang các nước NATO để đào tạo ở bên ngoài Ukraine, và phương án đưa huấn luyện viên NATO từ ngoài vào Ukraine để đào tạo bên trong Ukraine.

Riêng năm 2022, khoảng 75.000–80.000 quân đã được đào tạo ở các nước NATO cho Ukraine.

Cả 2 phương án trên đều là tuyển quân ở bên trong Ukraine. Cách làm mới này của NATO là tuyển quân ở ngoài Ukraine, tại chính các nước NATO.

NATO đào tạo không chỉ tân binh cơ bản, mà còn chú trọng binh lính có chuyên môn, đặc biệt là sử dụng vũ khí của NATO, và đào tạo từ cấp lính thấp nhất tới các cấp chỉ huy.

Có một số lý do cho việc này. Tại chiến trường Ukraine, không chỉ binh lính mà cả sỹ quan cũng chết đi, cho nên cần phải có nhân sự bổ sung. Một lý do nữa là, nếu chỉ huy là do Kiev đào tạo, thì có thể không phối hợp ăn ý với binh lính mà NATO đào tạo. Đặc biệt là khi cần tổ chức vận hành và phối hợp với vũ khí phức tạp mà NATO cung cấp.

Tiến hành đào tạo ở bên ngoài Ukraine có một ưu điểm nữa là an toàn. Các cơ sở đào tạo quân sự bên trong Ukraine, hiển nhiên, có thể trở thành mục tiêu tấn công của Nga.

Ví như ngày 3/9, Nga dùng tên lửa đạn đạo đánh sập trường quân sự ở Poltava, nơi mà Nga nói có cả các huấn luyện viên của NATO. Như vậy, NATO không chỉ mất đi huấn luyện viên của mình, mà còn phải đối mặt với các áp lực từ người dân trong nước chính NATO về những cái chết của thân nhân họ ở Ukraine.

Một ưu điểm mà NATO kỳ vọng cho cách làm mới này là chất lượng tân binh.

Hiện nay, chất lượng tân binh Ukraine càng ngày càng tệ. Lý do lớn nhất chính là tinh thần chiến đấu càng ngày càng kém. Hầu hết trong số họ là bị cưỡng bức nhập ngũ, đào tạo cơ bản ngắn hạn, và rồi được đưa ra tiền tuyến. Không chỉ tinh thần chiến đấu không cao mà cả kinh nghiệm chiến đấu cũng không tốt lắm.

NATO tin rằng cách làm mới này —tuyển quân ‘tự nguyện’ ở ngoài Ukraine— có thể sẽ cải thiện được tình trạng này.

Còn một điểm nữa, đó là nhu cầu của chiến tranh.

Chiến tranh Ukraine diễn ra đã hơn 2 năm rưỡi, và lượng binh lính đổ vào sẽ cần rất nhiều. Nếu không, sẽ lấy gì để đấu với Nga?

Hàng trăm ngàn tân binh mỗi năm, duy trì các cơ sở đào tạo với hàng ngàn huấn luyện viên, đây là gánh nặng mà có lẽ phải tìm lời giải ở bên ngoài Ukraine.

Đầu năm nay, Kiev đã cập nhật mới về luật tuyển quân, nhưng tình hình vẫn không khả quan. Theo các đánh giá chính thức, ít nhất 800.000 người Ukraine trong độ tuổi nhập ngũ nhưng đã trốn ra nước ngoài kể từ tháng 2/2022. Có các đánh giá khác rằng, thậm chí con số có thể lên tới 1,5 triệu tới 2 triệu người. Còn nếu tính tất cả số người Ukraine hiện đang sống ở các nước NATO, con số sẽ lớn hơn vậy rất nhiều.

Thế là người ta bắt đầu tính đến việc làm sao huy động được lực lượng này. Trong một tweet ngày 23/4 của ngoại trưởng Ukraine lúc bấy giờ là Dmytro Kuleba, có đoạn viết: “Sang sinh sống ở hải ngoại không cho phép một công dân gỡ bỏ các trách nhiệm của mình đối với tổ quốc. Vì thế cho nên hôm qua tôi đã ra lệnh để có được các biện pháp” để cho phép tuyển tân binh từ những người Ukraine ở hải ngoại, “một cách công bằng.”

Theo youtuber phân tích, có một điểm bất cập nhỏ trong luật quân sự mới này của Ukraine. Theo luật mới, người Ukraine sống ở nước ngoài mà đến tuổi nhập ngũ, nếu không đăng ký cho cơ quan tuyển quân, thì sẽ bị tước mất các quyền lợi ở Ukraine.

Trong video, có chỉ ra trường hợp một thanh niên đã đi du học, bắt đầu từ những năm trước, khi còn chưa tới tuổi nhập ngũ. Nhưng hiện nay, anh phải đối mặt với vấn đề sẽ không thể gia hạn hộ chiếu Ukraine nếu anh không đích thân trở về Ukraine để đăng ký với cơ quan tuyển quân. Anh không muốn đi về, vì nếu về nước thì gần như chắc chắn sẽ bị chộp ra tiền tuyến. Nhưng nếu không về nước, thì không thể gia hạn hộ chiếu và thị thực.

Nhật Tân