Thủ tướng Canada Mark Carney, trong chuyến viếng thăm một xí nghiệp luyện thép vào ngày thứ Tư (16/7), đã tuyên bố sẽ áp đặt mức thuế quan cao hơn đối với các mặt hàng thép nhập cảng không phải của Hoa Kỳ, nhằm bảo vệ ngành công nghiệp thép Canada trước sự cạnh tranh từ ngoại quốc.

Mark Carney shutterstock
Thủ tướng Canada Mark Carney. (Ảnh: Shutterstock)

Theo tin từ Global News, Trung Quốc hiện là nước cung ứng thép lớn thứ nhì cho Canada và đã bị áp đặt những biện pháp thuế quan cùng hạn chế mậu dịch tương tự trên khắp thế giới nhằm đối phó với hành vi “bán phá giá”, nghĩa là một quốc gia sản xuất dư thừa một loại hàng hóa nhất định và xuất cảng một lượng lớn vào một quốc gia khác nhằm hạ thấp giá thành và gây tổn hại cho ngành công nghiệp nội địa của nước đó.

Ngoài Canada, Việt Nam và Ấn Độ cũng đã công bố các mức thuế chống bán phá giá đối với sắt thép Trung Quốc trong năm nay.

Ông Carney giải thích rằng chính sách mới này không chỉ cần thiết để bảo vệ các nhà sản xuất thép Canada khỏi sự cạnh tranh từ ngoại quốc, mà còn để bảo vệ toàn diện nền kinh tế Canada trong bối cảnh Ottawa đang tìm cách đàm phán một thoả thuận thương mại mới với Hoa Kỳ. Tổng thống Donald Trump trước đó, vào tháng Tư, đã công bố kế hoạch cải tổ toàn diện chính sách thương mại của Hoa Kỳ, buộc mọi quốc gia muốn tiếp cận thị trường Mỹ phải tái thương lượng các thoả thuận mới theo những điều kiện có lợi hơn cho Hoa Kỳ. Ông Trump đã đặt ra hạn chót là ngày 1/8 cho việc thương lượng với Canada; nếu quá thời hạn này mà chưa đạt được thỏa thuận các sản phẩm của Canada sẽ phải chịu mức thuế 35% khi nhập cảng vào Hoa Kỳ nếu không thuộc phạm vi điều chỉnh của Hiệp định Hoa Kỳ-Mexico-Canada (USMCA).

Chính sách thép mới không trực tiếp gắn liền với tiến trình thương lượng với Nhà Trắng nhưng được ngoại giới dự liệu sẽ ảnh hưởng đến các điều khoản trong mọi thoả thuận sắp tới.

“Hiện nay, thép nhập cảng chiếm gần 2/3 lượng thép tiêu thụ tại Canada, so với chưa đến 1/3 tại Hoa Kỳ và chưa đến 1/6 tại Liên minh châu Âu. Lâu nay, chúng ta đã trở nên quá lệ thuộc vào Hoa Kỳ với tư cách là khách hàng lớn nhất, với hơn 90% lượng thép xuất cảng của chúng ta được đưa xuống phía Nam biên giới,” ông Carney phát biểu tại nhà máy thép ở Hamilton, tỉnh Ontario. 

Văn phòng Thủ tướng giải thích trong một thông cáo rằng tuy chính sách thuế quan mới “không thay đổi các biện pháp thương mại hiện hành với Hoa Kỳ”, song sẽ khiến các quốc gia khác phải trả giá cao hơn khi nhập khẩu thép vào Canada.

“Trước tiên, Canada sẽ siết chặt mức hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm thép từ các quốc gia không phải là thành viên FTA, giảm từ 100% xuống còn 50% khối lượng năm 2024. Vượt quá mức này, một mức thuế 50% sẽ được áp dụng. Canada cũng sẽ áp đặt thêm mức thuế quan bổ sung 25% đối với mọi sản phẩm thép nhập cảng từ các quốc gia ngoài Hoa Kỳ, nếu sản phẩm thép đó được nấu chảy và đúc tại Trung Quốc trước cuối tháng Bảy,” thông cáo giải thích. 

Mức thuế quan mới cũng sẽ tăng đối với các đối tác có thoả thuận mậu dịch tự do, nhưng ở mức hạn chế hơn: “Canada sẽ áp dụng mức hạn ngạch thuế quan đối với các sản phẩm thép ở mức 100% khối lượng năm 2024 và áp dụng mức thuế 50% đối với thép nhập khẩu vượt quá mức đó”.

Chính phủ Canada cũng tuyên bố sẽ gia tăng mạnh mẽ đầu tư của nhà nước vào việc đào tạo và phát triển nhân lực nội địa cho ngành thép. Các chính sách này dự kiến sẽ được thi hành vào cuối tháng Bảy.

Global News dẫn lời ông Carney rằng các chính sách thương mại của Hoa Kỳ đã ảnh hưởng lớn đến những điều chỉnh này. “Những động thái mậu dịch của Hoa Kỳ đang tiếp tục làm biến đổi cục diện thị trường thép toàn cầu và các chuỗi cung ứng. Nói một cách rõ ràng, Canada sẽ là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi những động thái này,” ông Carney nói. 

“Trong tương lai, chúng ta phải đa dạng hóa các mối quan hệ thương mại, và trên hết, chúng ta phải dựa nhiều hơn vào thép Canada cho các dự án tại Canada. Và những thay đổi đó [phải] bắt đầu ngay từ hôm nay, trong một thế giới ngày càng bất định và khó lường,” ông Carney kết luận.

Ông Carney nhấn mạnh rằng lý do các biện pháp thuế quan này chỉ ảnh hưởng đến các quốc gia thứ ba chứ không áp dụng trực tiếp với Hoa Kỳ là vì các quốc gia kia cũng sẽ phải đối diện với mức thuế cao hơn tại Hoa Kỳ, buộc họ phải tìm kiếm các thị trường khác. Điều này có thể dẫn tới tình trạng dư cung thép tràn vào Canada nếu Canada không tự bảo vệ mình trước hiện tượng bán phá giá.

“Một trong những hệ quả của những mức thuế quan cực cao ấy là nó đẩy sản phẩm, cụ thể trong trường hợp này là thép và các sản phẩm phái sinh, vào thị trường Canada vốn xưa nay khá cởi mở. Do đó, điều quan trọng là chúng ta phải bảo vệ thị trường của mình khỏi những tác động gián tiếp, nếu có thể, phát sinh từ các cuộc thương lượng với Hoa Kỳ,” ông Carney nói. 

Ông Carney, nhân vật có mối quan hệ sâu rộng với chính quyền Trung Quốc và từng có chuyến viếng thăm hữu nghị tới Bắc Kinh trước khi nhậm chức Thủ tướng, đã tránh nêu đích danh Trung Quốc dù nước này là một trong những cường quốc sản xuất thép lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã và đang phải đối mặt với các biện pháp tương tự từ nhiều quốc gia khác, kể cả từ Việt Nam, vốn đã áp đặt thuế quan đối với từ thép Trung Quốc và Hàn Quốc vào tháng Tư.

Bộ Thương mại Việt Nam đã công bố mức thuế tạm thời 37,13% đối với hầu hết các sản phẩm thép Trung Quốc kể từ ngày 16/4 nhằm “kiềm chế đà tăng vọt nhanh chóng của mặt hàng nhập cảng có thể gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành công nghiệp nội địa.”

Tương tự, Chính phủ Ấn Độ, vốn duy trì một chế độ mậu dịch quốc tế bảo hộ khắt khe, cũng đã áp thuế 12% đối với một số loại thép của Trung Quốc vào cuối tháng Tư. Đáng chú ý, New Delhi đã chọn thời điểm công bố mức thuế trùng với chuyến viếng thăm của Phó Tổng thống JD Vance. Bộ Tài chính Ấn Độ mô tả động thái này là một “biện pháp phòng vệ” nhằm bảo hộ ngành công nghiệp trong nước trước tình trạng cạnh tranh bất công.