Một tàu Trung Quốc bị tình nghi cắt cáp ngầm dưới biển Baltic đã bị hải quân Đan Mạch bắt giữ tại hồ NATO hôm thứ Tư (20/11). Vào Chủ Nhật (17/11) và Thứ Hai (18/11), 730 dặm cáp C-Lion 1 nối Phần Lan và Đức, và 230 dặm cáp nối Thụy Điển và Litva đã bị cắt.

r shutterstock 1156844725
Cáp ngầm dưới biển (Ảnh: Norimoto/Shutterstock)

Theo số liệu từ nhóm theo dõi hàng hải Marine Traffic cho thấy, tàu chở hàng “Yi Peng 3” do Trung Quốc đăng ký đã xuất hiện gần 2 sợi cáp khi chúng bị đứt. Ban đầu con tàu khởi hành từ Ust-Luga đến Cảng ở Nga và hướng đến Port Said ở Ai Cập.

“Yipeng 3” trực thuộc công ty “Ningbo Yipeng Shipping”, có trụ sở chính gần Cảng Ninh Ba, chỉ có 2 tàu, “Yipeng 3” là một trong số đó.

Đức, Thụy Điển, Phần Lan và Litva đang điều tra và nghiên cứu vai trò của tàu Trung Quốc trong vụ việc.

Tờ “Financial Times” của Anh đưa tin, các nhà điều tra đang điều tra các động thái của “Yipeng 3”. Thông tin trên mạng xã hội cho biết, con tàu có thuyền trưởng người Nga, nhưng điều này chưa được xác nhận một cách độc lập.

Theo các nhà phân tích tình báo nguồn mở, hải quân Đan Mạch đang theo dõi con tàu “Yipeng 3”.

Hôm thứ Tư (20/11), tài khoản OSINT “auonsson” chuyên theo dõi các tàu ở Biển Baltic, đăng trên mạng xã hội X, rằng “con tàu bị nghi ngờ làm hỏng cáp liên lạc x 2 ở Biển Baltic đã bị Hải quân Đan Mạch bắt giữ.”

Bài đăng cho biết “Yipeng 3” “neo ngay bên ngoài lãnh thổ Đan Mạch với tàu tuần tra/lặn Y311 SØLØVEN bảo vệ.”

Bài đăng cho biết, họ phát hiện ra “Yipeng 3” chạy chậm và dừng lại. Con tàu hiện đang neo đậu bên ngoài lãnh thổ Đan Mạch, được hộ tống bởi tàu tuần tra/lặn Y311 SØLØVEN. “Tàu khu trục HDMS HVIDBJØRNEN cũng có thể có mặt (không có AIS nhưng đã di chuyển nhanh đến hiện trường).”

Sau đó, quân đội Đan Mạch đã xác nhận điều này. Họ đăng trên X rằng: “Bộ Quốc phòng Đan Mạch có thể xác nhận rằng chúng tôi có mặt ở khu vực gần tàu Yi Peng 3 của Trung Quốc. Bộ Quốc phòng Đan Mạch hiện không có bình luận gì thêm.”

Trong tuyên bố chung, bộ trưởng Quốc phòng 4 nước nhấn mạnh, những sự cố tương tự cần được đánh giá trong bối cảnh mối đe dọa ngày càng tăng của Nga. Châu Âu hiện đang phải đối mặt với số lượng ngày càng tăng các hoạt động chiến tranh hỗn hợp.

Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin trả lời hãng tin AFP bằng văn bản rằng: “Cần phải làm rõ lý do tại sao hiện tại chúng ta có hai tuyến cáp ở Biển Baltic không hoạt động.”

Ông Bohlin cho biết, chính quyền Thụy Điển đang điều tra các tàu thuyền hoạt động trong khu vực vào thời điểm đó.

“Lực lượng vũ trang và lực lượng bảo vệ bờ biển Thụy Điển đã phát hiện ra sự di chuyển của tàu thuyền trùng khớp về mặt thời gian và không gian với thời điểm xảy ra sự cố,” ông nói.

Ông Ben Knowles, một đối tác tại công ty luật Clyde & Co, kiêm Chủ tịch hội đồng trọng tài toàn cầu, nói với Newsweek, rằng vụ việc đã gây ra những hậu quả pháp lý đáng kể.

Ông cho biết rằng một cuộc điều tra phức tạp và kéo dài có thể được yêu cầu giống như từng làm với vụ nổ đường ống Nord Stream, nhằm xác định nguyên nhân và những người chịu trách nhiệm. Nord Stream là đường ống dẫn khí đốt tự nhiên giữa Nga và Đức đã bị phá hủy trong vụ nổ vào tháng 9/2022. Nguyên nhân vụ nổ vẫn chưa được xác định một cách thống nhất.

Ông Knowles cho biết, cuộc điều tra có thể kéo dài vài năm do các yếu tố kỹ thuật, địa chính trị và quyền tài phán liên quan. Ngoài ra, cũng có thể bao gồm các yêu cầu bảo hiểm, bồi thường gián đoạn dịch vụ và hành động ngoại giao, hoặc pháp lý tiềm ẩn giữa các quốc gia.

Ông nói thêm, những kết quả này có thể tạo tiền lệ cho việc xử lý hành vi phá hoại cơ sở hạ tầng dưới biển trong môi trường toàn cầu ngày càng căng thẳng.

Theo SMH, cuộc điều tra mới nhất diễn ra một năm sau khi mỏ neo của một tàu Trung Quốc khác – tàu container “NewNew Polar Bear” – làm hỏng đường ống dẫn khí đốt Baltic giữa Phần Lan và Estonia. Giống như “Yi Peng 3”, “NewNew Polar Bear” đã khởi hành từ một cảng của Nga trước khi xảy ra sự cố.

Bình Minh (t/h)