Khoảng 250.000 người đã tập trung tại thủ đô Prague để trực tiếp biểu đạt thái độ giận dữ của họ với Thủ tướng Andrej Babis. Người biểu tình gọi ông Babis là mối đe dọa đối với nền dân chủ.

Embed from Getty Images

Theo The Guardian hôm Chủ Nhật (23/6), ước tính có khoảng 250.000 người đã biểu tình tại thủ đô Prague yêu cầu thủ tướng Andrej Babis từ chức. Đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Cộng hòa Czech kể từ cuộc cánh mạng nhung 1989, chấm dứt chế độ cộng sản tại Tiệp Khắc cũ.

Người biểu tình từ khắp cả nước đã tập trung tại công viên Letna – địa điểm diễn ra cuộc biểu tình then chốt vào 30 năm trước buộc chế độ cộng sản phải từ bỏ quyền lực – để lên tiếng giận dữ phản đối ông Andrej Babis – một nhà lãnh đạo tỷ phú đã phát động chiến dịch chống tham nhũng nhưng chính bản thân ông ta lại là biểu tượng của hành vi lạm quyền, tư lợi.

Giương cao những lá cờ Czech và các tấm bảng hiệu châm biếm thủ tướng đương nhiệm, đám đông người biểu tình đã cùng hô vang khi người phát ngôn xướng tên ông Babis – tài phiệt giàu thứ hai đất nước, mối đe dọa cho nền dân chủ.

Cuộc biểu tình còn xuất hiện một tấm băng-rôn lớn treo trên khu phức hợp dân cư gần khu vực biểu tình với khẩu hiệu ‘Sự thật và Tình yêu Phải thắng thế” – đề cập tới triết lý của nhà viết kịch Václav Havel, một nhà bất đồng chính kiến và sau đó trở thành tổng thống Tiếp Khắc thời kỳ hậu cộng sản.

The Guardian ghi nhận cuộc biểu tình hôm 23/6 là cuộc tập trung thứ 5 tại Prague để phản đối ông Babis kể từ tháng Tư. Phong trào biểu tình này ban đầu được kích hoạt do người dân quan ngại về các xung đột giữa các lợi ích chính trị và kinh doanh của Thủ tướng Babis. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng phong trào biểu tình đại diện cho sự giận dữ của người dân về lý lịch quá khứ của thủ tướng khi có tài liệu chứng minh ông này từng là điệp viên của cơ quan mật vụ Tiệp Khắc thời kỷ nguyên cộng sản – StB.

Ủy ban Châu Âu (EC) mới đây cũng đã tổ chức hai cuộc kiểm toán tại Cộng hòa Czech và xác nhận ông Babis có xung đột về lợi ích liên quan tới trợ cấp của Liên minh Châu Âu (EU) cho tập đoàn Agrofert tư nhân của ông, kinh doanh nông nghiệp, hóa chất, thực phẩm và truyền thông.

Một trong hai cuộc kiểm toán của EC đã đề nghị Cộng hòa Czech sẽ phải trả lại EU 17 triệu Euro của các khoản trợ cấp mà họ có được không phù hợp.

Ông Babis, 64 tuổi, lãnh đạo một liên minh do đảng Hành động vì Những Công dân Bất mãn (ANO) lãnh đạo, đã phủ nhận các cuộc kiểm toán của EC, thậm chí cho đó là là các thông tin giả và tuyên bố sẽ đưa ra những kết luận thay thế khác.

Ông Babis cũng đối mặt với cáo buộc phá hoại tính độc lập tư pháp khi ông nỗ lực ngăn chặn đưa ra tòa án các cáo buộc ông lừa đảo để giành 2 triệu Euro tiền trợ cấp của EU cho một trung tâm thương mại nông thôn.

Ông Babis đã gọi các cáo buộc chống lại ông là âm mưu chính trị và thề không bao giờ từ chức. Ông Babis vẫn đang nhận được sự ủng hộ của đảng Cộng sản (CSSD) và đảng Dân chủ Xã hội – thành viên chính trong liên minh đối lập thiểu số cũng tuyên bố sẽ không đồng ý loại bỏ ông Babis.

Trong khi đó, những người tổ chức biểu tình nói rằng họ sẽ tiếp tục phát động các cuộc tập trung vào mùa thu, sau khi tạm nghỉ vào mùa hè. Các cuộc biểu tình mùa thu đã được lên kế hoạch sẽ trùng với thời gian kỷ niệm 30 năm cách mạng nhung lật độ chế độ cộng sản tại Tiếp Khắc cũ.

Giáo sư Lubomir Kopeček, một nhà phân tích chính trị tại Đại học Masaryk tại Brno nói với The Guardian: “Nếu quý vị nhìn vào các khuynh hướng chính trị, không chỉ nhìn vào các cuộc biểu tình, quý vị có thể thấy rằng ông Babis có nhiều rắc rối chính trị. Về lâu dài, có lẽ là 6, 7 hoặc 8 tháng, họ có thể gặp một số hậu quả, có thể là từ chức, có thể là sự sụp đổ của cả nội các.”

Như Ngọc