Chuyên gia Mỹ: Lệnh trừng phạt của LHQ lên Bắc Hàn sẽ không hiệu quả
- Xuân Thành
- •
Những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên Hợp Quốc (LHQ) lên Bắc Triều Tiên được thông qua cuối tuần qua và chính phủ Trump hết sức hoan nghênh. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng Bắc Hàn sẽ chẳng bị ảnh hưởng gì từ các biện pháp đó và thậm chí có thể họ còn phản ứng với những hành động thù địch mới.
Vào cuối tuần, Hội đồng Bảo an LHQ đã nhất trí 100% đưa ra một loạt các biện pháp trừng phạt có thể khiến Bắc Triều Tiên thiệt hại gần 1 tỷ USD trong tổng số 3 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Nghị quyết mới này được xem là án phạt hà khắc nhất mà Bình Nhưỡng phải hứng chịu trong một thập kỷ qua và là biện pháp Hoa Kỳ trả đũa cho hai vụ thử tên lửa xuyên lục địa (ICBM) mà chế độ nhà Kim tiến hành trong tháng 7. Những vụ thử ICBM này cùng với các phát ngôn từ Bắc Hàn cho rằng họ đã có thể thu nhỏ được đầu đạn hạt nhân lắp vào tên lửa, khiến thế giới đang trên bờ vực chiến tranh.
Niềm tin của Tổng thống Trump và giới chức Mỹ đối với Chủ tịch Tập và Trung Quốc ngày một cạn dần.
Những hy vọng về việc các biện pháp trừng phạt này sẽ làm giảm nhiệt căng thẳng đang sục sôi đã nhanh chóng bị tiêu tan. Bắc Triều Tiên ngay lập tức đe dọa sẽ “đáp trả đích đáng” Hoa Kỳ vì đưa ra án phạt “bóp nghẹt một quốc gia”.
Hãng thông tấn Bắc Triều Tiên KCNA phát đi một tuyên bố nói rằng: “Họ [Hoa Kỳ và đồng minh] nên lưu tâm rằng các bước chiến lược của Bắc Triều Tiên kèm theo hành động thực tế sẽ được thực hiện một cách tàn nhẫn với việc huy động toàn bộ sức mạnh quốc gia”.
Hôm thứ Ba (8/8), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã cảnh báo rằng ông Kim Jong-un “sẽ phải gặp lửa thịnh nộ và sức mạnh trực tiếp, những thứ mà thế giới chưa từng thấy trước đây”.
Ông Trump cũng nói rằng ông Kim Jong-un “đang đe dọa vượt trên mức bình thường” và cho biết chế độ này “tốt nhất không nên gây thêm bất kỳ mối đe dọa nào cho Hoa Kỳ“.
Các chuyên gia nói với Fox News rằng các biện pháp trừng phạt mới nhất của LHQ dường như không gây ra áp lực cần thiết đối với Bắc Triều Tiên.
Ông Scott Snyder, nghiên cứu viên cao cấp về Triều Tiên tại Trung tâm Quan hệ Đối ngoại, nói với Fox News rằng: “Ông Kim Jong-un đã khẳng định tính hợp pháp của mình trong việc có năng lực hạt nhân. Với Bắc Triều Tiên, đó là vấn đề về sự sống còn của quốc gia. Chế độ Bình Nhưỡng đã nói rõ ràng rằng điều duy nhất họ sẽ coi là đề xuất bắt đầu đàm phán về hạt nhân là việc Mỹ loại bỏ chính sách thù địch của họ”.
Ông Snyder nói thêm rằng: “Tôi nghĩ rằng, vào thời điểm này, các lệnh trừng phạt sẽ không dẫn đến một tiến trình đàm phán, và trong tương lai gần, tôi nghĩ rằng có khả năng họ [Bắc Hàn] sẽ còn phản ứng lại với những khiêu khích tăng thêm”.
Ông Gordon Chang, tác giả của cuốn sách “Đối đầu Hạt nhân: Bắc Hàn dẫn dắt Thế giới và Sự sụp đổ của Trung Quốc”, trao đổi với Fox News rằng Hoa Kỳ cũng không nên tin tưởng vào mức độ cam kết của Trung Quốc trong việc thực thi các gói trừng phạt.
Ông Chang nói: “Trung Quốc sẽ không đời nào bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt này nếu chúng thực sự sẽ có hiệu quả. Điều tốt nhất mà chính phủ Trump có thể làm là chỉ tên Trung Quốc đã chuyển các thiết bị tên lửa đạn đạo tới Bắc Hàn và trừng phạt các ngân hàng Trung Quốc – những thực thể lớn liên quan đến việc rửa tiền cho chế độ Kim Jong-un”.
Ông Chang chỉ ra cách hành xử không trung thực của Trung Quốc liên quan đến các lệnh trừng phạt cấm nhập khẩu than từ Bắc Hàn hồi đầu năm. Ở bề mặt, Bắc Kinh đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng bắt đầu từ 26/2, cắt đứt mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của chế độ nhà Kim, sau khi họ lặp lại việc thử tên lửa. Vào tháng 4, Trung Quốc cho biết đã trục xuất các tàu than của Bắc Triều Tiên và đưa họ trở về cảng Nampo – một động thái thúc đẩy Tổng thống Trump tán dương đó là một “bước tiến lớn”. Tuy nhiên, theo ông Chang thực tế Trung Quốc vẫn mua than của Bắc Triều Tiên và tiếp tục duy trì như vậy thông qua các bên thứ ba.
Ông Chang nói: “Họ đã làm điều này vì các chính phủ Mỹ trong quá khứ đã mặc sức để họ tự tung tự tác. Đây không phải là câu chuyện về Bắc Triều Tiên hay Trung Quốc, mà đây là câu chuyện về sự thất bại của các nhà hoạch định chính sách Mỹ để bảo vệ người Mỹ. Chúng ta là quốc gia hùng mạnh nhất trong lịch sử, nhưng thường xuyên bị đánh lạc hướng bởi một trong những nước khốn cùng nhất trên trái đất”.
Ông Snyder cũng phản ánh với Fox News một thái độ hợp tác tương tự của Trung Quốc.
Chuyên gia nghiên cứu về Bắc Hàn này cho biết: “Các biện pháp trừng phạt này, trên giấy tờ, sẽ cô lập nền kinh tế Triều Tiên khỏi cộng đồng quốc tế, nhưng những điều có thể xảy ra là thương mại Bắc Triều Tiên với Trung Quốc vẫn hoạt động theo một cách nằm ngoài phạm vi lệnh trừng phạt”.
Ông Chang thậm chí còn cho rằng những lời lẽ gay gắt của ông Trump hôm thứ Ba (8/8) và các tweet của Tổng thống vào sáng thứ Tư (9/8) về kho vũ khí hạt nhân của Hoa Kỳ là trực tiếp nhắm vào Trung Quốc, chứ không phải hướng tới Bắc Triều Tiên.
“Tôi nghĩ ông ấy đang cố gắng đe dọa Trung Quốc nên hợp tác với cộng đồng quốc tế. Linh tính của tôi cho thấy rằng đó là chỉ dấu hướng tới Bắc Kinh hơn bất cứ điều gì”. Ông Chang khẳng định với Fox News.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên Bắc Triều Tiên