Clyde Prestowitz: Quan hệ Mỹ – Trung chưa trở lại thời kỳ tiếp xúc khoan dung
- Clyde Prestowitz
- •
Trong những ngày gần đây, đại diện của Hoa Kỳ và Trung Quốc thường xuyên đối thoại về thương mại và các vấn đề khác. Ngày 8/10, ông Clyde Prestowitz, một chuyên gia châu Á và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại cấp cao và cố vấn của nhiều thế hệ tổng thống Mỹ, cho biết vì sự khác biệt rất lớn về giá trị quan, quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc vẫn chưa trở lại giai đoạn tiếp xúc khoan dung.
Quan hệ Mỹ – Trung không thể quay trở lại
Vào ngày 8/10, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Katherine Tai đã có cuộc gọi trực tuyến với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Các quan chức Hoa Kỳ cho biết, bà Tai hy vọng sẽ dùng cuộc gọi này để xem xét các cuộc tiếp xúc song phương nhằm giải quyết sự bất mãn của Hoa Kỳ đối với hành vi trợ cấp thương mại phi thị trường của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Chính phủ Trung Quốc. Hôm thứ Bảy (ngày 9/10), phía Trung Quốc cho biết trong cuộc hội đàm, phía Trung Quốc đã đề xuất phía Hoa Kỳ dỡ bỏ các điều khoản thuế quan đối với Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 4/10, bà Tai đã có bài phát biểu về chính sách Thương mại đối với Trung Quốc. Bà cho biết sẽ tìm kiếm một cuộc đàm phán “thẳng thắn” với phía Trung Quốc nhằm chấm dứt các hành vi thương mại không công bằng, đồng thời yêu cầu Trung Quốc thực hiện thỏa thuận thương mại “giai đoạn một” mà Hoa Kỳ đã ký với Trung Quốc vào năm ngoái dưới thời chính quyền Trump.
Về vấn đề này, ông Prestowitz nhận xét, mặc dù bà Katherine Tai sử dụng những từ nghe có vẻ thân thiện như “tái kết hợp” và “chung sống lâu bền” với Trung Quốc trong bài phát biểu hôm thứ Hai của mình, chính quyền Biden sẽ không quay trở lại thời kỳ tiếp xúc khoan dung vào trước thời chính quyền Trump năm 2016.
“Những lời này nghe có vẻ thân thiện. Nhưng quan điểm của bài phát biểu của bà là Hoa Kỳ sẽ không quay lại chính sách tiếp xúc trước đây với Trung Quốc. Bà Tai có thể ngụ ý rằng chúng ta có thể hợp tác trong một số việc cụ thể, nhưng điều đó chắc chắn không có nghĩa là chúng ta sẽ quay trở lại chính sách tiếp xúc khoan dung trước đây đối với Trung Quốc.”
Khi giải thích về thời kỳ chính sách khoan dung, ông Prestowitz nói, chính sách thương mại của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, từ thời Tổng thống Ronald Reagan đến trước thời Tổng thống Trump, là một chính sách rất khoan dung và tích cực, khuyến khích đầu tư của Hoa Kỳ vào Trung Quốc. Ông tin rằng bà Katherine Tai nói rằng sẽ tái hợp tác, nhưng nó không thay đổi bất kỳ mức thuế quan nào do Tổng thống Trump áp đặt.
Ông nhận định, việc bà Katherine Tai nhấn mạnh đến quan điểm đầu tư vào các ngành công nghiệp trong nước là rất quan trọng. “Đó là lý do tại sao bà ấy nói về cơ sở hạ tầng, an toàn, an toàn chuỗi cung ứng, v.v.” Ông tin rằng điều quan trọng là Hoa Kỳ sẽ giống như cách Trung Quốc đã làm, là bắt đầu đầu tư vào các ngành công nghiệp cơ bản như công nghiệp bán dẫn và tấm pin mặt trời, đồng thời kiểm tra và thay đổi cấu trúc chuỗi cung ứng để có lợi hơn cho Hoa Kỳ. “Hoa Kỳ sẽ xây dựng các chính sách phát triển công nghiệp tương tự như Trung Quốc ở một số khía cạnh.”
Vào ngày 6/10, ông Jake Sullivan, Cố vấn An ninh Quốc gia của Tổng thống Hoa Kỳ Biden đã có buổi gặp mặt và đàm phán trực tiếp kéo dài 6 giờ với Trưởng ban Đối ngoại Trung ương ĐCSTQ Dương Khiết Trì tại Zurich, Thụy Sĩ. Sau đó, Hoa Kỳ và Trung Quốc đưa ra tuyên bố đánh giá tích cực về cuộc hội đàm. Quan chức Nhà Trắng cũng tiết lộ rằng hai bên cũng đã đạt được thỏa thuận trên “nguyên tắc”, sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuối năm nay.
Ông Prestowitz nhận định rằng “Hội nghị Sullivan – Dương Khiết Trì” không phải là một “sự khởi đầu mới của quan hệ Mỹ – Trung“, mà chỉ là một màn diễn. Ông tin rằng Hoa Kỳ đã xét kỹ sự lãnh đạo của ĐCSTQ, hiểu được suy nghĩ của họ và cũng biết rằng tổ chức này không muốn trở nên tốt hơn. “Chúng tôi muốn xây dựng sự hiểu biết và hợp tác lẫn nhau tốt hơn. Nhưng trên thực tế, những gì họ muốn là đánh cắp công nghệ, vì vậy cần phải hết sức cẩn thận.”
Vào ngày 7/10, một ngày sau cuộc hội đàm, Cục Tình báo Trung ương (CIA) tuyên bố rằng họ đã thành lập một nhóm cấp cao mới để đặc biệt đối phó với ĐCSTQ và các thách thức an ninh quốc gia của họ.
Về vấn đề này, ông Prestowitz bày tỏ sự vui mừng vì CIA và các bộ phận khác đang tăng cường chú ý đến các hành động của ĐCSTQ. Ông tin rằng Hoa Kỳ lẽ ra phải làm điều này từ 30 năm trước. “Chúng ta đã muộn 30 năm, nhưng tôi nghĩ đây là một bước đi tốt …. Ngay cả khi họ đang bắt đầu làm điều này, thì vẫn còn cần rất nhiều nỗ lực nữa mới đủ lực độ. Bởi vì rất khó để người Mỹ và người dân tại các nền dân chủ hiểu được suy nghĩ và bản chất của ĐCSTQ.”
Giá trị quan của Hoa Kỳ ngược lại với mục tiêu bao trùm của ĐCSTQ là thâu tóm quyền lực
Ông Prestowitz tin rằng xung đột giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là xung đột về các giá trị quan. “Đây là điều cơ bản nhất. ĐCSTQ là một đảng theo chủ nghĩa Lenin, nghĩa là mục tiêu bao trùm là kiểm soát quyền lực. Về cơ bản, ĐCSTQ hy vọng sẽ có thể kiểm soát mọi thứ.”
Vào năm 2013, tài liệu nội bộ của ĐCSTQ “Văn kiện số 9” cho biết có “7 khuynh hướng phản động trong xã hội Trung Quốc” đe dọa đến quyền lực ĐCSTQ, bao gồm việc thúc đẩy các giá trị phổ quát, dân chủ hiến định, nhân quyền và xã hội dân sự. Văn kiện cũng nhấn mạnh, phải tăng cường tuyên truyền tư tưởng và kiểm soát các tạp chí phản động để đảm bảo quyền lực và sự lãnh đạo của ĐCSTQ.
Ông Prestowitz nhận định rằng “Văn kiện số 9” cho thấy ĐCSTQ không tin vào phong cách phương Tây. Có một xung đột trực tiếp giữa hệ thống niềm tin của ĐCSTQ và người Mỹ. ĐCSTQ không tin vào các giá trị phổ quát, nhưng người Mỹ tin vào nó. ĐCSTQ không tin vào bầu cử, quốc hội và cũng không tin vào tự do ngôn luận, các giá trị mà Hoa Kỳ tin tưởng.
Hoa Kỳ và các nước phương Tây đang thay đổi nhận thức của họ về ĐCSTQ
Ông Prestowitz tin rằng vào thời Đặng Tiểu Bình, ĐCSTQ đã dùng phương thức “thao quang dưỡng hối” (náu mình chờ thời), hợp tác với Hoa Kỳ một cách tích cực và thân thiện. Vì vậy đã để lại ấn tượng rằng Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách thị trường tự do và ngày càng trở nên giống phương Tây. Đồng thời cũng khiến những người kinh doanh phương Tây hy vọng sẽ đầu tư và kiếm tiền ở Trung Quốc.
Ông nói rằng các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ như Clinton đã thay đổi thái độ đối với ĐCSTQ sau khi được bầu làm tổng thống và sẵn sàng tham gia tích cực vào các cuộc đàm phán thông qua các hiệp định thương mại tự do để khuyến khích liên kết kinh tế với ĐCSTQ. “Hoa Kỳ tin chắc rằng thông qua thương mại và đầu tư tự do, tương tác kinh tế chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc chú ý hơn đến nhân quyền, trở nên ít độc đoán hơn, dân chủ hơn và tự do hơn. Nếu không giống như nền dân chủ của Hoa Kỳ, nó sẽ giống như Singapore. Người Mỹ tin rằng điều này đang xảy ra.”
Ông nói rằng khi quân đội và xe tăng của ĐCSTQ xuất hiện tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989, phương Tây đã xem nhẹ tín hiệu to lớn này. Năm 1997, ĐCSTQ đã thiết lập tường lửa để tách Internet Trung Quốc khỏi Internet toàn cầu. Hoa Kỳ không chú ý đến tín hiệu tồn tại ngắn ngủi này và cũng rất ít chú ý đến “Văn kiện số 9” của ĐCSTQ năm 2013.
Ông Prestowitz nói rằng cho đến khi Trung Quốc (ĐCSTQ) công bố “Kế hoạch Made in China 2025” vào năm 2015, người Mỹ mới nhận ra có vấn đề không đúng ở đây. Ngoài ra, quân đội ĐCSTQ đã xây dựng các đảo và quân sự hóa Biển Đông, hoàn toàn phá vỡ cam kết sẽ không quân sự hóa trước đây. Kể từ đó, ĐCSTQ trở nên hung hăng hơn và bắt đầu sử dụng cái gọi là “ngoại giao sói chiến” để ra lệnh cho Úc hoặc Hoa Kỳ, nếu đối phương không thuận theo thì liền nói rằng “không thể hợp tác”. Giờ đây, ĐCSTQ đã trở thành một bên đàm phán cứng rắn hơn và khó khăn hơn. Các cách thức thi hành của họ thường là cưỡng chế và đe dọa, đây chính là phương thức vận hành của ĐCSTQ.
Ông nói, ngoài ra, ĐCSTQ thực hiện quyền kiểm soát độc tài đối với Tân Cương và Hồng Kông. “Ở Nội Mông, các trường học phải sử dụng tiếng Quan Thoại thay vì tiếng Mông Cổ để giảng dạy.” ĐCSTQ cũng ngày càng trở nên xa lạ với Úc và Canada. Tất cả những điều này đã cho phép người phương Tây hiểu rõ hơn về bản chất thực sự của ĐCSTQ và bắt đầu chán ghét ĐCSTQ.
ĐCSTQ xâm nhập khắp mọi nơi và mai phục thật sâu tại Hoa Kỳ
Ông Prestowitz tin rằng sự xâm nhập của ĐCSTQ vào xã hội phương Tây là phổ biến, nhưng nhận thức của mọi người về điều này là chưa đầy đủ.
Về phương diện truyền thông, ông cho biết ở Hoa Kỳ, Canada, Úc, v.v., hầu như tất cả các tờ báo Trung Quốc đều đến từ Bắc Kinh. Điều này cũng đúng đối với các phương tiện truyền thông dòng chính của Mỹ. Bản thân ông Prestowitz cũng nhận được một phụ trang trả phí mà nhật báo China Daily (cơ quan truyền thông bằng tiếng Anh do bộ phận tuyên truyền của Bắc Kinh kiểm soát) thêm vào Washington Post. Ông nói: “Tại sao tôi lại nhận được tờ China Daily từ Washington Post? Đó đều là tuyên truyền.”
“Người Mỹ hiếm khi biết về sự xâm nhập của ĐCSTQ. Họ biết rất ít về Ban Công tác Mặt trận Thống nhất, ngay cả những nhà lãnh đạo Mỹ được tiếp nhận giáo dục tốt. Vì vậy, chúng ta cần gấp rút tăng cường khả năng thu thập thông tin tình báo của mình”, ông nói.
Ông Prestowitz nói rằng nhóm công tác Mặt trận thống nhất của ĐCSTQ, Văn phòng các vấn đề người Hoa ở nước ngoài, coi tất cả Hoa kiều là người Hoa và gây ảnh hưởng đến nhóm này. “Toàn bộ đang cố gắng truyền bá, chiêu mộ và gây ảnh hưởng tới Hoa kiều. Đặc biệt là ở những nơi có nhiều người Hoa như Úc và Canada. Hầu hết nhân viên tình báo của chúng ta không biết những chuyện này.”
Ông cũng đề cập đến sự xâm nhập của ĐCSTQ vào các đảng phái chính trị ở các nước như Úc và Canada, bao gồm cả việc quyên góp số tiền lớn và xâm nhập thông qua hợp tác đại học.
Ông Prestowitz nhận định, hầu hết các sinh viên Trung Quốc đều vô tội và không phải là gián điệp, nhưng một số trong số họ thì có. Không chỉ vậy, “Lãnh sự quán ĐCSTQ đang theo dõi tất cả sinh viên Trung Quốc. Ví dụ, Lãnh sự quán Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Boston đang theo dõi tất cả sinh viên Trung Quốc tại Harvard và MIT. Những đứa trẻ này có gia đình ở Trung Quốc. Vì vậy, nếu ĐCSTQ muốn đứa trẻ làm điều gì đó, họ có ảnh hưởng và có khả năng biến đứa trẻ này thành một gián điệp.”
Về khả năng thâm nhập đầu tư, ông Prestowitz lấy Úc làm ví dụ. Ông nói rằng một số cảng chính ở đó do công ty cảng Landbridge của Trung Quốc điều hành; một nửa cơ sở hạ tầng viễn thông và một nửa đường ống dẫn dầu của Úc đều thuộc sở hữu của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Ông cũng đề cập rằng tại Panama ở Nam Mỹ, ngoài kênh đào, Trung Quốc (ĐCSTQ) sở hữu hầu hết mọi thứ ở đó, bao gồm cả các tòa nhà và nhà máy; cũng như Cuba, Ecuador hoặc Brazil, đầu tư của Trung Quốc (ĐCSTQ) ở khắp mọi nơi.
Ông nói rằng ở châu Âu, Bắc Kinh đang xây dựng tuyến đường sắt cao tốc Budapest – Bucharest, họ sở hữu các cảng Piraeus ở Hy Lạp và các cảng ở Ý. Do đó, khi EU ngồi lại với tất cả các quốc gia thành viên để đưa ra quyết định về tuyên bố của ĐCSTQ (bày tỏ quan ngại về đảng này), ĐCSTQ liền đe dọa người Hy Lạp, Hungary, Bồ Đào Nha và Ý: “Các bạn phải nói chuyện cẩn thận!” Vì vậy, ĐCSTQ có những phương pháp để làm suy yếu và hạn chế quyền lực của Liên minh châu Âu. Người Mỹ phần lớn đều không biết hết những điều này.
Ông Prestowitz nhắc lại câu nói của Tôn Tử: “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Ông nói: “Điều này có nghĩa là bạn phải nằm mai phục thật sâu trong lòng kẻ thù. ĐCSTQ đã mai phục thật sâu trong lòng nước Mỹ nhưng Hoa Kỳ lại không hề mai phục ở Trung Quốc.”
Liên minh đa phương để chống lại chủ nghĩa cộng sản
Ông Prestowitz nói rằng ĐCSTQ không quan tâm đến các định chế quốc tế và không tuân theo Liên hợp quốc, WTO, Ngân hàng Thế giới hoặc bất kỳ tổ chức quốc tế nào khác. Tất cả các cuộc đàm phán và ý tưởng thân thiện đều là vô nghĩa đối với ĐCSTQ.
Ngược lại, ông tin rằng liên minh giữa Hoa Kỳ và các quốc gia khác có ý nghĩa hơn. Liên minh Bộ tứ (QUAD) rất quan trọng, Mỹ và Ấn Độ thiết lập mối quan hệ bền chặt là điều tốt, nhưng những gì QUAD làm được cũng còn nhiều hạn chế.
Điều ông ngưỡng mộ về AUKUS là, một mặt, đây là một liên minh thực sự và tất cả các thành viên đều cam kết hỗ trợ lẫn nhau, điều này sẽ khiến ĐCSTQ khó chiếm được vị trí quân sự thống trị ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Liên minh cũng tạo cơ hội cho các quốc gia khác tham gia. Theo quan điểm của ông, Hoa Kỳ cũng nên mời cả Pháp vào, vì Pháp chiếm một vị trí quan trọng ở Thái Bình Dương. “Thật là một sai lầm lớn nếu không kể đến Pháp. Tôi hy vọng (Hoa Kỳ) có thể sửa chữa sai lầm đó.”
Ông Prestowitz tin rằng Hoa Kỳ cũng nên thành lập liên minh với Philippines, Việt Nam và Singapore. “Tôi nhận thấy rằng AUKUAS là một công cụ sáng tạo có thể giúp Hoa Kỳ dễ dàng có được đồng minh hơn và khiến ĐCSTQ khó hiện thực hóa chiến lược của mình hơn.”
Clyde Prestowitz/ Epoch Times
Sơ lược về tác giả:
Clyde Prestowitz là một chuyên gia châu Á và toàn cầu hóa, một nhà đàm phán thương mại cấp cao và cố vấn của nhiều thế hệ tổng thống Mỹ. Năm 1982, ông dẫn đầu đoàn thương mại Mỹ đầu tiên đến thăm Trung Quốc. Ông từng là cố vấn cho Tổng thống Ronald Reagan, Tổng thống George Bush, Tổng thống Bill Clinton và Tổng thống Barack Obama. Trong thời gian làm cố vấn cho Bộ trưởng Thương mại của Chính quyền Reagan, ông Prestowitz cũng dẫn đầu các cuộc đàm phán với Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Cuốn sách gần đây nhất của ông được xuất bản vào tháng 1/2021: “Thế giới đảo lộn: Trung Quốc, Mỹ và cuộc đấu tranh cho sự lãnh đạo toàn cầu” (The World Turned Upside Down: China, America and the Struggle for Global Leadership).
Từ khóa Liên minh chống ĐCSTQ Dòng sự kiện giá trị phương Tây mối quan hệ Mỹ - Trung ảnh hưởng của ĐCSTQ ĐCSTQ xâm nhập Hoa Kỳ