Cựu quan chức Mỹ: Cuộc bức hại Pháp Luân Công về bản chất là một cuộc diệt chủng
- Minh Ngọc
- •
Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với The Epoch Times, Tiến sĩ Miles Yu, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nhận định, số lượng bằng chứng về tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công ở Trung Quốc còn phong phú hơn nhiều so với bằng chứng về tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ.
Cả chính quyền Trump và Biden đều coi việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ ở Trung Quốc là hành vi diệt chủng. Ông Yu đã tư vấn cho cựu Ngoại trưởng Mike Pompeo (khi ông còn đương nhiệm) về các chiến lược liên quan đến Trung Quốc. Ông Yu thực sự nhìn nhận rằng, tại Trung Quốc không chỉ có cuộc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, mà còn có cuộc diệt chủng những người theo học Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công là một tín ngưỡng ôn hòa phổ biến ở Trung Quốc vào đầu những năm 1990, dựa trên các pháp lý của cả Đạo giáo và Phật giáo. Số người theo học pháp môn này lên tới 70 – 100 triệu người vào năm 1999 và điều này đã khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cảm thấy lo sợ. Kể từ đó, chính quyền cộng sản đã tiến hành hàng loạt chính sách đàn áp khủng bố, đến mức diệt chủng trước những gì nó coi là mối đe dọa lớn nhất.
Ông Yu đã viết trong một email ngày 9/8 cho The Epoch Times: “Tôi rất ngạc nhiên trước việc cáo buộc tội diệt chủng Pháp Luân Công của ĐCSTQ đã không trở thành tâm điểm của các chiến dịch nhân quyền quốc tế nhằm vào ĐCSTQ.”
Ông tiếp tục: “Khi quyết định [định danh một] tội diệt chủng, rào cản pháp lý khó khăn nhất là chứng minh ‘ý định’ của thủ phạm.” Việc phát hiện ý định này chính là chìa khóa để xác định tội diệt chủng, trái ngược với các tội ác quốc tế cấp cao khác.
Luật sư nhân quyền quốc tế Beth Van Schaack cũng lập luận trong bài phân tích của bà về nạn diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ rằng, thách thức lớn nhất đối với việc thành lập tội danh diệt chủng là yêu cầu chứng minh được “các thủ phạm có ý định thực hiện các hành động nhằm mục đích tiêu diệt, toàn bộ hoặc một phần, một nhóm quốc gia, dân tộc, chủng tộc hoặc tôn giáo. Yếu tố mục đích là tiêu chuẩn xác định tội ác diệt chủng và là điểm phân biệt tội ác này với các tội ác quốc tế khác, chẳng hạn như tội ác chiến tranh hoặc tội ác chống lại loài người.”
Ông Yu tin rằng “sẽ dễ dàng hơn nhiều để chứng minh [ý định] này của ĐCSTQ đối với nhóm người theo học Pháp Luân Công so với trường hợp của người Duy Ngô Nhĩ, bởi vì ĐCSTQ hết sức nỗ lực che giấu cuộc đàn áp diệt chủng của họ đối với người Duy Ngô Nhĩ, trong khi lại đàn áp trắng trợn Pháp Luân Công.”
Theo ông Yu, có nhiều bằng chứng tài liệu về tội ác diệt chủng đối với Pháp Luân Công hơn là với người Duy Ngô Nhĩ. “Tài liệu về tội ác của ĐCSTQ về Pháp Luân Công cũng rõ ràng và có hệ thống hơn,” ông nhấn mạnh.
Luật sư quốc tế Terri Marsh, giám đốc điều hành của Tổ chức Luật Nhân quyền cũng đồng thuận với điều này. Trong một email gửi đến The Epoch Times ngày 9/8, bà cho rằng, “có tồn tại bằng chứng thực sự chứng minh cho tuyên bố về tội diệt chủng: rất nhiều bằng chứng ghi lại các kế hoạch và chính sách được phối hợp chặt chẽ của Trung Quốc hòng khiến những người theo học Pháp Luân Công phải chịu một chiến dịch đàn áp rộng khắp, với đủ các phương thức tra tấn, cưỡng hiếp, giết người vượt trên cả hệ thống tư pháp, cũng như nhiều phương thức đối xử tàn bạo và gây thương tích khác trên khắp Trung Quốc.”
Tổ chức Luật Nhân quyền đã viết một bài báo năm 2015 mô tả chiến dịch “đấu tranh” của ĐCSTQ, bao gồm cả việc lập kế hoạch (trong đó phần nào thể hiện rõ ý định cấu thành tội ác diệt chủng) hòng tiêu diệt Pháp Luân Công thông qua các phương pháp vượt ngoài pháp luật như bỏ tù, tra tấn và cưỡng bức mổ cướp nội tạng.
Đáng tiếc là sự chú ý của giới học giả đối với cuộc diệt chủng Pháp Luân Công tương đối thiếu sót. Theo một nghiên cứu năm 2018 công bố trên tạp chí quốc tế Nghiên cứu và Phòng ngừa Diệt chủng, “Cuộc diệt chủng chống lại Pháp Luân Công quá đỗi bất thường, vì nó hầu như bị bỏ qua.”
Để có thể đột phá vấn đề này, đồng thời hướng tới báo cáo và truy tố tội ác diệt chủng Pháp Luân Công, ông Yu khuyến nghị nên sử dụng các tiêu chí để chỉ định tội diệt chủng của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICT) làm khuôn mẫu. “Sẽ là một ý tưởng khá hay nếu sử dụng các [tiêu chí] chỉ định tội diệt chủng của Tòa án Hình sự Quốc tế về Rwanda và Srebrenica để định danh tội diệt chủng Pháp Luân Công.”
Ông Yu còn nhấn mạnh, chúng ta đang lãng phí thời gian cho việc chỉ định tội danh này, bởi vì một số thủ phạm đang già đi.
Ông viết: “Một vấn đề chính, đối với tôi mà nói, thường chỉ có một người được chỉ định [tội danh diệt chủng] — trong trường hợp này là [cựu Tổng Bí thư ĐCSTQ] Giang Trạch Dân, người đã mãn nhiệm do tuổi cao.”
“Khi Giang chết, Tòa án Hình sự Quốc tế sẽ phải tìm một nhân vật khác để chỉ định tội danh, mà cũng rất có thể là toàn bộ chính quyền ĐCSTQ. Trong trường hợp đó, tôi nghĩ những nạn nhân khác phải chịu sự đàn áp tàn bạo của ĐCSTQ, ví dụ như người Tây Tạng, những người theo các tín ngưỡng khác nhau, người Duy Ngô Nhĩ, người Mông Cổ v.v.. đều có thể tham gia thúc đẩy việc chỉ định toàn bộ chế độ ĐCSTQ là thủ phạm diệt chủng,” ông Yu cho hay.
Tội diệt chủng là hoàn toàn bất hợp pháp theo cả Luật quốc tế (như được quy định trong Công ước về Diệt chủng của Liên Hợp Quốc) và Luật của Hoa Kỳ (18 USC § 1091). Định nghĩa về tội diệt chủng trong cả hai luật đều bao gồm nỗ lực tiêu diệt không chỉ các nhóm sắc tộc mà còn cả các nhóm tôn giáo như Pháp Luân Công, cho dù sự diệt chủng này có thể là dưới hình thức giết người hàng loạt, cũng có thể thông qua cưỡng bức cải đạo.
Pháp Luân Công ở Trung Quốc đã phải chịu đựng cả hai phương thức nói trên, bao gồm giam giữ có hệ thống hàng triệu người, tra tấn dẫn đến cái chết của hơn 1 triệu học viên, thậm chí còn cưỡng bức mổ cướp nội tạng. Bằng chứng xác thực cho tội mổ cướp nội tạng đã được đưa ra trong Tòa án Trung Quốc tại London năm 2020.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ ĐCSTQ đàn áp Pháp Luân Công Mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công Tội diệt chủng