Gần đây, một cựu quan chức ngoại giao của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là Từ Diệu Hoa (Xu Yaohua) đã bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ, cáo buộc là lừa đảo để được Chính phủ Nhật Bản trợ cấp dịch bệnh COVID-19. Có người cho rằng bên điều động bắt giữ là bộ phận chuyên bắt gián điệp, cho thấy nội tình việc này không đơn giản.

Tokyo scaled
Tokyo, Nhật Bản. (Ảnh minh họa: Aleksandar Pasaric/ Pexels)

Vụ bắt giữ không đơn thuần về kinh tế

Theo nhiều kênh truyền thông Nhật Bản như Hiệp hội Phát thanh Nhật Bản (NHK), Hãng thông tấn KyodoAsahi Shimbun, Sở Cảnh sát Tokyo Nhật Bản hôm 5/2/2025 đã bắt giữ một cựu quan chức ĐCSTQ 62 tuổi là Từ Diệu Hoa, và cựu nhân viên 28 tuổi của ông này là Kojima Keita, nguyên nhân vì tình nghi những người này có hành vi gian lận để nhận trợ cấp thời COVID-19.

Theo thông tin, cảnh sát Tokyo sáng ngày 5/2 đã bắt đầu hành động bắt giữ, đồng loạt khám xét khoảng 20 địa điểm do Từ Diệu Hoa điều hành như các nhà hàng ẩm thực Trung Quốc cao cấp ở Roppongi – Tokyo, đồng thời khám nơi ở của cựu thư ký của Từ Diệu Hoa.

Lý do họ bị bắt là trong đợt bùng phát dịch COVID-19 trước đây, hệ thống nhà hàng của Từ Diệu Hoa (hoạt động ở các khu vực như Roppongi ở Tokyo) đã gửi tài liệu giả cho Chính phủ Nhật Bản, khai man rằng công ty phải đóng cửa do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, qua đó lừa đảo Chính phủ Nhật Bản thu được một lượng lớn tiền trợ cấp.

Theo điều tra, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 8/2022, Từ Diệu Hoa đã yêu cầu một nhân viên nam nghỉ phép giả và gửi yêu cầu giả cho Sở Lao động Tokyo (Tokyo Labor Bureau) để nhận trợ cấp 3,75 triệu yên. Cảnh sát Tokyo nghi ngờ rằng Từ Diệu Hoa đã yêu cầu kế toán của công ty lúc đó là Kojima Keita khai báo giả.

Không chỉ thế, cảnh sát cũng cho rằng Từ Diệu Hoa đã yêu cầu nhiều nhân viên của công ty thay đổi hồ sơ việc làm trong đợt bùng phát COVID-19, qua đó khai giả ngừng làm việc để lừa đảo trợ cấp của chính phủ và sử dụng tiền đó để trả lương, số tiền liên quan có thể lên tới vài trăm triệu yên.

Quan hệ mật thiết với ĐCSTQ

Từ Diệu Hoa không phải là người Trung Quốc bình thường, mà là một nhà ngoại giao có địa vị tương đối đặc biệt. Từ năm 1986 – 1989, Từ Diệu Hoa được ĐCSTQ gửi đến Nhật Bản và từng là thư ký thứ 3 của Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản. Sau khi nghỉ hưu thì ông này trở về Trung Quốc, sau đó quay lại Nhật Bản, có được quyền cư trú và ở lại Nhật để kinh doanh, thành lập Công ty Đông Hồ và mở 8 nhà hàng Trung Quốc tại hai khu vực cao cấp của Tokyo như: “Nhà hàng quý tộc” (Ngự thiện phòng), “Số 1 Ginza” (Chuo-ku – Tokyo), “Mỗi món mỗi vị” (Bách thái bách vị), “Điểm tâm 168”….

Bề ngoài cho thấy Từ Diệu Hoa dường như rất chuyên tâm đến ẩm thực Trung Quốc, nhưng đáng nghi ngờ là “Nhà hàng quý tộc” nằm đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc tại Nhật Bản thường xuyên tiếp đãi các thành viên thân Trung Quốc trong Chính phủ Nhật Bản. Nhà hàng Trung Quốc “Số 1 Ginza” cũng là “Hội quán Thương mại đồng hương Hồ Bắc tại Nhật Bản” để những người được gọi là “đồng hương Hồ Bắc” ở Nhật tổ chức các hoạt động. Ngoài ra, cựu quan chức này cũng là chủ tịch Phòng Thương mại Hồ Bắc tại Nhật Bản và Hội trưởng Hội cựu sinh viên Nhật Bản của Đại học Vũ Hán – Trung Quốc, họ từng đặt danh hiệu cho Từ Diệu Hoa là “Người con ưu tú Hồ Bắc trong Xây dựng sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc”.

Theo giới thiệu trên trang web của “Nhà hàng quý tộc”, nhà hàng do cựu quan chức ngoại giao Trung Quốc Từ Diệu Hoa điều hành không chỉ là nơi yêu thích của Đại sứ quán Trung Quốc mà còn của giới chính trị và tài chính Nhật Bản, gồm cả thủ tướng.

Truyền thông Nhật Bản (như tờ Sankei Shimbun) cho biết, những nhà hàng do Từ điều hành cho thấy họ có liên hệ với giới chính trị và kinh doanh Nhật Bản. Mặc dù bối cảnh không rõ ràng, Bộ Công an Nhật Bản đang làm rõ dòng tiền của một số vụ bất hợp pháp liên quan.

Một vấn đề khác thu hút chú ý là hành động của Ban chuyên trách về an ninh công cộng và chống khủng bố của Cảnh sát Tokyo, việc họ mở một chiến dịch bắt giữ và tìm kiếm bất ngờ đối với Từ Diệu Hoa được cho là có nguyên nhân đằng sau không đơn giản về chuyện kinh tế.

Có cư dân mạng trên nền tảng X chỉ ra, “Ban chuyên trách về an ninh công cộng và chống khủng bố của Cảnh sát Tokyo không phải là cơ quan cảnh sát bình thường. Đó là sở cảnh sát chuyên điều tra và xử lý hoạt động của gián điệp hoặc cơ quan chính phủ nước ngoài. Gian lận thuế thông thường chỉ cần cơ quan thuế là có thể xử lý. Một số vụ gian lận trợ cấp dịch bệnh hàng trăm triệu yên của công ty Trung Quốc năm ngoái đều do cơ quan thuế xử lý, vì vậy vấn đề lần này không đơn giản chỉ là thuần túy chuyện kinh tế”.

Cũng có cư dân mạng cho biết, “Mặc dù Từ Diệu Hoa là một cựu quan chức ngoại giao, nhưng ‘nhà hàng quý tộc’ của ông ta mở đối diện với Đại sứ quán Trung Quốc ở Nhật Bản, chủ yếu là ẩm thực Trung Quốc siêu cao cấp thường dùng tiếp đãi các nghị sĩ thân Trung Quốc của Nhật Bản, nơi này đang có vấn đề gì đặc biệt chứ không chỉ đơn giản như chuyện lừa đảo nhận trợ cấp của Nhật Bản”.

Trước đó cũng có tin cho biết, Sở Cảnh sát ToKyo Nhật Bản đã điều tra Từ Diệu Hoa bắt đầu từ tháng 5/2024.  

Bối cảnh chính trị của 2 cô gái tiệm massage

Điều đáng chú ý là, đây không phải lần đầu tiên Cảnh sát Tokyo Nhật Bản có hành động đối với những người có bối cảnh ĐCSTQ.

Vào tháng 2/2024, Ban chuyên trách về an ninh công cộng và chống khủng bố của Cảnh sát Tokyo đã bắt giữ hai phụ nữ Trung Quốc điều hành một cửa hàng massage ở Tokyo lý do lừa đảo trợ cấp dịch bệnh, và cả hai đều là quản lý chính của “Hội đồng hương Phúc Châu – Phúc Kiến”, trong đó Hà Lệ Hồng (tên gốc là Ngô Lệ Hương) từng là cố vấn ngoại giao và thư ký của Thượng nghị sĩ Nhật Bản Matsushita Shinpei và có “giấy thông hành” ra vào hội trường của các thành viên Thượng viện Nhật Bản.

Một điều gây sốc khác là, theo tiết lộ của tổ chức nhân quyền “Người bảo vệ” (Safeguard Defenders) tại Tây Ban Nha, tòa nhà nơi sinh hoạt của “Hội đồng hương Phúc Châu – Phúc Kiến” thực ra là nơi trú của “đồn cảnh sát nước ngoài” do ĐCSTQ cài cắm ở Nhật Bản, năm 2023 từng bị cảnh sát Nhật Bản khám xét.

Lý Đức Ngôn, Vision Times