Dân biểu Mỹ đề xuất dự luật chế tài Giám đốc CDC Trung Quốc
- Miêu Vi
- •
Hiện tại, làn sóng yêu cầu triển khai điều tra độc lập về nguồn gốc virus Trung Cộng (virus viêm phổi Vũ Hán, virus corona mới) trên toàn thế giới đang ngày càng dâng cao. Mới đây, hai Dân biểu Cộng hòa thuộc Quốc hội Mỹ đã đề xuất một dự luật, yêu cầu tiến hành chế tài đối với quan chức cấp cao của cơ quan y tế Trung Quốc cho đến khi nước này cho phép tiến hành điều tra triệt để Phòng Thí nghiệm Vũ Hán, trong đó có cả ông Cao Phúc (Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật – CDC Trung Quốc) và ông Mã Hiểu Vĩ (Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc).
Theo Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA) đưa tin, hai Dân biểu Đảng Cộng hòa Quốc hội Mỹ hôm 15/6 đã đề xuất một dự luật, yêu cầu tiến hành chế tài đối với quan chức cấp cao thuộc cơ quan y tế Trung Quốc cho đến khi họ cho phép triển khai ‘điều tra độc lập và không gặp trở ngại’ về nguồn gốc virus corona mới (SARS-CoV-2) liệu có phải là rò rỉ từ phòng thí nghiệm ở Vũ Hán hay không.
Dự luật này còn tìm cách khiến Trung Quốc chịu trách nhiệm cho hành vi “đánh cắp sở hữu trí tuệ” và nhiều lần “xâm phạm nhân quyền”.
Dự luật yêu cầu Tổng thống Joe Biden căn cứ vào quy định liên quan trong Đạo luật Magnitsky, tiến hành chế tài đối với quan chức ĐCSTQ khiến cho những người tố cáo và phóng viên công dân liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán mất tích và hạn chế tự do ngôn luận và tự do học thuật liên quan đến dịch bệnh.
Dự luật còn yêu cầu một cách rõ ràng về việc chế tài ông Cao Phúc (Giám đốc CDC Trung Quốc) và ông Mã Hiểu Vĩ (Chủ nhiệm Ủy ban Y tế Sức khỏe Quốc gia Trung Quốc). Biện pháp chế tài bao gồm đóng băng tài sản của những người này tại Mỹ hoặc các tài sản chịu sự kiểm soát của Mỹ, không cho phép họ nhập cảnh và hủy bỏ thị thực hiện có, v.v.
Hai Dân biểu đề xuất dự luật này lần lượt là bà Elise Stefanik (Chủ tịch Hội nghị Đảng Cộng hòa, đến từ tiểu bang New York), và ông Robert Wittman (Dân biểu Đảng Cộng hòa đến từ tiểu bang Virginia).
Trong một tuyên bố, Dân biểu Elise Stefanik cho biết, là lãnh tụ của thế giới tự do, Mỹ cần phải khiến cho quan chức ĐCSTQ chịu trách nhiệm đối với hành vi trái với lương tâm của họ. Ngoài đánh cắp sở hữu trí tuệ, ĐCSTQ tiến hành diệt chủng đối với dân tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, tại Hồng Kông tiếp tục tiến hành đàn áp hoạt động dân chủ, và công nhiên che giấu nguồn gốc dịch bệnh.
Tuyên bố chỉ ra, điều này đã gây ra khủng hoảng kinh tế và tổn thất sinh mạng của người dân các nơi trên thế giới, bao gồm cái chết của gần 600.000 người Mỹ. Cần thiết phải điều tra triệt để và không gặp trở ngại, để xác định mức độ hành vi của họ, và ngăn chặn ĐCSTQ dùng bất cứ hình thức nào để có được lợi ích, đặc biệt là dùng việc hy sinh lợi ích của người Mỹ làm cái giá phải trả.
Bà Elise Stefanik là lãnh tụ đứng thứ 3 của Đảng Cộng hòa tại Hạ viện, dự luật này đã phản ánh lập trường chính trị của thành viên Đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ về các vấn đề liên quan.
Dịch bệnh virus corona mới bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ bắc, đã khiến cho khoảng hơn 3,79 triệu người tử vong trên toàn cầu. Đến nay, nguồn gốc của virus vẫn là chỗ mê khó giải. Gần đây, chuyên gia y học của Mỹ, những nhân vật chính trị quan trọng và truyền thông đều thay đổi nhìn nhận về nguồn gốc của virus.
Từ Tổng thống Mỹ Joe Biden, Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken, Cố vấn y tế trưởng cho Tổng thống, nghị sĩ lưỡng viện, đến các nhà khoa học ở các nước, truyền thông và người dân, đều bày tỏ rất quan tâm đến khả năng virus rò rỉ từ Viện Virus học Vũ Hán.
Hôm 26/5, Tổng thống Biden ra tuyên bố, yêu cầu cơ quan tình báo Mỹ “tăng cường điều tra”, thu thập và phân tích các thông tin có thể tiếp cận gần hơn với kết luận rõ ràng về nguồn gốc virus corona mới, và phải báo cáo cho ông trong 90 ngày.
Các nhà lãnh đạo của Liên minh châu Âu và các nước G7 bày tỏ sự ủng hộ đối với cuộc điều tra lại nguồn gốc của virus corona mới do Tổng thống Mỹ Biden thúc đẩy, đồng thời thúc giục Trung Quốc cho phép các nhà nghiên cứu “tiếp cận đầy đủ”. Theo đó, Tổ chức Y tế Thế giới và một số nhà khoa học cho rằng cần tiến hành điều tra sâu hơn các khả năng khác nhau về nguồn gốc virus, bao gồm cả rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Bắc Kinh cáo buộc yêu cầu tiến hành điều tra lại nguồn gốc virus là “thao túng chính trị”.
Ngày 30/12/2019, một số bác sĩ ở Vũ Hán, bao gồm cả “người thổi còi” Lý Văn Lượng, đã nhắc nhở mọi người về loại bệnh viêm phổi không xác định mới trong vòng tròn bạn bè của họ. Không lâu sau, bác sĩ Lý và những người khác bị chính quyền nhắc nhở, phê bình do “phát tán thông tin không đúng sự thật trên mạng”. Cơ quan công an cho biết, qua điều tra xác minh, đã triệu tập 8 người “tung tin đồn” và “xử lý theo pháp luật”. Vào thời điểm đó, dịch bệnh này đã lan rộng ở Vũ Hán và khắp Trung Quốc.
Đầu năm ngoái, Ủy ban Y tế Vũ Hán thông báo nói chưa phát hiện chứng cứ cho thấy dịch bệnh lây truyền từ người sang người, mặc dù không nói rõ ràng rằng không truyền từ người sang người, nhưng lại tạo ra ngữ cảnh cho thấy rằng virus sẽ không lây truyền từ người sang người. Ngày 22/1/2020, tại cuộc họp báo của Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện, ông Cao Phúc nói, hiện tại bằng chứng cho thấy trẻ em, người trẻ tuổi không dễ nhiễm virus corona.
Nhưng ngày 29/1/2020, trong bài luận văn được đăng tải trên Tạp chí Y học New England của ông Cao Phúc và một số người khác, dữ liệu dịch tễ học của 425 người bị nhiễm được hiển thị trong bài báo cho thấy virus corona mới có thể lây truyền từ người sang người.
Sự thực chứng minh, virus viêm phổi Vũ Hán rất dễ lây nhiễm đối với bất cứ nhóm người nào, ví dụ như người còn trẻ như bác sĩ Lý Văn Lượng mới 34 tuổi, nhưng sau khi nhiễm đã không thể cứu chữa và tử vong. Giám đốc CDC Trung Quốc Cao Phúc bị nghi ngờ “đã sớm biết virus có hiện tượng lây truyền từ người sang người, nhưng lại che giấu không báo cáo”. Do đó, ông bị dán nhãn là người đã tuyên bố virus “không truyền từ người này sang người khác”, do đó ông bị dư luận trong nước Trung Quốc và nước ngoài chỉ trích.
Miêu Vi, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Đạo luật Magnitsky Nguồn gốc COVID-19 nguồn gốc virus corona Cao Phúc CDC Trung Quốc