Diễn thuyết: Tiếp cận Trung Quốc với các giá trị của Canada
- David Kilgour
- •
Phần diễn thuyết về quan hệ Canada – Trung Quốc dưới đây được ngài David Kilgour, cựu quốc vụ khanh Canada phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một nhà hoạt động nhân quyền uy tín từng được đề cử giải Nobel hòa bình, trình bày tại Diễn đàn Canadian International Council được tổ chức ở Khách sạn Alt, Ottawa, vào tháng 5/2019.
Được xem như một trong các tổ chức “think tank” độc lập, được tôn trọng, và có lịch sử lâu đời nhất Canada, Canadian International Council là nơi các chuyên gia thuộc mọi lĩnh vực nêu ý kiến để tăng cường vị thế của Canada trên trường quốc tế, đề xuất các ý tưởng nhằm giúp Canada ứng phó với các vấn đề mang tính thời sự trên toàn thế giới.
Dưới đây là phần diễn thuyết. Bản tiếng Anh có thể tham khảo tại đây.
*
Wei Jingsheng, nhà hoạt động nhân quyền thuộc Liên minh Dân chủ Trung Quốc ở Hải ngoại lưu ý rằng: Hiến pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc nêu rất rõ: “cả nước Trung Quốc phải tuân theo sự lãnh đạo của ĐCSTQ, toàn bộ ĐCSTQ phải tuân theo Ủy ban Trung ương Đảng…”
Định kỳ kể từ khi nắm quyền vào năm 1949, nhà nước đảng trị Bắc Kinh đã đàn áp các nhóm thiểu số không thương tiếc, mục đích chắc chắn là để tiêm nhiễm sự sợ hãi vào người dân Trung Quốc nói chung. Bốn trong số các cuộc vận động kể từ năm 1950 là:
- ‘Đại nhảy vọt’, 1958-1962, trong đó ước tính khoảng 40 triệu người chết đói,
- ‘Cách mạng văn hóa’, giai đoạn 1966-1976 đã khiến có lẽ là hai triệu người khác thiệt mạng,
- Vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn tháng 6/1989, nơi những người lính có thể đã giết chết ít nhất 10.000 người biểu tình đang tìm kiếm nền dân chủ và pháp quyền,
- Vào giữa năm 1999, đàn áp bạo lực đối với cộng đồng Pháp Luân Công (hay Pháp Luân Đại Pháp) – một cộng đồng dùng cách tiếp cận của Phật gia đối với vấn đề sức khỏe thể chất và tinh thần – điều vẫn được nhà nước đảng trị Bắc Kinh tiếp tục cho đến ngày hôm nay.
Như Tiến sĩ Sophie Richardson của Human Rights Watch vừa chỉ ra trước tôi, chính quyền Trung Quốc gần đây đã tiếp tục đối xử tương tự với cộng đồng người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Có vẻ như tất cả người Duy Ngô Nhĩ bị đưa vào “trại cải tạo” kể từ năm 2013 đều bị thử máu, điều – không giống với xét nghiệm DNA – chỉ hữu ích cho việc cấy ghép nội tạng. Một người Duy Ngô Nhĩ từng trốn thoát khỏi trại cải tạo và ra khỏi Trung Quốc, đã cho biết trong số những người bị thử máu cùng cô, một số người bị buộc phải đeo băng màu cam trên cánh tay. Sau đó nhũng người bị đeo băng màu cam sẽ sớm biến mất khỏi trại. Lãnh đạo thế giới cần lên tiếng về việc này; không thể cứ “quan hệ kinh doanh như bình thường” với một chế độ đối xử với người dân tộc thiểu số một cách kinh khủng như vậy.
“Đại nhảy lùi”
Đại hội ĐCSTQ lần thứ 19 phản ánh mong muốn của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm kéo Trung Quốc từ chế độ độc đảng trở lại chế độ lãnh tụ tối cao như của Mao trong thời ‘Đại nhảy lùi’.
Một ví dụ cho sự thoái lùi này là việc đề xuất tới Hội đồng Lập pháp Hồng Kông sửa đổi luật dẫn độ nhằm cho phép trục xuất bất cứ ai khỏi Hồng Kông theo yêu cầu của Bắc Kinh hoặc của các chính phủ khác, tới quốc gia yêu cầu, mà không cần xét tới luật pháp, áp dụng kể cả với khoảng 300.000 người Canada đang sinh sống tại đây. Hơn 130.000 người biểu tình đã xuống đường phố Hồng Kông vào ngày 28/4 để phản đối. Ngày hôm qua, một phái đoàn đáng kính từ Hồng Kông, gồm Martin Lee, Lee Cheuk-yan, Mak Yin-ting, James To và Nathan Law, đã đến Ottawa để thúc giục người Canada và chính phủ của chúng ta có lập trường mạnh mẽ chống lại đề xuất đó.
Một người Canada hành nghề luật sư tại Thượng Hải trong 14 năm là Clive Ansley đã lưu ý rằng:
Trung Quốc không có một hệ thống pháp lý thực sự có ý nghĩa. Đây là một hệ thống hoàn toàn không có thật, được đưa ra vào năm 1979 với lý do rất ít hoặc chẳng hề liên quan gì đến mong muốn thực thi pháp luật… Trung Quốc là một nhà nước công an trị tàn bạo… Có một câu nói hiện nay giữa các luật sư và thẩm phán Trung Quốc, những ai thực sự tin vào pháp quyền…: ‘Những người xử án không đưa ra phán quyết; những người đưa ra phán quyết chưa từng nghe xử án’… Những gì xảy ra trong ‘phòng xử án’ không có bất kỳ tác động nào đối với ‘phán quyết’ của tòa.
Một phần ba số tỷ phú thế giới thuộc về Trung Quốc. GDP bình quân đầu người ở quốc gia này những năm gần đây nằm trong khoảng 7.000 đô la Mỹ, khoảng 55% mức trung bình của thế giới, cho thấy điều mà tạp chí Economist đã chỉ ra: đất nước này sẽ già đi về mặt nhân khẩu học, và ngoài tầng lớp thượng lưu bên trong Đảng mới trở nên giàu có ra, những người còn lại sẽ không có cơ hội. Tập đoàn Hurun có trụ sở tại Thượng Hải đã kết luận từ các cuộc khảo sát của mình rằng một nửa số triệu phú Trung Quốc đang lên kế hoạch, hoặc xem xét chuyển đến sống ở một quốc gia khác.
Cuốn “Claws of the Panda” (Tạm dịch: Nanh vuốt gấu trúc) của Jonathan Manthorpe mới xuất bản đã mô tả chi tiết các cuộc vận động của nhà nước đảng trị Bắc Kinh kể từ năm 1949 nhằm gây ảnh hưởng và đe dọa tới nội bộ Canada, cuốn sách cũng ghi lại cách Trung Quốc lây nhiễm vào hệ thống chính trị, truyền thông, học thuật và thương mại của Canada. Tác giả kết luận chính xác rằng Ottawa “sẽ làm tốt nếu biết lắng nghe lo âu của người dân, thay vì đắm chìm vào viễn cảnh nhiều màu sắc mà đặc vụ gây ảnh hưởng của ĐCSTQ vẽ ra, hay lơ là bởi ý nghĩ rằng mối quan hệ lãng mạn giữa hai nước sẽ khiến Trung Quốc thay đổi bởi các giá trị Canada.”
Luật sư nhân quyền Trung Quốc Wang Yu đã vẽ nên bộ mặt ẩn giấu của chế độ Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Sau vài năm bị giam giữ trong tù, cô Wang đã trở thành nhà đấu tranh không sợ hãi cho người dân bị lạm dụng. Năm 2013, cô nói, “Nhiều người… không biết rằng người dân Trung Quốc (bị đối xử) như là những con vật không có bất cứ quyền cơ bản nào”. Wang bị bắt vào năm 2015 và được thả tự do vào năm sau đó, sau khi bị ép buộc phải “thú tội” trên truyền hình. Sau đó, cô đã đuọc trao giải thưởng Nhân quyền Quốc tế của Hiệp hội Luật sư Hoa Kỳ.
Luật sư nhân quyền Trung Quốc Gao Zhisheng, hai lần được đề cử giải Nobel Hòa bình, vào năm 2014 đã bị chuyển từ nhà tù sang quản thúc tại gia, nhưng tại thời điểm đó anh hầu như không thể đi đứng hay nói chuyện sau khi bị tra tấn trong tù. Năm 2015, anh nói với hãng tin AP rằng anh đã bị tra tấn dùi cui điện vào mặt và bị biệt giam 3 năm liền kể từ 2010. “Mỗi khi chúng tôi ra khỏi tù còn sống, thì đó là một thất bại cho đối thủ [là chính quyền] của chúng tôi.”
Cực Phó chủ tịch Nghị viện châu Âu Edward McMillan-Scott đã ví Gao là Nelson Mandela của Trung Quốc. Ông cũng nhấn mạnh về báo cáo của Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Chống tra tấn, Tiến sĩ Manfred Nowak, rằng: “(Năm 2006 Nowak) ước tính rằng khoảng hai phần ba trong số bảy đến tám triệu người bị giam giữ trong hệ thống lao động cải tạo của Trung Quốc là những người tập Pháp Luân Công. Hàng ngàn người trong số đó đã thiệt mạng do bị thu hoạch nội tạng bất hợp pháp, đó là một phần trong ngành công nghiệp cấy ghép tạng béo bở của Quân đội Giải phóng Nhân dân.”
Dẫu sao, luật sư Gao gần đây cho biết: “Số lượng người bị giam giữ trong các nhà tù Trung Quốc luôn được phân loại chi tiết. Ước tính cá nhân và mang tính bảo lưu của tôi là con số không thể dưới 15 triệu tù nhân. Trung Quốc có nhiều nhà tù hơn số trường đại học. (Chỉ sau nhiều năm làm luật sư, tôi mới phát hiện ra rằng có hơn 5.000 trung tâm giam giữ được sử dụng để nhốt những người bị tạm giam…)”
Thu hoạch đẫm máu/Đại thảm sát
Vào năm 2006, Liên minh Điều tra Cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc (CIPFG) đã yêu cầu David Matas và tôi tình nguyện điều tra các khiếu nại liên tục về việc cướp/buôn bán nội tạng từ người tập Pháp Luân Công. Chúng tôi đã phát hành hai báo cáo và một cuốn sách – Bloody Harvest (Thu hoạch đẫm máu) – và đã tiếp tục điều tra (Báo cáo cập nhật của chúng tôi có thể truy cập bằng 18 ngôn ngữ tại trang david-kilgour.com). Chúng tôi xác định rằng đối với 41.500 ca cấy ghép được thực hiện trong thời gian 2000-2005 tại Trung Quốc, nguồn cung nội tạng đáng kể không nghi ngờ gì là từ tù nhân lương tâm Pháp Luân Công.
Ethan Gutmann, nhà báo đồng sáng lập Liên minh Quốc tế chấm dứt Lạm dụng Nội tạng ở Trung Quốc, xuất bản cuốn Slaughter (Đại thảm sát – 2014), đặt cuộc đàn áp Pháp Luân Công, Tây Tạng, Duy Ngô Nhĩ và cộng đồng Kitô giáo tại gia trong một bối cảnh chung. Ông cũng giải thích về “ước tính” mà ông cho là hợp lý, rằng có 65.000 người tập Pháp Luân Công và 2 đến 4 nghìn người Duy Ngô Nhĩ, Tây Tạng và Kitô giáo đã bị “thu hoạch nội tạng” trong khoảng 2000-2008. Báo cáo cập nhật của chúng tôi vào 6/2016 có thể được truy cập tại đây.
- Xem thêm cập nhật dòng sự kiện về phản ứng của quốc tế trước nạn thu hoạch nội tạng
Trại lao động cải tạo cưỡng bức
Matas và tôi đã viếng thăm hàng chục quốc gia để phỏng vấn người tập Pháp Luân Công, những người đã trốn thoát khỏi trại lao động và khỏi đất nước Trung Quốc. Họ nói với chúng tôi về điều kiện làm việc kinh khủng tới 16 tiếng trong trại giam, không được trả công, ít thức ăn, ngủ trong tình trạng nhồi nhét người, và bị tra tấn. Các tù nhân thực hiện một loạt các sản phẩm xuất khẩu trên danh nghĩa nhà thầu phụ cho các công ty đa quốc gia. Đây là sự thiếu trách nhiệm trắng trợn và vi phạm các quy tắc của WTO; và các đối tác thương mại của Trung Quốc cần phải có phản ứng thích đáng.
Phản ứng của cộng đồng cấy ghép tạng quốc tế
Trong những thập kỷ mà Liên Xô tồn tại, các chuyên gia tâm thần thế giới phải đối mặt với việc Liên Xô thí nghiệm tâm thần trên các tù nhân lương tâm; và cộng đồng quốc tế đã phản ứng mạnh mẽ chống lại điều đó, buộc Liên Xô phải thay đổi. Ngày nay, các chuyên gia cấy ghép trên toàn cầu phải đối mặt với việc lạm dụng cấy ghép của Cộng sản Trung Quốc, nhưng phản ứng của họ thật đáng thất vọng. Chỉ có một số người bận tâm và chịu khó đọc nghiên cứu, để rồi hiểu điều đang diễn ra tại Trung Quốc là thảm sát người vô tội và che đậy tội ác. Những người ít ỏi đó đã phản ứng, tách khỏi các chuyên gia cấy ghép Trung Quốc, và khuyến khích những người khác làm tương tự.
Nhà nước đảng trị Trung Quốc không có câu trả lời thực tế đáng tin cậy nào tới các nhà nghiên cứu độc lập, những người đã chứng minh rằng Trung Quốc đang giết hàng loạt người vô tội để phục vụ cấy ghép. Thật vậy, với quy mô lớn của ngành kinh doanh cấy ghép ở Trung Quốc, không thể phủ nhận nghiên cứu này theo bất kỳ cách nào. ĐCSTQ công khai và thổi phồng sự ủng hộ đến từ các chuyên gia cấy ghép trong các nền dân chủ, những người đã bị lừa bởi sự tuyên truyền của đảng. Người ta chỉ có thể hy vọng rằng cộng đồng cấy ghép quốc tế sẽ dám đối mặt với sự thật trước khi rất nhiều người vô tội khác bị giết để lấy tạng. Website của Liên minh quốc tế nhằm chấm dứt lạm dụng cấy ghép tại Trung Quốc có thể được truy cập tại endtransplantabuse.org .
Canada cần hướng chính sách mới
Nhiều người Canada ngày nay nhận thức được việc lạm dụng nhân quyền có hệ thống tại Trung Quốc, và các cuộc điều tra ý kiến cho thấy nguòi dân rất không tin tưởng vào chính quyền Bắc Kinh. Chính quyền và doanh nhân Canada nên xem xét lý do tại sao họ vẫn bỏ qua việc vi phạm rất nhiều quyền con người cơ bản để tăng cường thương mại và đầu tư với Trung Quốc. Điều này đã dẫn đến tình trạng việc làm của Canada bị chuyển tới Trung Quốc, gây mất cân bằng và gia tăng thâm hụt thương mại.
Có phải chúng ta đã quá tập trung vào việc tiếp cận các mặt hàng tiêu dùng rẻ tiền và một thị trường rộng lớn tiềm năng đến nỗi bỏ qua cái giá là môi trường tự nhiên, xã hội và con người tại Trung Quốc? Người tiêu dùng ở nhiều quốc gia tạo ra nhiều của cải cho Trung Quốc, trong khi các doanh nghiệp và gián điệp thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc bỏ qua luật sở hữu trí tuệ và sao chép mọi thứ từ thiết bị nhỏ đến máy bay dân sự và quân sự. Công dân Trung Quốc đáng lẽ phải có sự an toàn và an ninh, luật pháp, sự tôn trọng, giáo dục, việc làm tốt, chính quyền có trách nhiệm và môi trường tự nhiên tốt.
Jonathan Manthorpe
Hãy xem xét một số luận điểm của Jonathan Manthorpe trong “Nanh vuốt gấu trúc” về việc Canada cần làm gì để đổi mới cách tiếp cận Trung Quốc:
“Sự can thiệp của ĐCSTQ vào xã hội dân sự ở Canada và nỗ lực nhằm phá hoại nó, cùng với sự đe dọa và quấy rối các cá nhân Canada, cần phải có một phản ứng thích đáng từ chính quyền.” Manthorpe cho biết cả Úc và New Zealand “đã cởi mở và mạnh mẽ hơn Canada trong việc vạch trần và chống lại cuộc vận động của ĐCSTQ… Canberra đã cần quyết tâm chính trị lớn hơn nhiều nếu so với ở Ottawa. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc và là khách hàng của một phần ba hàng hóa xuất khẩu từ Úc, hầu hết là nguyên liệu thô. Hiện tại, họ đã đối mặt với Trung Quốc, và Canada cũng nên làm vậy.”
Manthorpe lấy thêm một ví dụ, năm 2014 cựu phân tích viên CSIS Michel Juneau-Katsuya nói với một nhà báo rằng cơ quan của ông “tìm thấy bằng chứng rằng Lãnh sự quán Trung Quốc ở Toronto đã can thiệp trực tiếp vào các cuộc bầu cử bằng cách gửi sinh viên Trung Quốc vào nhà của các hộ gia đình chỉ nói tiếng Trung Quốc và nói cho cư dân ai là ứng cử viên mà Lãnh sự quán muốn cử tri lựa chọn.” Ở trang 257, Manthorpe lưu ý rằng từ năm 2006 đến 2017, toàn bộ 36 chuyến đi đến Trung Quốc của các thượng nghị sĩ và nghị sĩ của Canada đã được chính phủ Trung Quốc hoặc các nhóm doanh nghiệp tỉnh Trung Quốc đài thọ. Ông kết luận cho cuốn sách của mình bằng cách lưu ý một cách chính xác rằng “chế độ Trung Quốc không được xây dựng trên một khế ước xã hội với người dân Trung Quốc…”
David Mulroney, Đại sứ Canada tại Trung Quốc từ năm 2009 đến 2012, gần đây đã viết trên tờ Globe và tờ Mail:
“Chúng ta phải bảo đảm quyền tự do của những người Canada bị giam giữ là Michael Kovrig và Michael Spavor, và cứu mạng sống của những người Canada như Robert Schellenberg và Fan Wei, những người phải đối mặt với án tử hình từ một hệ thống pháp lý Trung Quốc mờ ám, nhận chỉ thị từ nhà nước Trung Quốc…”
“… (Canada) vẫn đang bị Trung Quốc dắt mũi, khi mà các tầng lớp quan chức và kinh doanh Canada ngây thơ nhận hết tất cả những gì mà Bắc Kinh đưa cho… Làm Trung Quốc tốt lên là một điều đặc biệt khó khăn cho chính phủ phái Tự do, những người ưa góc nhìn từ thiện, và phải vật lộn trong chính sách đối ngoại. Chính phủ tiếp cận thế giới bên ngoài biên giới của chúng ta với niềm tin không thể giải thích được rằng các quốc gia khác cũng cấp tiến như cử tri phái Tự do hoặc cũng khao khát cấp tiến như họ. Điều này là sai lầm, và cũng rất nguy hiểm. Chúng ta không thể trì hoãn việc nhìn nhận lại Trung Quốc, và chúng ta phải cởi mở với ý tưởng rằng, khi tiếp cận Bắc Kinh, cần phải thông minh chứ không phải là viển vông…”
“Chúng ta cũng cần suy nghĩ cẩn thận về việc xúc tiến thương mại và đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực như cải dầu, khi nhu cầu rất lớn của Trung Quốc khiến vị thế của họ cao hơn của chúng ta. Chúng ta cần nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm thị trường mới và sản xuất nhiều hơn tại Canada để tăng thêm giá trị cho những gì chúng ta bán. Trung Quốc dường như hiểu rằng cách tống tiền dễ dàng nhất là thông qua kinh tế hàng hóa…”
Guy Saint-Jacques, Cựu đại sứ Canada tại Trung Quốc
“Chính phủ Canada nên tuyên bố rằng Canada không còn theo đuổi thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc vì sự tin tưởng với Trung Quốc đã mất… Tôi cũng nghĩ rằng chúng ta nên đến WTO để nộp đơn tố cáo chính thức đối với Trung Quốc về những gì họ đang làm với cải dầu xuất khẩu của chúng ta.” Ông nói thêm rằng chính phủ liên bang nên nỗ lực nhiều hơn để đa dạng hóa thương mại và xem xét trục xuất các vận động viên Trung Quốc đang đào tạo tại Canada cho Thế vận hội mùa đông 2022 tại Bắc Kinh. “… Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở giai đoạn mà chúng ta phải cứng rắn vì đây là ngôn ngữ duy nhất mà Trung Quốc hiểu được.”
Charles Burton
Cựu cố vấn tại Đại sứ quán Canada ở Bắc Kinh và phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Brock, Charles Burton, cho biết:
“Việc chính phủ (Canada) lịch sự kêu gọi Bắc Kinh cấp thị thực cho các chuyên gia nông nghiệp của chúng ta để các chuyên gia có thể cho người Trung Quốc thấy rằng hạt cải của chúng ta không bị ô nhiễm như tuyên bố sai lệch của họ, hoặc việc tìm kiếm hỗ trợ từ báo giới (ở các quốc gia khác) rõ ràng sẽ không đưa chúng ta đến đâu… Trung Quốc có một triệu người Hồi giáo sắc tộc Turk trở lên trong các trại diệt chủng văn hóa dưới chiêu bài ‘giáo dục cải tạo’ ở phía tây bắc của họ, và có kế hoạch làm điều tương tự với người Tây Tạng. Hơn nữa, có một lượng lớn tù nhân chính trị của Trung Quốc đã phải chịu đựng đau khổ ít nhất là trong điều kiện tương tự như trong ‘hắc lao’ mà hai công dân của chúng ta bị giam giữ. Xem ra, mối quan tâm của người Canada không phải là thứ gì đó đáng để tâm đối với lãnh đạo Cộng sản Trung Quốc.”
“Nhưng việc hầu hết các quốc gia phương Tây đã làm – lên án về chính trị nhưng vẫn tiếp cận về kinh tế – đã khiến cho Trung Quốc có thể thực hành việc ‘chia để trị’. Trong khi một số quốc gia ủng hộ sự phẫn nộ của Canada đối với việc Trung Quốc coi thường luật pháp quốc tế, thì hầu hết các quốc gia đều im lặng, vì sợ Bắc Kinh trả đũa… Trung Quốc đã đe dọa thành công các xã hội đa nguyên, dân chủ và tự do vì chúng ta bị mù quáng bởi lòng tham, và sẵn sàng lảng tránh trong hơn 25 năm khi chính quyền Cộng sản Trung Quốc phớt lờ các quy tắc quốc tế về nhân quyền và thương mại công bằng… Hiện tại, không có chiến lược đa quốc gia chặt chẽ nào chống lại các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc. Chúng ta càng ít đưa ra phản ứng thực tế, thì sẽ càng thuận tiện cho Trung Quốc xé nát trật tự toàn cầu.”
Kết luận
Ngay lập tức, trong lúc này, Ottawa cần có một ý chí chính trị mạnh mẽ và tinh tế trong việc sử dụng các giá trị Canada để tiếp cận nhà nước đảng trị Bắc Kinh trong tất cả các khía cạnh của quan hệ song phương.
Cảm ơn quý vị đã lắng nghe.
David Kilgour
Xem thêm:
Từ khóa nhân quyền ở Trung Quốc David Kilgour quan hệ Trung Quốc - Canada think tank