Các nhà cầm quyền quân sự Myanmar vào thứ Bảy (29/3) cho biết số người chết do trận động đất mạnh 7,7 độ richter hôm thứ Sáu (28/3) đã vượt quá 1.600 người. Đây là thảm họa thiên nhiên chết chóc nhất tấn công quốc gia nghèo đói và bị chiến tranh tàn phá trong nhiều năm này. 

Mandalay Myanmar
Mọi người kiểm tra đống đổ nát của một tòa nhà bị sập ở Mandalay vào ngày 28 tháng 3 năm 2025, sau một trận động đất. (Ảnh: STR/AFP qua Getty Images)

Theo hãng tin BBC Myanmar dẫn nguồn từ báo cáo của chính phủ quân sự cầm quyền, số người chết ở Myanmar đã tăng lên 1.644 người vào thứ Bảy (29/3).

Mô hình dự đoán của Cơ quan Địa chất Hoa Kỳ ước tính số người chết ở Myanmar có thể vượt quá 10.000 và thiệt hại vật chất có thể vượt quá sản lượng kinh tế hàng năm của quốc gia Đông Nam Á này.

Những người sống sót ở Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, đã đào bới bằng tay không vào thứ Sáu (28/3) trong nỗ lực tuyệt vọng để cứu những người vẫn còn mắc kẹt, thiếu máy móc hạng nặng và nhân lực từ chính quyền.

Tại Bangkok vào thứ Bảy (29/3), các hoạt động cứu hộ vẫn tiếp tục tại địa điểm tòa tháp 33 tầng bị sập, nơi có 47 người mất tích hoặc mắc kẹt dưới đống đổ nát, bao gồm cả công nhân từ Myanmar.

Một ngày sau khi đưa ra lời kêu gọi viện trợ quốc tế hiếm hoi, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thượng tướng Min Aung Hlaing, đã đến Mandalay, nơi bị ảnh hưởng nặng nề gần tâm chấn của trận động đất, khiến các tòa nhà sụp đổ và gây ra hỏa hoạn ở một số khu vực.

Chủ tịch Hội đồng Quản lý Nhà nước [Min Aung Hlaing] đã chỉ thị cho chính quyền đẩy nhanh các nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ và giải quyết mọi nhu cầu cấp thiết“, chính quyền quân sự cho biết trong một tuyên bố trên phương tiện truyền thông nhà nước.

Theo đánh giá ban đầu của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc đối lập của Myanmar (NUG), ít nhất 2.900 tòa nhà, 30 con đường và bảy cây cầu đã bị hư hại do trận động đất hôm thứ Sáu (28/3).

Do thiệt hại đáng kể, các sân bay quốc tế Naypyitaw và Mandalay tạm thời đóng cửa“, NUG cho biết.

Một người nguồn tin của Reuters cho biết tháp kiểm soát tại sân bay ở Naypyitaw, thủ đô của Myanmar, đã bị sập, khiến sân bay không thể hoạt động.

Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên Hợp Quốc cho biết các bệnh viện ở miền trung và tây bắc Myanmar đang phải vật lộn để đối phó với dòng người bị thương đổ về, đồng thời cảnh báo rằng đường sá hư hỏng đang cản trở việc tiếp cận.

Cơ quan này cho biết thêm, 17 xe tải chở hàng cứu trợ và vật tư y tế dự kiến sẽ đến vào Chủ Nhật (30/3) để giải quyết tình trạng thiếu thuốc men, bao gồm túi máu và thuốc gây mê.

Một đội cứu hộ Trung Quốc đã đến sân bay ở thủ đô thương mại Yangon của Myanmar, cách Mandalay và Naypyitaw hàng trăm km, và sẽ đi xe buýt lên vùng cao, theo truyền thông nhà nước Myanmar.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar loan tin vào thứ Bảy (29/3) rằng Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói chuyện qua điện thoại với người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar. Cơ quan này nói thêm rằng Bắc Kinh sẽ cung cấp 13,77 triệu USD viện trợ, bao gồm lều, chăn và bộ dụng cụ y tế khẩn cấp.

Hoa Kỳ, quốc gia có mối quan hệ căng thẳng với quân đội Myanmar và đã trừng phạt các quan chức của nước này, bao gồm cả Tướng Min Aung Hlaing, cho biết họ sẽ cung cấp một số hỗ trợ.

Theo truyền thông nhà nước Myanmar, hàng cứu trợ từ Ấn Độ trên một máy bay quân sự cũng đã hạ cánh xuống Yangon, và chính phủ Ấn Độ cho biết họ cũng đang điều động các tàu chở 40 tấn viện trợ nhân đạo. Nga, Malaysia và Singapore cũng đang gửi hàng loạt máy bay chở hàng cứu trợ và nhân sự đến Myanmar.

Hải Đăng, theo Reuters