Đông Phương: Quan hệ Trung – Nga chỉ là “đồng sàng dị mộng”
- Đông Phương
- •
Xem bề ngoài thì thấy Bắc Kinh và Moscow rất thân thiết, họ muốn cùng nhau đối phó với thế giới phương Tây do Mỹ đứng đầu. Giới truyền thông hai nước thường nhấn mạnh họ là đối tác chiến lược của nhau, phụ thuộc lẫn nhau và hỗ trợ lẫn nhau. Thực ra đây là tuyên bố ngoại giao, từ hiện tượng có thể thấy bản chất quan hệ Trung – Nga là “đồng sàng dị mộng”, mỗi bên đều có toan tính riêng không chung đường.
(Bài viết được chuyển thể từ Kênh YouTube Đông Phương.)
Ngày 25/8, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với lãnh đạo Nga Putin. Truyền thông phía Nga mô tả đây là cuộc đối thoại trên nền tảng của niềm tin và tình hữu nghị mà hai bên đã xây dựng bền chặt, còn truyền thông phía Bắc Kinh ngoài bài ca ngợi tương tự còn tuyên bố rằng Nga kiên quyết ủng hộ các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc ở Đài Loan, Hồng Kông, Tân Cương và Biển Đông. Tuy nhiên quan điểm này không thể hiện trong các văn kiện chính thức của Nga. Hai tuần sau, Bộ Ngoại giao Nga đặc biệt chỉ ra rằng lập trường của Nga về tranh chấp chủ quyền Biển Đông sẽ không thay đổi và Moscow sẽ không chọn đứng về bên nào. Từ điểm này có thể thấy mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga không dựa trên lợi ích quốc gia chung, mà bị chi phối bởi cuộc đấu tranh chính trị nội bộ của hai nước, và thậm chí còn bị chi phối bởi mục tiêu cá nhân của ông Tập Cận Bình và Putin.
Đi cùng tranh chấp lãnh thổ biên giới tạm nguội, từ năm 2005 quan hệ Trung-Nga bắt đầu ấm dần, nhưng chỉ đến năm 2014 mới có thể xem là thực sự gần gũi. Năm đó, do vấn đề sáp nhập Crimea nên quan hệ giữa Nga với phương Tây đặc biệt căng thẳng. Vào tháng 5/2014, ông Putin đến Thượng Hải ký hiệp định năng lượng và hứa xuất khẩu một lượng lớn khí đốt tự nhiên sang Trung Quốc, quan trọng hơn là hai nước đã đạt được đồng thuận để cùng nhau đối phó với bá quyền của Mỹ…
Nhưng nói thường dễ hơn làm, dù có chung lợi ích trong đối phó với Mỹ, nhưng khác biệt về lợi ích giữa hai bên vẫn chủ yếu hơn. Chẳng hạn như gườm nhau trong vấn đề chủ quyền tại Bắc Cực, Moscow tuyên bố có chủ quyền đối với Bắc Cực và không ngần ngại dùng vũ lực để tuyên bố chủ quyền, còn Bắc Kinh nhấn mạnh Bắc Cực là lãnh thổ chung của toàn thế giới và phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp lãnh thổ; hay như khác biệt về vấn đề Trung Đông, Moscow hứng thú tăng giá dầu thô, Nga cũng là nước sản xuất dầu nên đã bắt tay với các nước xuất khẩu dầu để giảm sản lượng và tăng giá dầu, trong khi Bắc Kinh mong đảm bảo cung cấp dầu thô với giá rẻ hơn; Syria là trọng tâm trong chính sách Trung Đông của Nga và nỗ lực bảo vệ chế độ Assad, còn Trung Quốc không hứng thú đầu tư vào Syria; Trung Quốc quan tâm nhất đến mở mang ở Viễn Đông và khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhưng Nga không hứng thú vì tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Kuril và quan hệ căng thẳng của họ với Nhật Bản và xu thế rời xa Ấn Độ, xuất khẩu vũ khí sang Việt Nam đã giảm đáng kể vì phản đối của Bắc Kinh. Sau khi thành lập liên minh 3 bên Úc-Anh-Mỹ, Moscow thấy đây là thay đổi lớn trong chiến lược của khu vực này, phải nhìn lại quan hệ với Trung Quốc. Nga không sợ sau 10 – 15 năm nữa Úc sẽ có tàu ngầm năng lượng hạt nhân, điều họ ngại hơn là hải quân Trung Quốc hùng mạnh hơn sẽ đe dọa căn cứ tàu ngầm trên bán đảo Kamchatka ở Viễn Đông nước Nga. Nga lo ngại hơn về biên giới phía tây của họ và lo lắng hơn về các cuộc xung đột với châu Âu, cuộc tập trận chung giữa Nga và 6 nước láng giềng gần Afghanistan cho thấy rõ vấn đề biểu dương vũ lực với châu Âu. Nhưng Trung Quốc không thế, giống như việc Nga không tỏ thái độ về vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cũng không có lập trường về vấn đề Crimea và không cho thấy ủng hộ Nga. Cách đây không lâu, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg rằng NATO không nên thay đổi ý định ban đầu của họ, hàm ý là trước đây NATO đã từng đối phó với Liên Xô cũ và bây giờ họ nên tiếp tục đối phó với Nga, nếu NATO có xung đột với Nga thì Trung Quốc sẽ không can thiệp.
Tất nhiên, Chính phủ Trung Quốc và Nga sẽ không đề cập hoặc thậm chí phủ nhận sự khác biệt về lợi ích nói trên, nhưng thực tế hợp tác của hai nước tiến triển chậm chạp và thậm chí chỉ tuyên bố cho qua chuyện, điều này đã cho thấy rõ vấn đề. Sự hợp tác chặt chẽ hiện nay giữa hai nước chỉ giới hạn ở việc Nga xuất khẩu năng lượng sang Trung Quốc còn Trung Quốc xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Nga, ngoài ra hầu như không có gì để hợp tác. Ngay cả trong ứng phó đại dịch COVID-19 mỗi bên đều riêng rẽ.
Mặc dù Moscow không cáo buộc ĐCSTQ là kẻ chủ mưu gây ra dịch bệnh, nhưng Điện Kremlin thực sự rất bực mình. Nga là nước đầu tiên công bố phát triển vắc-xin, nhưng do cộng đồng quốc tế không tin tưởng nên tỷ lệ tiêm chủng ở Nga cũng chậm chạp, vắc-xin của Nga không được ưa chuộng, trong khi vắc-xin của Trung Quốc được xuất khẩu đến châu Mỹ, châu Phi và Đông Nam Á với số lượng lớn. Dù cũng không được tin cậy, cho nên một nước lớn ở châu Á là Ấn Độ không chấp nhận vắc-xin Trung Quốc, thay vào đó hợp tác với Úc, Nhật Bản và Mỹ chống lại chính sách ngoại giao vắc-xin của ĐCSTQ.
Vốn dĩ Trung Quốc và Nga vẫn còn dư địa để hợp tác trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, trước đây công nghệ vũ trụ của Nga có thể sánh ngang với Mỹ, nhưng hiện nay các công ty tư nhân ở Mỹ đang đi đầu trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ, như SpaceX của Musk và Blue Origin của Jeff Bezos… Nhưng ngày nay Trung Quốc đã phóng trạm vũ trụ Tiangong và tạo ra hệ thống định vị vệ tinh Beidou (Bắc Đẩu), khiến Nga không sử dụng được, vì không dùng công nghệ của Nga, thậm chí không cần tư vấn từ chuyên gia Nga.
Theo lý, để cùng đối phó với Mỹ thì Trung Quốc và Nga phải hợp tác quân sự vì lợi ích của cả hai bên? Nhưng không. Tháng 10/2019, ông Putin tuyên bố tại Câu lạc bộ thảo luận Valdai – một diễn đàn thảo luận tại Moscow – rằng sẽ giúp ĐCSTQ xây dựng hệ thống cảnh báo sớm, nhưng “sấm lớn mà mưa nhỏ” nên không có hành động thực chất gì đáng kể. Còn hành động của ĐCSTQ không hề chậm chạp, họ đã triển khai mạnh mẽ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và thử nghiệm tên lửa siêu thanh, điều này đã gây sốc cho Moscow vì không một công nghệ nào trong số này có yếu tố của Nga.
Có một lý do khác khiến Trung Quốc và Nga dường như xích lại gần nhau, đó là họ không tin vào sự ổn định của chế độ cai trị của nhau. Sự tan rã của Đảng Cộng sản Liên Xô vẫn còn nguyên trong ký ức, ĐCSTQ lo lắng một ngày nào đó chế độ của ông Putin sẽ sụp đổ, tương tự ông Putin cũng lo lắng về việc ĐCSTQ mất quyền lực; đồng thời ông Putin cũng không muốn bị cộng đồng quốc tế xem Nga như là “cậu em” của Trung Quốc, đang từ quá khứ là vị thế “đại ca” thì nay trở thành “tiểu đệ”. Ngoài ra còn có một sự khác biệt cơ bản: Dù ông Putin là nhà độc tài nhưng ông ta không tin vào chủ nghĩa cộng sản, ông gọi việc Liên Xô cướp chính quyền vào năm 1917 là một sự kiện thảm họa. Mặc dù ông Putin không xa lạ với chuyện tranh giành quyền lực, nhưng ông ta vẫn cảnh giác với việc ông Tập Cận Bình thúc đẩy “thịnh vượng chung” theo cách của thời đại Mao Trạch Đông. Việc ĐCSTQ chuyển hướng cực tả làm ông Putin bối rối!
Do đó còn lâu Trung Quốc và Nga mới trở thành đối tác chiến lược, họ chỉ biểu diễn mà thôi.
Đông Phương, Vision Times
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của cá nhân tác giả.)
Xem thêm: Ông Putin cảnh báo tư tưởng cánh tả đang gặm nhấm phương Tây
Ông Putin cảnh báo tư tưởng cánh tả đang gặm nhấm phương Tây
Từ khóa Tập Cận Bình quan hệ Nga - Trung Vladimir Putin Đông Phương