Đức: 22 chính trị gia ủng hộ Pháp Luân Công và lên án cuộc đàn áp
- Minghui
- •
Ngày 20 tháng 7 năm 2024 là ngày ghi dấu 25 năm nỗ lực của người tập Pháp Luân Công nhằm chấm dứt cuộc đàn áp môn tập này của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). 22 chính trị gia Đức, bao gồm các Nghị sỹ của Nghị viện Châu Âu, quốc hội liên bang, quốc hội tiểu bang, cùng các ủy viên hội đồng thành phố đã gửi thư, trả lời các cuộc phỏng vấn hoặc phát biểu tại cuộc mít-tinh của người tập Pháp Luân Công để bày tỏ sự ủng hộ trước nỗ lực phơi bày cuộc bức hại ở Trung Quốc.
- Hàng trên, từ trái sang phải: Ông Frank Schwabe, Nghị sỹ Quốc hội (MP) của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD); Tiến sỹ Stefan Berger, Nghị viên Châu Âu (MEP); Nghị sỹ Quốc hội Astrid Damerow; Nghị sỹ Quốc hội Anne König; Nghị sỹ Quốc hội Elisabeth Winkelmeier-Becker; và Nghị sỹ Quốc hội Jürgen Braun.
- Hàng thứ hai, từ trái sang phải: Nghị sỹ Quốc hội Günter Krings; Nghị sỹ Quốc hội Nadine Ruf; Nghị sỹ Quốc hội Sabine Weiss; Nghị sỹ Quốc hội Michael Meister; Nghị sỹ Quốc hội Jonas Geissler; Ông René Domke, Chủ tịch Quốc hội bang Mecklenburg-Vorpommern của Đảng Dân chủ Tự do Đức (FDP)
- Hàng thứ ba, từ trái sang phải: Ông Stefan Engstfeld (Đảng Xanh), Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia; Ông Oliver Stirböck, Nghị viên bang Hesse; Tiến sỹ Marcus Optendrenk, Nghị viên bang North Rhine-Westphalia; Bà Vanessa Odermatt (CDU), Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia; Ông Frank Börner, Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia
- Hàng thứ tư, từ trái sang phải: Ông Dirk Bamberger, Nghị sỹ bang Hesse; Ông Ronald Gläser, Nghị sỹ bang Berlin; Tiến sỹ Bastian Bergerhoff, Ủy viên Hội đồng Thành phố Frankfurt; Nghị sỹ Quốc hội Luise Amtsberg; Ông Karl-Josef Laumann, Nghị sỹ bang North Rhine-Westphalia
Ủy viên Tự do Tôn giáo Toàn cầu: Pháp Luân Công cần được bảo vệ
Nghị sỹ Frank Schwabe đã viết cho người tập Pháp Luân Công:
“Khi lễ kỷ niệm 25 năm phản bức hại của người tập Pháp Luân Công đang đến gần, chúng ta một lần nữa phải cố gắng hết mình để thu hút sự chú ý đến số phận nghiệt ngã của những người này ở Trung Quốc.”
“Một xã hội bài trừ việc tiếp nhận các tôn giáo, thế giới quan và tín ngưỡng tâm linh khác khỏi cuộc sống có thể làm gia tăng bạo lực và suy yếu sự gắn kết xã hội.”
“Tu luyện Pháp Luân Công nhất định không thể là một lý do để tiến hành bức hại. Con đường tu hành đã có lịch sử hàng nghìn năm và Pháp Luân Công cần được bảo vệ như các tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh hay thế giới quan khác. Chúng ta không bao giờ được để những thành tố quan trọng này của văn hóa truyền thống Trung Hoa biến mất.”
“Việc người tập Pháp Luân Công đã bị bức hại suốt nhiều năm và hiện vẫn đang bị bức hại là điều không cần luận bàn. Vào tháng 1 năm 2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua một nghị quyết về việc cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn tiếp diễn, trong đó đặc biệt chỉ ra rằng có bằng chứng cho thấy từ năm 1999 đến nay, hàng nghìn người tập Pháp Luân Công đã bị chính quyền Trung Quốc bức hại đến chết. Người tập Pháp Luân Công thường xuyên bị giam giữ, tra tấn và ngược đãi tinh thần.”
“Có nhiều báo cáo về vi phạm nhân quyền, sách nhiễu, giam giữ phi pháp và cái gọi là cải tạo. Cho đến nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa thể và không thể bác bỏ những thông tin này. Ngoài ra, nhiều cáo buộc về nạn thu hoạch nội tạng bất hợp pháp từ người tập Pháp Luân Công bị giam giữ đến mức khó tin. Tất cả những điều này khiến tôi vô cùng lo lắng.”
“Tháng 6 năm nay, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự thảo Đạo luật bảo vệ Pháp Luân Công. Trong đó có một điều khoản quan trọng yêu cầu Hoa Kỳ hợp tác với các đồng minh tập trung vào cuộc bức hại Pháp Luân Công của Trung Quốc và chuẩn bị một báo cáo chi tiết về hoạt động buôn bán nội tạng có thể xảy ra.”
“Tôi hy vọng những biện pháp này sẽ giúp làm sáng tỏ vấn đề. Công việc ủy viên của tôi tập trung vào cuộc bức hại xuyên quốc gia, tức là việc các cơ quan tình báo nước ngoài theo dõi, đe dọa và tấn công những người sinh sống tại Đức.”
“Tôi muốn lưu ý đến một thực tế là khi quyền tự do của một người bị đe dọa thì tất cả các quyền tự do khác cũng chịu sức ép. Tự do ngôn luận, tự do hội họp, tự do nghề nghiệp, tự do đi lại, tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do ý thức hệ – chúng không tồn tại độc lập mà luôn có mối liên hệ và gắn kết với nhau.”
“Một lần nữa, tôi kêu gọi chính phủ Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo vệ nhân quyền cũng như quyền tự do thực hành tôn giáo và tín ngưỡng. Tôi xin chúc sự kiện [20 tháng 7] thành công tốt đẹp. Xin hãy yên tâm rằng tôi sẽ tiếp tục phụng sự các bạn và sẽ hợp tác với các bạn để thúc đẩy quyền tự do thực hành tôn giáo, tín ngưỡng tâm linh và thế giới quan.”
Nghị viên Châu Âu: EU lên án hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng của ĐCSTQ
Tiến sỹ Stefan Berger, Nghị viên Châu Âu, đã viết thư cho người tập Pháp Luân Công. Ông viết rằng ở Trung Quốc, không thể nói về ngày 20 tháng 7 năm 1999.
“Vì vậy, việc nhắc nhở các nước Châu Âu và ngoài Châu Âu về những vi phạm nhân quyền đối với Pháp Luân Công bắt đầu từ ngày này là rất trọng yếu.”
“EU quyết tâm thúc đẩy dân chủ và nhân quyền trong quan hệ quốc tế dựa trên các trụ cột cơ bản là tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền. Với tư cách là Nghị viên Châu Âu, chúng ta phải nỗ lực công khai lên án hành vi lạm dụng cấy ghép nội tạng của Trung Quốc và sử dụng hệ thống trừng phạt nhân quyền toàn cầu của EU để trừng phạt tất cả cá nhân và tổ chức tham gia vào cuộc bức hại người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc và nước ngoài.”
“Lịch sử nhân quyền cũng là một lịch sử không ngừng đấu tranh. ‘Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái’ – đây là Điều 1 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Với tinh thần này, chúng ta ở EU phải có hành động quyết đoán trên trường quốc tế chống lại các quốc gia như Trung Quốc và có hành động kiên quyết trước các hành vi vi phạm nhân quyền như đàn áp Pháp Luân Công.
Mời xem video:
Nghị sỹ Quốc hội: Nhắc nhở mọi người lưu ý đến Pháp Luân Công
Nghị sỹ Astrid Damerow đã viết cho người tập Pháp Luân Công:
“Chúng tôi vô cùng đau buồn nhân dịp 25 năm cuộc bức hại Pháp Luân Công. Đây là ngày để tưởng nhớ hàng nghìn người đã thiệt mạng ở Trung Quốc trong 25 năm qua vì tu luyện Pháp Luân Công.”
“Mặc dù nhiều quốc gia phương Tây và Liên minh Châu Âu đã lên án chính phủ Trung Quốc, nhưng tình hình của người tập Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn không được cải thiện. Người tập Pháp Luân Công không chỉ bị cầm tù, ngược đãi và tra tấn, mà còn trở thành nạn nhân của nạn thu hoạch nội tạng.”
“Đối với những người sống tại các quốc gia tôn trọng nhân quyền mà nói, điều này là không thể tưởng tượng được. Việc liên tục nhắc nhở mọi người lưu ý đến số phận của những người này và yêu cầu (ĐCSTQ) chấm dứt bức hại họ là rất trọng yếu.”
Nghị sỹ Quốc hội: Chân-Thiện-Nhẫn là giá trị phổ quát
Nghị sỹ Nadine Ruf đã viết:
“Nhân ngày 20 tháng 7 năm 2024, ngày kỷ niệm người tập Pháp Luân Công phản kháng cuộc bức hại, tôi muốn nhắc nhở mọi người hãy chú ý đến cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
“Chân-Thiện-Nhẫn, các giá trị cơ bản của Pháp Luân Công, là những giá trị phổ quát của nhân loại và cần được những người có niềm tin vững chắc vào nhân phẩm và tự do ủng hộ. Tôi muốn bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc nhất đến người tập Pháp Luân Công vì lòng dũng cảm của họ để bảo vệ các giá trị của mình bất chấp nguy cơ bị cầm tù trong nhiều năm, tra tấn, bức hại và dọa giết.”
“Tháng 7 năm 1999, lãnh đạo ĐCSTQ đã cấm Pháp Luân Công. Từ đó đến nay, ĐCSTQ đã cố gắng dùng cuộc bức hại có hệ thống để tiêu diệt Pháp Luân Công, khiến cho tình hình tự do tôn giáo trên khắp Trung Quốc tiếp tục xấu đi. Ở Trung Quốc, người tập Pháp Luân Công bị cầm tù vì tín ngưỡng của họ. Trong thời gian bị giam giữ [phi pháp], họ bị tra tấn và ngược đãi tinh thần, nội tạng của họ bị mổ lấy hòng ép họ từ bỏ tu luyện.”
“Mặc dù cuộc bức hại vẫn đang tiếp diễn, nhưng số người tập Pháp Luân Công ngày càng tăng.”
“Trong một nghị quyết ngày 18 tháng 1 năm 2024, Nghị viện Châu Âu cũng kêu gọi Trung Quốc chấm dứt bức hại người tập Pháp Luân Công và các nhóm bị đàn áp khác như người Duy Ngô Nhĩ và người thiểu số Tây Tạng; đồng thời trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện cho người tập Pháp Luân Công; và chấm dứt việc theo dõi, kiểm soát và đàn áp tự do tôn giáo trong và ngoài nước.
“Ngoài ra, EU và các quốc gia thành viên cần phải công khai lên án các hoạt động cấy ghép nội tạng phi pháp tràn lan của Trung Quốc. EU cũng nên sử dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc như từ chối cấp thị thực, phong tỏa tài sản, trục xuất khỏi lãnh thổ EU và truy tố hình sự dựa trên quyền tài phán ngoài lãnh thổ và luật pháp quốc tế.”
Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo: Đức nên noi gương Nghị quyết của Hoa Kỳ
Ông Jürgen Braun, Nghị sỹ và là Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền và Viện trợ Nhân đạo, đã gửi thư bày tỏ sự ủng hộ đối với Pháp Luân Công.
“Cách đây 25 năm, vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân đã ban hành mệnh lệnh ‘bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính, hủy hoại thân thể [của người tập Pháp Luân Công].’ Theo đó, một nhóm quan chức ĐCSTQ có quyền hành tuyệt đối bắt đầu bức hại những công dân vô tội. Khoảng 100 triệu người tập Pháp Luân Công, những người chỉ muốn có được sức khỏe thể chất và tinh thần thông qua tu luyện, đã bị sách nhiễu, cầm tù, tra tấn và giết hại. Nhiều trường hợp còn bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng.”
“Chúng ta tưởng nhớ họ. Cầu mong người đã mất được yên nghỉ, cầu mong vết thương của người sống sớm được chữa lành. Tôi nói ‘chúng ta’, là có ý chỉ tất cả những người không đánh đồng người dân Trung Quốc với những kẻ cai trị của ĐCSTQ.”
“Chúng ta cũng có lý do để vui mừng khi mới đây Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua một nghị quyết kêu gọi chấm dứt cuộc bức hại Pháp Luân Công và áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm đối với những người dính líu đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng, trong đó có cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và tịch thu tài sản. Đức nên noi gương nghị quyết này.”
“Ngày 20 tháng 7 là một ngày đau buồn, nhưng nó có thể là ngày bắt đầu cho sự kết thúc của chế độ cộng sản.”
Theo Minghui.org
Xem thêm:
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công