Đức sẽ chuyển giao máy bay không người lái do AI điều khiển cho Ukraine
- Vy An
- •
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố rằng nước này sẽ chuyển giao 4.000 máy bay không người lái kamikaze do AI điều khiển cho Ukraine. Những chiếc máy bay không người lái này được cho là có khả năng chống nhiễu cũng như các biện pháp vô hiệu hóa khác.
Theo tờ Die Welt của Đức, ông Pistorius đã phát biểu tại một sự kiện ở Schrobenhausen, Bavaria rằng vũ khí này có thể “vô hiệu hóa hệ thống phòng thủ máy bay không người lái điện tử của đối phương”. Ông cho biết những chiếc máy bay không người lái này có thể bay xa 30 km hoặc 40 km “vào vùng hậu phương và sau đó tấn công các sở chỉ huy, trung tâm hậu cần và những vị trí khác”; ông cũng gọi chúng là “một tài sản tăng thêm quan trọng” cho lực lượng Ukraine.
Tờ Bild của Đức đưa tin trước đó vào thứ Hai (18/11) rằng công ty phần mềm Helsing đã ký hợp đồng chuyển giao máy bay không người lái HX-2 Karma với Bộ Quốc phòng Ukraine vào tháng Chín, dự án này do chính phủ liên bang Đức tài trợ.
Trước đó vào tháng Sáu, ông Pistorius đã tuyên bố hàng nghìn máy bay chiến đấu không người lái sẽ được chuyển giao cho Ukraine, tuy nhiên không cung cấp thông tin chi tiết vào thời điểm đó.
Máy bay không người lái HX-2 Karma được đặt biệt danh là ‘mini-Taurus’ – ám chỉ đến tên lửa hành trình Taurus phóng từ trên không do Đức sản xuất. Tờ Bild cho biết nó có tầm bắn xa hơn 4 bốn lần so với máy bay không người lái kamikaze thông thường mà quân đội Ukraine sử dụng. Theo hãng tin này, ‘mini-Taurus’ cũng có thể bay nhắm vào mục tiêu trong trường hợp kết nối vô tuyến bị gián đoạn, nghĩa là nó có tỷ lệ trúng đích cao hơn đáng kể so với máy bay không người lái điều khiển thủ công thông thường.
Báo cáo cho biết bắt đầu từ tháng Mười Hai, hàng trăm chiếc máy bay không người lái sẽ được chuyển giao mỗi tháng.
Ukraine đã nhiều lần yêu cầu Đức cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus phóng từ trên không. Tuy nhiên, Thủ tướng Olaf Scholz vẫn tiếp tục từ chối bất chấp sự phản đối của một số thành viên trong liên minh cầm quyền hiện đã sụp đổ của đất nước, cũng như một số nhân vật đối lập cấp cao.
Ông Scholz giải thích việc từ chối cung cấp tên lửa Taurus cho quân đội Ukraine là vì động thái này sẽ khiến Đức trở thành bên trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột.
Vào thứ Hai (18/11), khi được hỏi liệu thủ tướng có dỡ bỏ lệnh cấm sau các báo cáo rằng Hoa Kỳ sẽ cho phép Ukraine tiến hành những cuộc tấn công tầm xa vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa của mình hay không, ông Pistorius cho biết quyết định đó “không thay đổi đánh giá của chúng tôi vào lúc này”. Ông nói thêm rằng tên lửa tầm xa sẽ “không phải là yếu tố thay đổi cuộc chơi” đối với Ukraine trên chiến trường.
Từ khóa chiến tranh Ukraine Đức viện trợ Ukraine máy bay không người lái Dòng sự kiện