Pháp làm rõ lập trường về vấn đề tấn công tầm xa của Ukraine vào Nga
- Gia Huy
- •
Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot cho biết, Paris vẫn đang cân nhắc việc cho phép Ukraine tấn công lãnh thổ Nga bằng các tên lửa do Pháp cung cấp, sau khi báo chí đưa tin rằng Hoa Kỳ đã thay đổi chính sách về vấn đề này.
Nhiều hãng thông tấn phương Tây đưa tin hôm Chủ nhật (17/11) rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Joe Biden đã đảo ngược chính sách lâu nay về việc cấm Kiev sử dụng tên lửa ATACMS tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Tin tức cho biết Ukraine dự kiến sẽ triển khai vũ khí đạn dược do Hoa Kỳ cung cấp trong và xung quanh Vùng Kursk của Nga mà các lực lượng Kiev đã chiếm đóng kể từ đầu tháng Tám.
Sau khi báo chí đưa tin về quyết định của Hoa Kỳ, tờ Le Figaro của Pháp đặt tại Paris cho biết: “Pháp và Anh đã cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa SCALP/Storm của họ”. Tuy nhiên, bài báo này sau đó đã cập nhật thông tin bằng cách xóa bỏ bất kỳ thông tin nào đề cập đến việc Pháp và Anh cho phép Kiev tấn công sâu vào lãnh thổ Nga.
Hôm thứ Hai (18/11), khi được yêu cầu làm rõ lập trường của chính phủ Pháp về vấn đề này, Ngoại trưởng Barrot lưu ý rằng hồi tháng Năm, Tổng thống Emmanuel Macron đã công khai tuyên bố rằng Paris sẽ cân nhắc việc cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tấn công lãnh thổ Nga.
Hãng tin AFP trích dẫn lời ngoại trưởng Pháp cho biết: “Chúng tôi đã công khai nói rằng đây là một lựa chọn mà chúng tôi sẽ cân nhắc nếu điều đó cho phép tấn công một mục tiêu từ nơi Nga hiện đang xâm chiếm lãnh thổ Ukraine. Vì vậy, nói một cách khác, không có gì mới cả”.
Phát biểu với các nhà báo trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) ở thủ đô Brussels của Bỉ, nhà ngoại giao hàng đầu của Pháp nhấn mạnh: “Không có gì mới cả, không có thứ gì trên đời này mà chưa từng xảy ra”.
SCALP là tên lửa hành trình tầm xa được phóng từ trên không do Pháp và Anh hợp tác phát triển. Phiên bản Anh của tên lửa này được gọi là “Storm Shadow”. Paris và London đã cung cấp cho Kiev loại khí tài này với số lượng chưa được xác định kể từ cuộc chiến tranh Nga – Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022.
Hôm thứ Hai (18/11), phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng việc báo chí đưa tin Hoa Kỳ cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga cho thấy “một vòng xoáy leo thang căng thẳng mới về mặt định tính và một tình huống mới về mặt định tính liên quan đến sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc xung đột này”.
Trước đó Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cảnh báo rằng Moskva sẽ coi bất kỳ cuộc tấn công nào của Ukraine vào lãnh thổ của Nga được quốc tế công nhận bằng vũ khí do NATO cung cấp tương đương với việc NATO tham gia trực tiếp vào cuộc chiến tranh này, bởi vì Kiev không đủ chuyên môn để tự mình khai hỏa các hệ thống vũ khí tinh vi như vậy. Nhà lãnh đạo Nga đe dọa rằng trong những trường hợp như vậy, Moskva có thể lựa chọn phản ứng bất cân xứng bằng cách trang bị vũ khí tiên tiến cho các nhóm hoặc các quốc gia thù địch với phương Tây.
Từ khóa Dòng sự kiện Chiến tranh Nga - Ukraine Jean-Noel Barrot