Forbes phỏng vấn Tổng thống Trump: Giải mã người đàn ông quyền lực nhất thế giới (P2)
- Tuệ Minh
- •
Bài phỏng vấn do phóng viên tạp chí Forbes thực hiện vào ngày 11/10/2017 và công bố trên mạng vào ngày 14/10.
>> Forbes phỏng vấn Tổng thống Trump: Giải mã người đàn ông quyền lực nhất thế giới (P1)
…
Tất nhiên, những người không hợp mắt tổng thống sẽ cảm nhận được cơn bực của ông trên Twitter. Danh sách này gồm có Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan (“không làm được trò trống gì”), Chủ tịch Thượng viện McConnell (“làm việc của ông đi”), Thượng nghị sĩ DÂn chủ Chuck Schumer (“Chuck khóc nhè”), Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lindsay Graham (“phát ngôn ngu ngốc”), Thượng nghị sĩ Dân chủ Elizabeth Warren (“Rất phân biệt chủng tộc”), Thượng nghị sĩ Cộng hòa John McCain (“ngu ngốc”) và khoảng 1.000 người khác trong năm vừa qua đã có thái độ chống đối vị tổng thống này.
Phần lớn những cuộc công kích này mang tính cá nhân, nhưng trên thực tế, ông chỉ đang thực hiện một chiến thuật kinh doanh mà ông đã áp dụng từ lâu mà thôi. Một lần nữa, hãy xem trong Nghệ thuật Đàm phán: “Tôi là người đầu tiên thừa nhận rằng tôi rất hiếu thắng và tôi sẽ làm bất cứ điều gì trong phạm vi luật pháp để giành chiến thắng. Đôi khi, một phần trong việc giành chiến thắng là sỉ nhục đối thủ cạnh tranh.”
Hoặc là sỉ nhục chính đội của mình. Trong bất kỳ tình huống nào, ông Trump phải là người cầm đầu. Ủy quyền cho người khác không phải là khẩu vị của ông. Hãy chứng kiến những gì xảy ra khi Ngoại trưởng Tillerson mở lại cuộc đối thoại với Bắc Triều Tiên. “Ông ấy đã lãng phí thời gian của mình,” ông Trump nói. Nhưng liệu việc công khai công kích người đứng đầu Bộ Ngoại giao có lợi cho ông? Ông Trump nói: “Tôi không phải công kích, mà là tôi đang củng cố thẩm quyền.” Thật khó có thể hình dung ông Trump đang củng cố quyền lực của ai, ngoại trừ bản thân ông.
Trong quỹ đạo của Donald Trump, rõ ràng, không có ai là ngoại lệ. Một thập kỷ trước, con trai Donald Trump đã nói với Forbes câu chuyện này về người cha hiện giờ là Tổng thống của mình. “Tôi làm việc với bố khi tôi 5 hay 6 tuổi ….”
“Bên cạnh việc nói đi nói lại với tôi không được uống rượu, không được hút thuốc và không chạy theo phụ nữ, bố luôn nói với tôi rằng ‘Đừng bao giờ tin tưởng bất cứ ai.’ Sau đó ông hỏi lại liệu tôi có tin ai không. Tôi nói ‘Không’. Ông hỏi tiếp ‘Thế con có tin ta không?’. Tôi nói ‘Có’”.
“Và ông nói: “Không được, đừng có tin ta.”
**
Qua chương trình Người Học việc, hầu hết mọi người đều nghĩ rằng Donald Trump điều hành một công ty lớn. Thực ra không phải vậy. Tổ Chức Trump sở hữu 22 bất động sản với đội ngũ quản lý riêng. Ông Trump cấp phép thương hiệu của mình cho hơn một tá các nơi khác và thu tiền bản quyền. Nhưng nhìn chung, đó là một công ty có giá trị và gây ấn tượng bởi hiệu quả của nó hơn là vẻ bề ngoài. Ông Trump đã tận dụng được lối tư duy đó, cũng như kỹ năng đáng ngưỡng mộ của mình như là một nhà tiếp thị và người dẫn chương trình, để chạy một trong những chiến dịch chính trị hiệu quả nhất trong lịch sử. “Không ai nói về nó, nhưng tôi chỉ phải bỏ ra rất ít tiền và tôi đã chiến thắng,” ông nói. Ông ấy hoàn toàn đúng.
Nhưng việc điều hành Trump Organization dường như mang lại rất ít kinh nghiệm cần có để điều hành một “tổ chức” lớn nhất Mỹ: Chính phủ Hoa Kỳ. Tại Tổ Chức Trump, về cơ bản ông sở hữu tất cả mọi thứ. Không có hội đồng quản trị, không có cổ đông bên ngoài và không có cơ sở khách hàng thực sự mà chỉ có những người mua bất động sản hạng sang và các thành viên câu lạc bộ golf. Nó gần như là điều hành một công ty gia đình hơn là điều hành công ty dạng như Wal-Mart. Khi nói đến các ví dụ về ông trùm kinh tế chuyển hướng sang chạy đua tổng thống, người ta so sánh ông với hai nhà lãnh đạo cũng đến từ khu vực tư nhân mà đã tiến gần tới Phong Bầu Dục nhất: Wendell Willkie, người điều hành một công ty dịch vụ công cộng khổng lồ trước khi thua Franklin Roosevelte vào năm 1940 và Ross Perot, người có hai công ty lớn, đáng chú ý là Electronic Data Systems, một công ty toàn cầu gần như có một ban bệ đối ngoại riêng của mình, trong đó nổi tiếng nhất là vụ giải cứu con tin tại Iran.
Ông Trump cũng có kinh nghiệm làm việc với các công ty công, nhưng thậm chí khi đó chỉ có một cổ đông quan trọng. Khi ông Trump kiểm soát 40% cổ phần của công ty đại chúng Trump Hotels & Casino, ông đã sử dụng nó để mua một sòng bạc mà ông sở hữu tư nhân với giá 500 triệu USD, mặc dù một nhà phân tích cho rằng giá trị của nó ít hơn con số đó 20%. Tại một thời điểm khác, ông cũng sở hữu hơn 10% của Resorts International. Ông thực hiện một thỏa thuận với công ty này, và đã mang lại cho ông hàng triệu đô la phí tổn của các chủ sở hữu khác này. Cả hai phi vụ rốt cuộc không mang lại kết cục tốt đẹp: Trump Hotels nộp đơn xin phá sản (lần đầu tiên) vào năm 2004; Các khu nghỉ mát đã bị phá sản vài năm trước đó sau khi ông Trump rút tiền.
Kế thừa các bí quyết điều hành chính phủ Mỹ cũng giống như sự kế thừa của General Electric hay Microsoft. Sự liên tục thường được giả định – trước hết là tôn trọng các cam kết và điều hành công ty /quốc gia tốt nhất có thể, đồng thời đi theo các ưu tiên và chính sách mới.
Tuy nhiên, tư duy mang tính giao dịch của ông Trump không nhìn nhận theo cách đó (cũng như nhiều người ủng hộ chủ chốt của ông, những người mong muốn một sự thay đổi căn bản). Nếu các chính sách trước đây là những giao dịch tồi tệ, ông Trump sẽ không thấy lý do để tiếp tục duy trì chúng ngay cả khi phải đánh đổi với cái giá là danh tiếng của Hoa Kỳ hay nhận định của bên ngoài về chính sách ổn định của Hoa Kỳ.
Lấy Obamacare làm ví dụ. “Đó là một mớ hỗn độn,” ông Trump nói. Nhưng công bằng mà nói, không phải ông Trump, với tư cách là Tổng Giám đốc của Hoa Kỳ, có nghĩa vụ phải vận hành nó trong khả năng có thể cho đến khi ông có một giải pháp thay thế, chứ không phải là đe dọa để giữ lại các khoản thanh toán cho các công ty bảo hiểm, rút ngắn thời gian đăng ký và cắt giảm ngân sách quảng cáo?
“Những gì chúng tôi đang làm là cố gắng giữ cho nó sống sót, bởi vì nó đang chết chìm,” ông nói. “Ý tôi là các công ty bảo hiểm đang chạy trốn. Họ trốn chạy trước khi tôi đến đây. Nhưng với những gì đã xảy ra thì Obamacare là lỗi của ông Obama, không phải lỗi của bất kỳ ai khác.”
Nhưng chẳng phải bây giờ là trách nhiệm của chính quyền của ông? “Đúng. Nhưng tôi luôn nói Obamacare là lỗi của ông Obama, không bao giờ là lỗi của chúng tôi.”
Phương sách này cũng được áp dụng trong chính sách đối ngoại hết lần này đến lần khác, cho dù đó là thỏa thuận với Iran, hiệp định khí hậu Paris hay đặc biệt là các hiệp định thương mại tự do. Ông không cảm thấy có trách nhiệm phải tôn trọng các thoả thuận của chính quyền trước không?
Tổng thống Trump đã trả lời nhanh: “Không“.
Đây là một tiền lệ nguy hiểm: một nước Mỹ, nơi mà mỗi chính quyền thay vì xây dựng và củng cố thêm các thỏa thuận của những người tiền nhiệm thì lại tìm cách xóa bỏ nó, đều sẽ làm suy yếu quyền hạn của bất kỳ người đứng đầu nhà nước Hoa Kỳ nào. Một lần nữa, ông Trump chỉ nhún vai.
“Tôi chợt nghĩ rằng thỏa thuận NAFTA sẽ phải chấm dứt nếu chúng ta muốn làm tốt. Nếu không, tôi tin rằng sẽ không thể đàm phán được một thỏa thuận có lợi… TPP là một phiên bản quy mô lớn của NAFTA. Nếu nó xảy ra thì nó sẽ là một thảm hoạ. Tôi cảm thấy vinh dự, và cho rằng đó là một thành tựu, khi chấm dứt nó [TPP]. Có rất nhiều người đồng ý với tôi. Tôi thích các thỏa thuận song phương.”
Tất nhiên là ông ấy thích. Cả cuộc đời mình ông Trump chỉ thực hiện các giao dịch song phương. Tuy nhiên, các thoả thuận song phương chỉ là những màn đàm phán một đối một trong đó tiềm ẩn việc sẽ tạo ra một người chiến thắng và một kẻ thua cuộc. Không phải chúng ta nói rằng chúng ta đang sống trong một thế giới đa phương sao?
“Chúng ta có thể đạt được những gì mình muốn theo cách này và tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Nếu thỏa thuận song phương với một nước không có hiệu quả, cho họ 30 ngày, và ta có thể chọn tái đàm phán hoặc không.”.
Tất nhiên, thế giới song phương của ông Trump giải thích tại sao viện trợ ra nước ngoài bị cắt giảm. Nhưng nó đi kèm với một nhược điểm rất lớn. Thắng được các giao dịch sẽ ghi điểm, nhưng các giao dịch không tạo ra những khoản đầu tư dài hạn. Khó có thể nghĩ ra một dự án nào đó giống như Kế hoạch Marshall, đã mang lại hơn sáu thập kỷ hòa bình và thịnh vượng, sẽ xuất phát từ Nhà Trắng của ông Trump. Nói về điều này, ông lại nhún vai.
“Đối với tôi, nước Mỹ là ưu tiên hàng đầu. Chúng ta đã làm những điều nói trên từ lâu và hiện giờ chúng ta đang nợ 20 tỷ đô, okay?”
Ông Trump dự định sẽ điều hành đất nước giống như Trump Organization theo một cách khác. Nhiều người đã chỉ trích vì việc ông chậm trễ bổ nhiệm nhân sự cho những vị trí quan trọng. Ví dụ như ở Bộ Ngoại giao, ông chưa thể lấp đầy hơn một nửa số vị trí cần xác nhận của Thượng Viện. Đó rõ ràng không phải là ngẫu nhiên.
“Nói chung tôi sẽ không bổ nhiệm nhiều như thường lệ, bởi tôi không cảm thấy cần thiết,” ông nói. “Ý tôi là, hãy nhìn vào những cơ quan này, chúng quá lớn và hoàn toàn không cần thiết. Họ có hàng trăm ngàn người.”
Và người đàn ông này, chưa bao giờ thực sự phải làm việc dưới trướng ai, cảm thấy như thế nào khi giờ có tới 330 triệu “ông sếp”? Ông thừa nhận điều này, rồi sau đó trả lời theo một cách nhất quán, hoàn hảo của riêng ông: “Không hề gì, bởi vì tôi sẽ làm điều đúng đắn.”
Tuệ Minh dịch từ Forbes
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Forbes