Hầu hết người Mỹ ủng hộ việc yêu cầu nhận dạng cử tri khi bỏ phiếu
- Nhật Minh
- •
Trong bối cảnh những căng thẳng mang tính đảng phái về vấn đề liêm chính bầu cử và đàn áp cử tri vẫn chưa giảm thiểu, một cuộc thăm dò quốc gia mới cho thấy, hầu hết người Mỹ ủng hộ việc yêu cầu nhận dạng cử tri khi bỏ phiếu và mong muốn tiếp cận bỏ phiếu sớm dễ dàng hơn.
NATIONAL POLL: 80% support requiring photo ID to vote, but 71% also want in-person early voting to be easier.
50% want to make vote-by-mail easier; 39% want it to be harder.
69% support national guidelines for early voting and #VBM.#votingrightshttps://t.co/2ZZbD8whKy
— MonmouthPoll (@MonmouthPoll) June 21, 2021
Theo kết quả của cuộc khảo sát do Đại học Monmouth tại bang New Jersey của Hoa Kỳ thực hiện công bố hôm thứ Hai (21/6), công chúng Mỹ bị chia rẽ nhiều hơn đối với việc mở rộng bỏ phiếu qua thư.
Khoảng 8/10 số người Mỹ được hỏi trong cuộc thăm dò ủng hộ việc yêu cầu nhận dạng (ID) cử tri, xét tại từng đảng phái thì tỷ lệ này là 91% trong Đảng Cộng hòa, 62% trong Đảng Dân chủ và 87% trong số những người tự nhận không theo đảng nào.
71% số người được hỏi đề xuất rằng việc bỏ phiếu trực tiếp sớm trước Ngày Bầu cử nên được thực hiện dễ dàng hơn. Con số đó ở từng đảng phái là 89% thành viên Đảng Dân chủ, 56% thành viên Đảng Cộng hòa và 68% người không đảng phái.
Tuy nhiên, khi nói đến việc bỏ phiếu qua thư, thì sự ủng hộ thống nhất của lưỡng đảng đã không còn nữa.
Nhìn chung, một nửa số người được hỏi ủng hộ việc bỏ phiếu qua thư dễ dàng hơn, trong khi 39% yêu cầu việc bỏ phiếu qua thư phải nghiêm ngặt hơn. Có sự chia rẽ mang tính đảng phái khá lớn về việc mở rộng bỏ phiếu qua thư: có 84% thành viên Đảng Dân chủ nhưng chỉ có 40% người không đảng phái và 26% thành viên Đảng Cộng hòa ủng hộ việc này.
Cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng chỉ hơn 2/3 người Mỹ (69%) ủng hộ việc thiết lập các hướng dẫn quốc gia để cho phép bỏ phiếu qua thư và bỏ phiếu trực tiếp sớm trong các cuộc bầu cử liên bang trên toàn nước Mỹ, trong khi 1/4 phản đối. Sự ủng hộ bao gồm 92% thành viên Đảng Dân chủ, 63% người không đảng phái và 51% thành viên Đảng Cộng hòa.
Giám đốc Patrick Murray của Viện Thăm dò ý kiến thuộc Đại học Monmouth nhấn mạnh: “Cuộc thăm dò chứa đựng một số thông tin có vẻ mâu thuẫn về cách tiếp cận của cử tri. Điểm mấu chốt là hầu hết các thành viên của cả Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều muốn đưa ra khả năng để các kết quả bầu cử không bị nghi vấn bàn luận nữa. Tuy nhiên, vấn đề là họ không thể đồng ý với nhau về cách để đạt được điều đó.”
Năm ngoái, đã có sự gia tăng đột biến số người bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu qua thư, do những lo ngại nghiêm trọng về sức khỏe khi bỏ phiếu trực tiếp tại các điểm bỏ phiếu đông đúc trong bối cảnh đại dịch virus corona. Nhiều tiểu bang của Mỹ đã thay đổi các quy định bỏ phiếu để giúp việc bỏ phiếu vắng mặt và bỏ phiếu qua thư dễ dàng hơn. Tuy nhiên, Tổng thống Trump khi đó đã liên tục phản đối việc mở rộng bỏ phiếu qua thư, cho rằng điều này sẽ dẫn đến gian lận trên diện rộng. Sau thất bại trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái trước ông Biden, ông Trump vẫn nhiều lần tuyên bố rằng cuộc bầu cử đã bị gian lận và đánh cắp.
Mười bốn tiểu bang nơi các thành viên Đảng Cộng hòa kiểm soát chính quyền tiểu bang đã thông qua luật nhằm thắt chặt các quy định tiếp cận bỏ phiếu. Họ lập luận rằng các động thái này là nhằm tăng cường tính liêm chính của cuộc bầu cử nhưng các thành viên Đảng Dân chủ cáo buộc luật này là công cụ để đàn áp cử tri. Các thành viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đang cố gắng thông qua một dự luật cải cách bầu cử sâu rộng cũng như cải cách tài chính vận động tranh cử nhằm loại bỏ luật tiểu bang đã được thông qua tại các tiểu bang do Đảng Cộng hòa kiểm soát, nhưng có vẻ như các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện không ủng hộ thông qua dự luật này trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện dự kiến vào cuối tuần này.
Một nửa số người được hỏi trong cuộc thăm dò cho biết việc tước quyền bầu cử của cử tri là một vấn đề lớn trong khi 37% có ý kiến tương tự về vấn đề gian lận cử tri.
Ông Murray nhận định: “Tước quyền bầu cử của các cử tri có đủ điều kiện về mặt danh nghĩa là vấn đề lớn hơn so với vấn đề gian lận cử tri, tuy nhiên việc một số lượng lớn người Mỹ có quan điểm rằng việc gian lận đã quyết định [kết quả] cuộc bầu cử năm 2020 đặt ra một thách thức rất khó khăn để đạt được sự đồng thuận của công chúng về quyền tiếp cận bỏ phiếu.”
Cuộc thăm dò của Đại học Monmouth được tiến hành từ ngày 9/6 đến ngày 14/6, với 810 người trưởng thành trên toàn nước Mỹ được hỏi ý kiến qua điện thoại. Sai số của tỷ lệ khảo sát là +/-3,5%.
Nhật Minh (Theo Fox News)
Xem thêm:
Từ khóa Bầu cử Mỹ Dòng sự kiện bỏ phiếu sớm nhận dạng cử tri