Hiệp ước AUKUS sẽ định hình lại các mối quan hệ tại Ấn Độ – Thái Bình Dương
- Ngân Hà
- •
Mỹ, Anh và Úc đã thông báo thành lập một liên minh an ninh mới với tên AUKUS nhằm giúp trang bị cho Úc các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Liên minh được cho là sẽ giúp định hình lại các mối quan hệ trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và vượt ngoài khu vực.
Tờ Epoch Times đã nêu lên ý nghĩa của Hiệp ước AUKUS đối với các nước khác nhau:
Hoa Kỳ
Mười năm trước dưới thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã thảo luận về sự cần thiết tập trung nhiều hơn vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương trong khi xoay trục khỏi các cuộc xung đột tại Trung Đông.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, hiện nay Mỹ đã rút hoàn toàn quân đội khỏi Afghanistan, đồng thời căng thẳng với Trung Quốc vẫn ngày càng gia tăng.
Tại Thái Bình Dương, Mỹ và nhiều nước khác lo ngại về những hành động gây hấn của Trung Quốc tại biển Đông, cũng như thái độ ác ý của Bắc Kinh đối với Nhật Bản và Đài Loan, và Úc.
Trong thông báo về thỏa thuận, không lãnh đạo nào trong số ba nhà lãnh đạo đề cập tới Trung Quốc, dù liên minh được xem như một bước tiến nhắm vào chế độ cộng sản Bắc Kinh. Trước đây, Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ động cơ chuyển động hạt nhân với Anh. TT Biden nói điều đó là để bảo vệ hoà bình và ổn định lâu dài trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Anh
Việc rời EU khiến Anh phải tìm cách để xác lập lại vị thế toàn cầu của họ. Một phần của điều đó là tăng cường tập trung vào, hoặc nghiêng về khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Thủ tướng Anh Boris Johnson nói liên minh mới sẽ cho phép ba nước tăng cường sự tập trung hơn nữa vào một khu vực ngày càng phức tạp của thế giới. Ông nói rằng có lẽ điều quan trọng nhất là nó sẽ gắn kết ba nước chặt chẽ hơn.
Úc
Theo thoả thuận, Úc sẽ đóng ít nhất tám tàu ngầm chạy bằng hạt nhân sử dụng công nghệ của Mỹ, đồng thời hủy bỏ hợp đồng về các tàu ngầm chạy bằng điện – diesel với Pháp. Các chuyên gia cho rằng những tàu ngầm này sẽ cho phép Úc tiến hành các cuộc tuần tra trong thời gian dài hơn và đem lại cho liên minh sự hiện diện quân sự mạnh mẽ hơn trong khu vực.
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói ông đã giải thích với các lãnh đạo của Nhật Bản và Ấn Độ về liên minh mới. Nhật Bản, Ấn Độ, Úc và Mỹ đã có một liên minh đối thoại chiến lược gọi là “Bộ Tứ.” TT Biden đang chuẩn bị tiếp đón các lãnh đạo của Bộ Tứ tại Nhà Trắng vào tuần tới.
Pháp
Úc đã nói với Pháp họ sẽ chấm dứt hợp đồng đóng 12 tàu ngầm thông thường lớn nhất thế giới với công ty DCNS trị giá hàng chục tỷ đôla. Pháp rất tức giận, yêu cầu tất cả các bên phải giải thích.
“Đây thực sự là một cú đâm sau lưng. Chúng tôi đã xây dựng mối quan hệ tin cậy với Úc, và sự tin cậy này đã bị phản bội,” Bộ trưởng Ngoại giao Jean-Yves Le Drian phát biểu trên đài phát thanh France-Info.
Trung Quốc
Chính quyền Trung Quốc nói rằng liên minh sẽ phá hoại nghiêm trọng hoà bình và ổn định khu vực, và gây nguy hiểm cho các nỗ lực ngăn chặn phổ biến vũ khí hạt nhân. Họ nói rằng việc Mỹ và Anh xuất khẩu công nghệ hạt nhân là việc làm “vô trách nhiệm nhất” và Úc phải chịu trách nhiệm cho sự đổ vỡ trong quan hệ song phương.
Bắc Kinh không hài lòng với việc chính quyền Biden chỉ trích họ về các vụ vi phạm nhân quyền ở Tân Cương, đàn áp các nhà hoạt động dân chủ ở Hồng Kông, và vi phạm an ninh mạng. Tuần trước, TT Biden đã điện đàm với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Sau cuộc gọi, tờ báo nhà nước Tân Hoa Xã đã đưa tin ông Tập bày tỏ lo ngại rằng chính sách của chính phủ Mỹ đối với Trung Quốc đã gây nên những “khó khăn nghiêm trọng” trong quan hệ.
New Zealand
Láng giềng của Úc là New Zealand đã bị loại ra khỏi liên minh mới. Từ lâu, New Zealand đã duy trì chính sách phi hạt nhân, bao gồm lệnh cấm các tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân tiến vào các cảng của họ. Lập trường này đôi khi trở thành một điểm mâu thuẫn trong mối quan hệ thân thiết với Mỹ.
Thủ tướng Jacinda Ardem cho biết New Zealand không được mời trở thành một thành viên của liên minh và họ cũng không dự tính rằng sẽ được mời. Tuy nhiên, AUKUS đã đặt New Zealand ra ngoài một thỏa thuận chia sẻ hàng loạt thông tin, bao gồm trí tuệ nhân tạo, không gian và năng lực phòng thủ dưới nước.
Ngân Hà (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện quan hệ đối tác an ninh AUKUS