Học sinh Bangladesh biểu tình, đòi làm rõ vụ chiến đấu cơ đâm vào trường học
Quốc tang đã chuyển thành giận dữ ở Bangladesh vào thứ Ba khi số người thiệt mạng tăng lên con số 31, hầu hết là trẻ em, trong vụ chiến đấu cơ F-7 BGI của Không quân Bangladesh do Trung Quốc sản xuất đâm vào một trường học ở thủ đô Dhaka. Hàng trăm học sinh và thân nhân đã tổ chức biểu tình, yêu cầu chính phủ bồi thường và làm rõ vụ việc.
Hiện trường vụ tai nạn máy bay tại Dhaka. (Ảnh: Chụp màn hình)
Các em học sinh, nhiều em dưới 12 tuổi, đang chuẩn bị trở về nhà sau giờ học vào thứ Hai thì một chiếc chiến đấu cơ của không quân Bangladesh gặp lỗi kỹ thuật giữa không trung, mất kiểm soát và đâm vào Trường Milestone ở Dhaka, nhấn chìm tòa nhà hai tầng trong biển lửa và khói. Ít nhất 31 người thiệt mạng – trong đó có 25 trẻ em – trong vụ tai nạn hàng không thảm khốc nhất trong lịch sử Bangladesh. Khoảng 165 người khác bị thương, nhiều người bị bỏng nặng.
Học sinh của trường và các trường lân cận đã biểu tình khi hai quan chức chính phủ đến hiện trường vụ tai nạn vào thứ Ba. Họ hét lên: “Tại sao anh em chúng tôi lại chết? Chúng tôi yêu cầu câu trả lời!”
Ở những nơi khác tại thủ đô Dhaka, hàng trăm người khác đã tập trung biểu tình; một số người sử dụng gậy gộc, phá cổng chính của văn phòng chính phủ liên bang, yêu cầu cố vấn giáo dục từ chức, theo đoạn phim truyền hình địa phương.
Những người biểu tình yêu cầu chính phủ bồi thường, giải trình vụ việc và ngừng hoạt động những máy bay mà họ cho là cũ và nguy hiểm, đồng thời thay đổi quy trình huấn luyện không quân.
Cảnh sát đã bắn hơi cay và sử dụng dùi cui để giải tán đám đông, khiến khoảng 80 học sinh bị thương, theo Jamuna TV, một đài truyền hình của Bangladesh, đưa tin.
Các nhân viên cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm trong tòa nhà bị cháy rụi, trong khi người dân trong khu vực đau buồn đứng nhìn. Một số phụ huynh không thể nguôi ngoai.
“Sáng hôm qua, tôi đưa con bé đến trường như mọi ngày. Tôi không ngờ đó lại là lần cuối cùng tôi được gặp con bé”, Anh Abul Hossain nghẹn ngào nói về cô con gái chín tuổi của mình, Nusrat Jahan Anika, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn. Cô bé đã được chôn cất vào tối thứ Hai.
#China made Bangladesh Air Force F-7 BGI jet crashed into Milestone School & College in #Uttara, #Dhaka, leaving one dead and multiple casualties.
Such is the quality of #Chinese #Chengdu weapons, which was badly exposed during #OperationSindoor as well.#Crash #Bangladesh… pic.twitter.com/b7E46iss8w— Sajeda Akhtar (@Sajeda_Akhtar) July 21, 2025
VỤ TAI NẠN XẢY RA NHƯ THẾ NÀO?
Chiếc chiến đấu cơ cất cánh lúc 1:06 chiều (0706 GMT) từ căn cứ không quân ở Kurmitola, Dhaka để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện thường lệ, nhưng đã gặp sự cố kỹ thuật ngay sau đó.
Phi công đã cố gắng chuyển hướng máy bay ra khỏi khu vực đông dân cư để giảm thiểu thương vong và thiệt hại cho dân thường, nhưng nỗ lực của anh đã không thành công và máy bay đã đâm vào một tòa nhà trong khuôn viên trường Milestone.
Phi công, trung úy Mohammed Toukir Islam, nằm trong số những người thiệt mạng. Đây là chuyến bay một mình đầu tiên của anh trong thời gian hoàn thành khóa huấn luyện.
CHIẾC MÁY BAY RƠI Ở ĐÂU?
Tòa nhà hai tầng mà máy bay đâm vào thuộc về Trường và Cao đẳng Milestone ở khu vực Diabari của Dhaka, cách căn cứ không quân khoảng 10 km.
Hình ảnh từ hiện trường cho thấy phần còn lại của máy bay bị cắm vào bên hông tòa nhà, tạo ra một lỗ hổng lớn.
CÓ BAO NHIÊU NGƯỜI THIỆT MẠNG?
Thi thể của ít nhất 31 người, bao gồm 25 trẻ em, một giáo viên và phi công, đã được kéo ra khỏi đống đổ nát.
Hơn 100 trẻ em và 15 người khác cũng bị thương. Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Bangladesh cho biết 68 người vẫn đang nằm viện, và tình trạng của 10 người trong số họ đang nguy kịch.
MÁY BAY NÀO LIÊN QUAN ĐẾN THẢM HỌA NÀY?
Theo Jane’s Information Group, chiếc máy bay phản lực này là máy bay chiến đấu F-7 – phiên bản cuối cùng và tiên tiến nhất trong dòng máy bay Chengdu J-7/F-7 của Trung Quốc.
Bangladesh đã ký hợp đồng vào năm 2011 để mua 16 máy bay như vậy và việc giao hàng đã hoàn tất vào năm 2013.
CHÍNH QUYỀN ĐÃ PHẢN ỨNG THẾ NÀO?
Không quân Bangladesh đã thành lập một ủy ban điều tra cấp cao để tìm hiểu nguyên nhân vụ tai nạn.
Ông Muhammad Yunus, người đứng đầu chính phủ lâm thời của đất nước, cũng đã tuyên bố sẽ “thực hiện mọi biện pháp cần thiết” để điều tra nguyên nhân.
Mặt khác, chính phủ cho biết họ đang cung cấp “mọi loại hỗ trợ” cho những người bị ảnh hưởng; đồng thời công bố một ngày để tang, treo cờ rủ và tổ chức cầu nguyện.
Một tuyên bố từ văn phòng báo chí của ông Muhammad Yunus, cho biết chính phủ, quân đội, trường học và bệnh viện đang hợp tác để công bố danh sách các nạn nhân.
Thông báo cũng cho biết lực lượng không quân Bangladesh sẽ được hướng dẫn không vận hành máy bay huấn luyện ở các khu vực đông dân cư.
Từ khóa tai nạn máy bay Bangladesh máy bay đâm vào trường học
