Lần nọ một người bạn gọi điện mời tôi đi uống trà. Tìm đại một phòng trà trên con phố nhỏ, ngồi đối diện nhau, mà chỉ nói những chuyện vẩn vơ. Khi nhắc tới tình hình gần đây, giọng anh nặng trĩu những ưu phiền bởi chuyện vụn vặt trong nhà, và nhiều sự cố bất ngờ thi nhau tìm đến. Những muộn phiền trong cuộc sống phủ lên mái đầu điểm sương, khiến anh vẫn thường cảm thấy mình cô độc, như thiếu một người bạn tri âm, tri kỷ.

tri am
(Ảnh: Dragon Images/ Shutterstock)

Những lời anh ấy nói cũng khiến tôi động lòng. Nhìn thấy những người thân yêu của mình đau khổ, rõ ràng chỉ cách nhau trong gang tấc mà chẳng thể đỡ đần việc chi, cái dư vị mới thống khổ làm sao?

Dường như, từ rất lâu rồi, cảnh tượng này vẫn không ngừng tái diễn với tôi: Hoặc là cốt nhục ly tán, cha mẹ mất sớm, hoặc là phong ba bão táp, người yêu thay lòng, hoặc là sinh kế gian nan, khốn khó trăm bề… Có người dốc bầu tâm sự; có người muốn nói mà nghẹn lời; có người nước mắt chảy quanh, khóc không thành tiếng; có người phẫn nộ bất bình; có người trăm mối tơ vò, nhẫn nhịn không nói…

Nhân vật chính trong từng hoàn cảnh cũng liên tục đổi vai: Có người thân, có bè bạn, có đồng nghiệp, có đồng môn… Tôi cũng đóng những vai trò khác nhau trong những bối cảnh khác nhau: Khi thì là sự khích lệ giữa đồng môn; khi là niềm tâm giao giữa những người tri kỷ; khi là sự mến thương của bậc đàn anh; khi lại là sự quan tâm, săn sóc của người em… Nhưng đa phần tôi chỉ lặng lẽ ở bên họ, ngồi lắng nghe họ trút bỏ nỗi lòng nhưng không hề tùy tiện phát ngôn, dẫu chỉ một lời, vì muốn giảm nhẹ nỗi thống khổ trong lòng họ.

Đôi khi trong tâm chẳng nỡ, đưa qua vài trang giấy nhỏ, nói vài lời an ủi, động viên, vài cái vỗ vai khích lệ. Đôi khi muốn dùng ly rượu thay nước mắt, dùng tiếng hát át nỗi buồn, để quên đi mọi nỗi ưu phiền trên thế gian. Nhưng bản thân tôi cũng biết rằng, đây chỉ là giải pháp tạm thời mà thôi, chẳng thể giải quyết tự căn bản. Nỗi khổ đau, muộn phiền trong cõi hồng trần, ngay cả những bậc thánh hiền cũng khó vượt thoát, huống hồ bạn và tôi?

two women sitting and chatting near table 1545499 image
(Ảnh: Lisa Fotios / Pexels)

Tôi từng đọc được một bài báo với tựa đề: “Thiển đàm về tri âm” như sau:

“Quân tử tìm tri âm. Cao hơn nữa thì sao? Chính là “tri nhân” (biết nguyên nhân), người lắng nghe nỗi lòng ta mà thấu hiểu nguyên nhân, ngọn nguồn của những tâm tư ấy. Những người nghe được nguyên nhân cũng chính là tri âm vậy. Khổng Tử giảng: “Đức bất cô, tất hữu lân” – Người có đức thì không bao giờ cô độc, sẽ luôn có người gần gũi, kết giao. Chẳng phải vậy sao? Vậy nên, hà tất phải vì “tri âm” mà rầu rĩ, nên vì “tri nhân” mà sầu lo, mà tìm kiếm mới phải.”

Chỉ vài lời ngắn ngủi chẳng phải đã nói rõ huyền cơ trong đó hay sao? “Tri âm” chỉ là nghe hiểu nhã ý trong tiếng đàn, lời ca. “Tri nhân” mới là người thấu hiểu nguồn cơn những nỗi thống khổ chúng ta đang gặp phải. Đó có thể là nguyên nhân mà họ thổ lộ, hay nguồn cơn khiến cảm xúc của bạn bị dẫn động mà hòa chung nhịp đập con tim. Tri nhân là người minh bạch hồng trần là cõi mê, là bể khổ; biển dục vọng chính là ngọn nguồn của mọi nỗi bi ai. Đây chính là nguyên nhân cốt yếu gây ra biết bao cảnh trái ngang, bao nỗi muộn phiền.

Nếu hiểu được những điều này, chúng ta sẽ không chỉ chìm đắm trong tiếng thở than của người tri kỷ, mà có thể vượt thoát, vươn tới một cảnh giới cao hơn.

 

Trong “Tứ Thư” Tử Hạ viết: “Quân tử kính nhi vô thất; dữ nhân cung nhi hữu lễ, tứ hải chi nội, giai huynh đệ dã. Quân tử hà hoạn hồ vô huynh đệ dã?” Nghĩa là: “Người quân tử giữ sự tôn kính mà không lỗi lầm; giao thiệp với người khiêm cung mà lễ phép; nội trong bốn biển, đều là hảo huynh đệ. Người quân tử lo gì không có anh em?”

Nói rộng ra, đây chính là sự trân quý và tin cậy giữa những người tu đạo, hay tâm lĩnh thần hội giữa đệ tử Phật gia…Như cảnh tượng mây trắng lững lờ, hoa Ưu đàm nở rộ, đột nhiên xuất hiện giữa cõi trần ai.

 

Tu tâm dưỡng tính đâu chỉ có hình thức gõ mõ tụng kinh hay ở ẩn nơi thanh bần của những người tu Đạo? Thân ở nơi trần thế, tâm ngoài cõi nhân gian. Nếu ai nấy đều ôm giữ tâm cầu đạo, tìm kiếm ngọn nguồn giúp con người giải thoát khỏi nỗi khổ đau, thì người khắp thiên hạ, ai ai cũng đều là “tri âm tri kỷ”.

Lê Minh