HRWF: Châu Âu không thể bỏ qua cuộc đàn áp Pháp Luân Công
- Minh Nhật
- •
Ngày 23 tháng 9 vừa qua, tổ chức Nhân quyền Không Biên giới (Human Rights Without Frontiers – HRWF) đã đăng tải một bài viết của Aaron Rhodes và Marco Respinti kêu gọi Ủy ban Châu Âu chú ý đến cuộc đàn áp Pháp Luân Công đã và đang diễn ra suốt 25 năm qua tại Trung Quốc. Aaron Rhodes là chủ tịch của Diễn đàn Tự do Tôn giáo Châu Âu, giám đốc điều hành của Liên đoàn Quốc tế Helsinki về Nhân quyền nhiệm kỳ 1993-2007. Marco Respinti là giám đốc phụ trách tạp chí tự do tôn giáo và nhân quyền Bitter Winter có trụ sở tại Ý.
Trong bài viết có tựa đề “Quan hệ châu Âu – Trung Quốc: Người châu Âu không thể bỏ qua cảnh ngộ của người tập Pháp Luân Công”, hai tác giả đã hướng sự chú ý tới cuộc diễu hành của người tập Pháp Luân Công tại Khu phố Châu Âu ở Brussels, Bỉ vào sáng ngày 20 tháng 9 năm 2024. Cuộc diễu hành này diễn ra trong bối cảnh Ủy ban châu Âu mới mà bà Ursula von der Leyen làm chủ tịch vừa nhậm chức nhiệm kỳ 2024-2029. Sự chú ý của thế giới đổ dồn về thủ đô Bỉ, nơi cũng là trụ sở của nhiều tổ chức châu Âu. Và đó là lý do người tập Pháp Luân Công từ khắp châu Âu tụ họp tại Bỉ để thỉnh nguyện cho việc chấm dứt cuộc đàn áp Pháp Luân Công tại Trung Quốc.
Sau cuộc diễu hành, người tập Pháp Luân Công đã tập trung tại quảng trường Place Jean Rey. Các chính trị gia địa phương và các nhà hoạt động nhân quyền đã thay mặt cho một số tổ chức phi chính phủ lên tiếng về cuộc đàn áp Pháp Luân Công, một cuộc đàn áp “tàn bạo, thực hiện một trong những hành vi vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo nghiêm trọng nhất trên thế giới hiện nay”.
Hai tác giả Aaron Rhodes và Marco Respinti cho biết người tập Pháp Luân Công đã nâng cao nhận thức về thảm kịch của họ dưới bàn tay của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đáng chú ý là “hoạt động thu hoạch nội tạng tàn bạo, trong đó các bác sĩ và các tổ chức lấy nội tạng của tù nhân chính trị hoặc tù nhân lương tâm, thường là khi họ vẫn còn sống, và bán chúng trên một thị trường chợ đen béo bở vượt xa biên giới Trung Quốc”.
Hai tác giả Aaron Rhodes và Marco Respinti cho rằng: “Các tổ chức châu Âu, và quan trọng hơn là các công dân châu Âu, nợ người dân Trung Quốc và nợ chính họ, họ phải nhận thức được sự áp bức không thể chấp nhận được của Trung Quốc đối với Pháp Luân Công và các nhóm thiểu số khác”.
Theo một bài báo do ông Patrick J. Byrne, cựu Chủ tịch Quốc gia của Hội đồng Công dân Quốc gia Úc đăng trên tờ News Weekly, Trung Quốc hiện đang là quốc gia cấy ghép tạng lớn nhất thế giới. Cho đến năm 2010, quốc gia này vẫn chưa xây dựng hệ thống hiến tạng người chết. Thậm chí ngày nay, số nội tạng hiến qua hệ thống này vẫn còn rất nhỏ. Tuy nhiên căn cứ vào các báo giá cấy ghép nội tạng được quảng cáo, ngành công nghiệp cấy ghép nội tạng của Trung Quốc ước tính thu về khoảng 8,9 tỷ USD hàng năm, chủ yếu từ khách hàng nước ngoài từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Ả Rập Saudi, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập.
Công ước chống buôn bán nội tạng người năm 2015 của Hội đồng Châu Âu yêu cầu các quốc gia thành viên cấm công dân hoặc thường trú nhân đồng phạm trong việc lạm dụng cấy ghép tạng ở nước ngoài. Cho đến nay đã có 15 quốc gia phê chuẩn Công ước này. Riêng các quốc gia như Israel, Đài Loan, Ý, Hàn Quốc, Anh và Canada đã ban hành luật cấm công dân nước mình tham gia vào các hoạt động lạm dụng cấy ghép nội tạng ở nước ngoài. Quốc hội Hoa Kỳ đã chuẩn bị một dự luật, theo đó sẽ thu hồi hộ chiếu của những người đồng phạm trong các hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng, đồng thời báo cáo về hành vi đồng phạm đó và các biện pháp trừng phạt đối với kẻ đồng phạm.
Theo “Human Rights Without Frontiers” (Hrwf.eu)
Minh Nhật tổng hợp
Xem thêm:
- Truyền thông Úc đưa tin vạch trần tội ác thu hoạch nội tạng của ĐCSTQ
- Cuộc đàn áp Pháp Luân Công từ góc nhìn của các luật sư nhân quyền TQ
Mời xem video:
Từ khóa đàn áp Pháp Luân Công