Kế hoạch được Anh Quốc thông báo mới đây về việc từng bước loại bỏ công nghệ của Huawei khỏi các mạng di động trong năm nay đang đặt ra nhiều thách thức mới cho gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc và kế hoạch bành trướng ở thị trường Châu Âu của hãng này.

huawei
Ảnh từ Shutterstock

Mặc dù Huawei nổi danh về việc cung cấp thiết bị chất lượng với giá thành thấp và đã vươn lên dẫn đầu trong công nghệ mạng 5G mới, nhưng hãng viễn thông Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt các lệnh hạn chế của Mỹ. Việc Washington tạo áp lực với các đồng minh nhiều khả năng sẽ đe dọa đến hoạt động kinh doanh của Huawei tại Châu Âu, nhất là khi có báo cáo cho thấy Anh đang tìm cách loại Huawei khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông nước này trong năm nay.

Tại London, một thập kỷ xây dựng mối quan hệ buôn bán nồng ấm với Trung Quốc đã sụp đổ và bị thay thế bằng những hoài nghi ngày càng gia tăng. Mối quan hệ trở nên căng thẳng đỉnh điểm khi Bắc Kinh vừa qua áp đặt Luật An ninh quốc gia đối với Hồng Kông, một thuộc địa cũ của Anh. 

Thủ tướng Boris Johnson đã tìm cách trấn an chính phủ Trung Quốc rằng Anh vẫn quan tâm đến việc giữ mối quan hệ chặt chẽ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, nhưng Nghị viện do đảng Bảo thủ của ông Johnson kiểm soát đã đe doạ sẽ phá bất cứ kế hoạch nào của chính phủ cho phép Huawei tham gia vào mạng 5G của Anh.

Báo chí Anh đưa tin hồi cuối tuần Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia GCHQ – cơ quan tình báo hàng đầu của Anh – nhận định rằng lệnh trừng phạt của Mỹ không cho Huawei sử dụng công nghệ dựa trên sở hữu trí tuệ Mỹ đã có tác động “nghiêm trọng” đến công ty này, khiến nó có nguy cơ phải sử dụng các thiết bị mạng với độ bảo mật thấp để thay thế khi nguồn cung linh kiện Mỹ bị siết chặt.

Một dự luật thay đổi chính sách nhằm cấm các nhà khai thác mạng mua thiết bị Huawei từ nay đến cuối năm dự kiến sẽ được đệ trình lên Thủ tướng Johnson và các Bộ trưởng trong Hội đồng bảo an Quốc gia trong tuần này. Theo các nguồn tin, dự luật này thực chất để mở đường cho việc loại bỏ công nghệ 5G của Huawei khỏi mạng viễn thông của Anh từ nay đến năm 2026-2027, tiếp sau đó là cả 4G và 3G.  

Ông Iain Duncan Smith, thành viên của Nhóm 59 đảng viên Bảo thủ kiên quyết chống Huawei, đã thúc giục ông Johnson nhanh chóng hành động mạnh tay hơn đối với Huawei.

“Phải tránh xa và loại trừ Huawei ra khỏi hệ thống trước cuộc bầu cử năm 2025,” ông Duncan Smith nói, ông cũng là đồng lãnh đạo Liên minh liên Nghị viện về vấn đề Trung Quốc.

Truyền thông Ý: Chính phủ Ý đang xem xét từ bỏ Huawei 5G

Nếu London quyết định cấm Huawei và đi ngược lại chính sách của ông Johnson hồi đầu năm nay, vốn cho phép Huawei tham gia cung cấp 35% thiết bị cơ sở hạ tầng mạng không cốt lõi của mạng lưới 5G thế hệ mới, nước Đức sẽ cảm thấy áp lực nhất. 

Các nhà làm luật từ đảng bảo thủ cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel vẫn ủng hộ một tuyên bố lập trường về ngăn chặn việc cấm Huawei triển khai mạng 5G ở Đức. Được biết, chính phủ của bà Merkel sẽ soạn thảo các quy định về việc lắp đặt những bộ phận cấu thành trong mạng truyền thông di động 5G tương lai trong hoặc sau tháng Chín.

Trước đó, Mỹ đã đe dọa cắt đứt việc chia sẻ tin tình báo với Đức nếu Berlin tiếp tục cho phép Huawei xây dựng cơ sở hạ tầng 5G.

“Hy vọng [kế hoạch của Vương quốc Anh] sẽ khiến Đức đưa ra quyết định bảo đảm an ninh vì quyền lợi của người dân và các công ty của họ trước sự giám sát và chia rẽ của Đảng cộng sản Trung Quốc,” nguồn tin từ Mỹ nói. 

Huawei đã liên tục phủ nhận việc họ có bất cứ quan hệ nào với giới quân sự và các cơ quan an ninh Trung Quốc.

Năm ngoái, Đại sứ Trung Quốc tại Đức đã đe dọa trả đũa Berlin nếu loại Huawei khỏi việc cung cấp thiết bị 5G không dây, viện dẫn tới hàng triệu phương tiện vận chuyển mà các nhà sản xuất ô tô Đức đã bán ở Trung Quốc.

Tại Pháp, cơ quan an ninh mạng ANSSI cho biết mặc dù không cấm hoàn toàn nhưng họ cũng không khuyến khích các nhà mạng sử dụng Huawei. 

Quyết định của Pháp về vấn đề thiết bị của Huawei rất quan trọng với hai trong bốn nhà khai thác mạng viễn thông, Bouygues Telecom và SFR – khoảng một nửa hệ thống viễn thông di động hiện tại của họ do tập đoàn Trung Quốc thực hiện. Hai nhà khai thác này sẽ được phép sử dụng Huawei từ ”3 đến 8 năm.”

Trong khi đó, công ty nhà nước Orange tại Pháp đã chọn đối thủ châu Âu của Huawei là Nokia và Ericsson để xây dựng cơ sở hạ tầng cho hệ thống của họ.

Tại Ý, chính phủ nước này cũng đang có kế hoạch loại bỏ kế hoạch cho phép Huawei triển khai mạng 5G.

Xuân Lan

Xem thêm: