Kể từ khi nhậm chức, chính quyền Trump phải đối mặt với những thách thức pháp lý nào?
- Gia Huy
- •
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền của ông đã trở thành mục tiêu của nhiều vụ kiện liên quan đến chương trình nghị sự và các chính sách của tổng thống.
Nhà Trắng của Tổng thống Trump đã phải đối mặt với nhiều thách thức pháp lý liên quan đến chính sách trục xuất hàng loạt, sắc lệnh hành pháp chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh và chỉ thị đóng băng tài trợ liên bang.
Quyền công dân theo nơi sinh
Vào ngày nhậm chức (20/1), Tổng thống Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh cho con cái của những người nhập cư bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng quyền này đã được ghi nhận trong Hiến pháp Hoa Kỳ theo Tu chính án thứ 14.
Trong sắc lệnh hành pháp có tiêu đề “Bảo vệ Ý nghĩa và Giá trị của Quyền công dân Hoa Kỳ”, Tổng thống Trump nhấn mạnh: “Đặc quyền của quốc tịch Hoa Kỳ là một món quà vô giá và sâu sắc”.
Cùng ngày hôm đó, Liên minh Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU) “đại diện cho các tổ chức với các thành viên có con sinh ra trên đất Mỹ sẽ bị từ chối quyền công dân theo sắc lệnh này” đã đệ đơn kiện chính quyền Trump. ACLU cũng cáo buộc rằng sắc lệnh này là vi hiến và đi ngược lại với ý định của quốc hội và tiền lệ của Tối cao Pháp viện.
Sau đó, 18 tiểu bang do Đảng Dân chủ lãnh đạo cũng tiến hành khởi kiện riêng, khi lên án sắc lệnh này là vi hiến và “chưa từng có”.
Đơn kiện lập luận rằng: “Tổng thống không có thẩm quyền viết lại hoặc hủy bỏ một tu chính án hiến pháp hoặc luật lệ đã được ban hành hợp lệ. Ông ấy cũng không được bất kỳ nguồn luật nào khác trao quyền để hạn chế những người nhận quốc tịch Hoa Kỳ khi sinh ra”.
Tổng chưởng lý của các tiểu bang New Jersey, Massachusetts, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Hawaii, Maine và một số tiểu bang khác cùng với thành phố San Francisco của tiểu bang California và thủ đô Washington , D.C thuộc đặc khu Columbia đã ký vào đơn kiện chống lại sắc lệnh của Tổng thống Trump.
Một thẩm phán khu vực Hoa Kỳ cũng tạm thời chặn sắc lệnh này của Tổng thống Trump trong một vụ kiện khác do các tiểu bang Arizona, Illinois, Oregon và Washington đệ trình. Các tiểu bang này chỉ trích hành động hành pháp này của Tổng thống Trump là “vi hiến một cách trắng trợn”.
Trục xuất hàng loạt
Một số nhóm ở thành phố trú ẩn Chicago đã đệ đơn kiện chính quyền Trump về chính sách trục xuất hàng loạt, lập luận rằng chính sách này vi phạm các quyền của họ theo Tu chính án thứ nhất.
Đơn kiện này do Hội đồng Khu phố Brighton Park, các Cộng động có tổ chức chống trục xuất, Liên minh Illinois vì quyền của người nhập cư và người tị nạn, Liên minh Raise the Floor đệ trình. Các tổ chức này cáo buộc rằng “mối đe dọa từ việc các nhân viên ICE tràn vào các cộng đồng đã ảnh hưởng đến người dân Chicago và làm suy yếu quyền tự do thực hành tôn giáo và tụ tập của họ”.
Chấm dứt chính sách DEI
Tổng thống Trump cũng ký một sắc lệnh hành pháp chấm dứt tất cả các chương trình đa dạng, công bằng, và hòa nhập (DEI) của liên bang. Hôm thứ Hai (27/1) vị tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ đã ký một sắc lệnh nêu rõ rằng “việc áp dụng bản dạng giới không phù hợp với giới tính của một cá nhân sẽ mâu thuẫn với cam kết của một người lính về lối sống danh dự, trung thực và kỷ luật, ngay cả trong cuộc sống cá nhân của một người”.
Sáu quân nhân chuyển giới Hoa Kỳ đã đệ đơn kiện chính quyền Trump, lập luận rằng sắc lệnh này là vi hiến và vi phạm thành phần Bảo vệ Bình đẳng của Tu chính án thứ năm.
Đơn kiện này cáo buộc: “Thay vì dựa trên bất kỳ mục đích chính đáng nào của chính phủ, lệnh cấm này phản ánh thái độ thù địch đối với người chuyển giới bởi vì tình trạng chuyển giới của họ”.
Đóng băng tài trợ viện trợ liên bang
Hôm thứ Hai (27/1), Văn phòng Quản lý và Ngân sách đã ban hành một thông báo nội bộ, trong đó chỉ đạo tạm dừng tất cả các khoản trợ cấp và cho vay liên bang nhằm xóa bỏ “sự thức tỉnh” và “vũ khí hóa chính phủ” trong nỗ lực nâng cao hiệu quả của chính phủ. Thông báo nội bộ này tuyên bố rằng gần 3.000 tỷ đô la đã được chi trong năm 2024 cho các chương trình hỗ trợ như vậy.
Ngay sau đó, Nhà Trắng khẳng định rằng việc đóng băng này không ảnh hưởng đến các chương trình như An ninh Xã hội, Medicare hoặc các khoản thanh toán phúc lợi khác.
Bên cạnh việc các thành viên Đảng Dân chủ tại Thượng viện Mỹ tuyên bố sẽ có phản ứng phối hợp với các thống đốc Đảng Dân chủ, thì các tổng chưởng lý của các tiểu bang Xanh, cùng với các tổ chức vận động và phi lợi nhuận, đã đệ đơn kiện riêng của họ liên quan đến chỉ thị này của chính quyền Trump.
Hôm thứ Ba (28/1) Tổng chưởng lý tiểu bang New York Letitia James đã dẫn đầu một liên minh gồm 22 tổng chưởng lý khác đệ đơn kiện để ngăn chặn việc thực hiện thông báo nội bộ của chính quyền Trump.
Tương tự, hôm thứ Ba (28/1), một số tổ chức phi lợi nhuận và hiệp hội y tế, bao gồm cả một tổ chức ủng hộ LGBTQ+, đã đệ đơn kiện chỉ thị này.
Cũng vào hôm thứ Ba (28/1), một thẩm phán liên bang đã ra lệnh hoãn lại hành động hành pháp này của Tổng thống Trump cho đến thứ Hai (3/2).
Từ khóa Donald Trump chính quyền Trump Dòng sự kiện sắc lệnh hành pháp Chính quyền Trump bị kiện