‘Thị thực vàng’ ở các nước Liên minh châu Âu (EU) lần lượt bị đóng hoặc thắt chặt, theo đó những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người giàu hàng đầu Trung Quốc. Còn Nga và một số nước châu Phi tung ra ‘thị thực vàng’, liệu giới nhà giàu Trung Quốc có sang đó?

shutterstock 1716334984
Porto, Bồ Đào Nha. (Nguồn: romashkinnn/ Shutterstock)

Bắt đầu từ ngày 16/3, Chính phủ Bồ Đào Nha ngừng cấp ‘thị thực vàng’. Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã công bố quyết định này cách đây một tháng, vào thời điểm đó ông Costa cho biết động thái là để “chống đầu cơ làm tăng giá bất động sản”.

Trong số ‘thị thực vàng’ của nhiều nước châu Âu, ‘thị thực vàng’ của Bồ Đào Nha có biệt danh hiệu “vua về hiệu quả”. Ngoài ngưỡng đầu tư thấp nhất 280.000 euro (300.000 USD) vào bất động sản và 500.000 euro (540.000 USD) vào quỹ, người có ‘thị thực vàng’ Bồ Đào Nha có thể nhập quốc tịch sau 5 năm với thời hạn tối thiêu sống tại Bồ Đào Nha trong 5 năm đó là 35 ngày.

Kể từ khi ra mắt vào năm 2012, chương trình này đã thu hút gần 6,8 tỷ euro (7,3 tỷ USD) đầu tư, phần lớn được bơm vào thị trường bất động sản, theo dữ liệu từ Dịch vụ Người nước ngoài và Biên giới Bồ Đào Nha (SEF).

Trước Bồ Đào Nha, Chính phủ Ireland cũng đã ngừng ‘Chương trình Nhà đầu tư Nhập cư Quốc tế’ (IIP) mà không có cảnh báo. Tổng chưởng lý Harris (Simon Harris) của Ireland bất ngờ tuyên bố vào ngày 14/2 rằng các đơn đăng ký sẽ không còn được chấp nhận kể từ ngày hôm sau.

Chương trình này được Chính phủ Ireland khởi động vào năm 2012, theo đó người nộp đơn phải có tài sản cá nhân ít nhất 2 triệu euro (2,14 triệu USD) và thực hiện một số khoản đóng góp từ thiện với số tiền cần thiết. Theo Bộ Tư pháp Ireland, kể từ khi thành lập, tổng số tiền đầu tư theo chương trình này đã gần 1,252 tỷ euro (1,34 tỷ USD).

Nhưng tờ Irish Times đưa tin, cuộc họp báo riêng với các bộ trưởng nội các Ireland cho biết việc tiến hành thẩm định số lượng đơn đăng ký ngày càng tăng từ một quốc gia trở nên “cực kỳ khó khăn”. Bản tin vắn cũng đặt câu hỏi “có bao nhiêu khoản đóng góp thụ động không có chiến lược đầu tư và tạo ra ít việc làm cho Ireland”.

Trong số 1316 đơn đăng ký của năm 2022 chỉ có 41 đơn là không phải từ Trung Quốc, thông tin cho biết.

Tương tự, chính phủ liên minh của Latvia đã quyết định vào ngày 28/3 năm ngoái rằng chương trình ‘thị thực vàng’ dành cho người nước ngoài để có được giấy phép cư trú thông qua việc mua các căn hộ và biệt thự đắt tiền đã bị chấm dứt.

Ngày 17/2 năm ngoái, Chính phủ Anh cũng có thông báo lập tức đóng cửa kênh tiếp nhận hồ sơ định cư diện đầu tư T1.

Theo thống kê của hãng truyền thông di trú đầu tư quốc tế Investment Migration Insider, tính đến cuối năm 2021 có 6 nước châu Âu thông qua ‘thị thực vàng’ thu hút đầu tư được hơn 1 tỷ euro (1,1 tỷ USD), đó là Bồ Đào Nha , Ireland, Latvia, Anh, Hy Lạp và Tây Ban Nha.

Trong số đó có 4 nước nêu trên đã đóng ‘thị thực vàng’, trong khi 2 nước còn lại hiện đang thay đổi chính sách liên quan.

Hy Lạp đã thông báo, ngưỡng ‘thị thực vàng’ ở một số khu vực bắt đầu từ tháng 5 năm nay sẽ tăng từ 250.000 euro (270.000 USD) lên 500.000 euro (540.000 USD).

Giữa tháng 2 năm nay, Đảng Mas Pais cánh tả của Tây Ban Nha đã đưa ra một dự luật kêu gọi bãi bỏ thông lệ xin giấy phép cư trú thông qua việc mua bất động sản trị giá hơn 500.000 euro (540.000 USD).

Kỷ nguyên ‘thị thực vàng’ sắp kết thúc

‘Thị thực vàng’ là một kênh nhập cư đầu tư, đề cập đến kế hoạch nhập cư dành cho những người giàu có để có được giấy phép cư trú hoặc thậm chí là quốc tịch bằng cách đầu tư vào bất động sản, mở doanh nghiệp, hoặc đầu tư vốn.

Sau cuộc khủng hoảng nợ châu Âu vào cuối năm 2009, nhiều nước châu Âu để thu hút đầu tư đã liên tiếp mở ‘thị thực vàng’. Sau khi có hộ chiếu EU, người sở hữu có thể đi lại tự do trong khu vực Schengen (gồm 27 nước châu Âu bỏ kiểm soát biên giới và hộ chiếu tại đường biên giới chung), được hưởng dịch vụ chăm sóc y tế của tất cả các nước thành viên EU, sống và làm việc ở bất cứ đâu, đồng thời được hưởng các ưu đãi về thuế trong phạm vi quyền hạn của nước mà người đầu tư tham gia.

Nhưng khi vấn đề thị thực này được quan tâm thì những tranh cãi cũng theo sau. Do chương trình ‘thị thực vàng’ tập trung vào lĩnh vực đầu tư nên việc kiểm tra lý lịch đối với người nộp đơn thường lỏng lẻo, gây tiềm ẩn rủi ro về an ninh và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động rửa tiền, trốn thuế, tham nhũng, tài trợ cho khủng bố và tội phạm có tổ chức xâm nhập.

Ngay cả trong các nước áp dụng ‘thị thực vàng’ cũng có xu thế người dân bản địa không hài lòng vì làm tăng giá bất động sản địa phương.

Vào ngày 9/3 năm ngoái, Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu áp đảo để chấm dứt cái gọi là chương trình “hộ chiếu vàng”, kêu gọi chấm dứt hành vi bán quốc tịch của các nước EU và kêu gọi thời hạn tối đa vào 2025 phải cấm hoàn toàn.

Người giàu Trung Quốc có ít lựa chọn hơn

Như vậy thời kỳ của ‘thị thực vàng’ tại châu Âu sắp kết thúc, theo đó có thể nói nhóm người bị ảnh hưởng nhiều nhất là những người giàu có tại Trung Quốc. Vì trong vài năm khi các nước EU thực hiện ‘thị thực vàng’ thì người mua Trung Quốc chiếm đại đa số.

Công dân Trung Quốc chiếm 97% số người nộp đơn xin ‘thị thực vàng’ ở Ireland vào năm ngoái. Kể từ khi Hy Lạp tung ra ‘thị thực vàng’ vào năm 2014, công dân Trung Quốc đã chiếm 63% tổng số người nộp đơn. Trong số khoảng 12.000 ‘thị thực vàng’ mà Bồ Đào Nha đã cấp kể từ năm 2012, công dân Trung Quốc đã nhận được hơn 5.000. Mặc dù chỉ có 28% công dân Trung Quốc có ‘thị thực vàng’ Tây Ban Nha, nhưng nước này đứng đầu về số người Trung Quốc tham gia.

Tại sao người giàu Trung Quốc thích mua hộ chiếu nước ngoài và chuyển tài sản của họ? Nói với Epoch Times vào ngày 25/3, nhà bình luận Li Yiming người Trung Quốc cư trú tại Nhật Bản cho hay: “Bản thân ĐCSTQ được dựng lên bằng bạo quyền cướp bóc, cướp của cải của người khác biến thành của họ. Mặc dù ĐCSTQ hiện là một hình thức chính quyền, nhưng tổ chức này vẫn đang tiếp tục hành động như vậy. Ví dụ năm ngoái ông Tập Cận Bình đề xuất “thịnh vượng chung” không có nghĩa là làm cho mọi người giàu có, mà là cướp tiền của người giàu phục vụ cho ĐCSTQ. Vì vậy mà người giàu ở Trung Quốc không ai cảm thấy an toàn, tài sản của họ luôn tiền ẩn nguy cơ bị cướp mất chỉ cần bằng một chính sách của nhà cầm quyền, ai chống lại có thể mất mạng”.

Điểm đến hứa hẹn là châu Phi hoặc Nga?

Cùng thời điểm châu Âu đóng cửa ‘thị thực vàng’, Nga và một số nước châu Phi lại muốn thu hút đầu tư nước ngoài thông qua ‘thị thực vàng’.

Từ ngày 1/1 năm nay, Nga chính thức mở cửa ‘thị thực vàng’. Tháng 7 năm ngoái ông Tổng thống Nga Putin đã ký một dự luật để phê duyệt dự án này. Điều kiện đăng ký là người nước ngoài đầu tư 30 triệu rúp (390.000 USD) trở lên vào bất động sản, trái phiếu chính phủ hoặc công ty, là trong vòng 6 tháng sau có được giấy phép định  cư tại Nga.

Nước châu Phi Kenya hiện cũng đang trong giai đoạn cuối của dự án cung cấp quyền công dân thông qua đầu tư, một dự án tương tự cũng đang được Uganda thực hiện.

Nhưng nhà bình luận Li Yiming tin rằng khó xảy ra xu thế tỷ phú Trung Quốc sang Nga hay các nước châu Phi. “Vì đã chạy thì họ chạy đến nơi an toàn, nơi có luật pháp bảo vệ và bảo vệ quyền con người. Họ phải chạy đến những nơi như vậy chứ không phải những nơi nguy hiểm. Có thể có những người muốn đào vàng và kiếm một ít tiền, nhưng vì cân nhắc chuyển tiền đến vùng an toàn, tôi tin rằng sẽ không có ai ngu ngốc như vậy”.