London: Hàng nghìn người biểu tình phản đối phong tỏa và hộ chiếu vắc-xin
- Gia Huy
- •
Hôm thứ Bảy (29/5), hàng nghìn người biểu tình đã tuần hành qua các đường phố của London để phản đối các biện pháp hạn chế do virus corona và hộ chiếu vắc-xin.
Những người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Quốc hội trước khi đi qua các khu vực ở trung tâm London bao gồm Phố Oxford, Phố Downing, Quảng trường Trafalgar, và Công viên Hyde. Cuộc biểu tình phần lớn diễn ra ôn hòa nhưng cảnh sát cho biết “một thiểu số nhỏ” người biểu tình ném các đồ vật vào các nhân viên cảnh sát và một nhóm người biểu tình đã chiếm Trung tâm Mua sắm Westfield trong một thời gian ngắn.
Cuộc Tuần hành “Đoàn kết vì Tự do” diễn ra hôm thứ Bảy (29/5) lớn hơn các cuộc biểu tình trước đây nhằm phản đối các biện pháp hạn chế do đại dịch. Nhiều người đến từ vùng bên ngoài London, trong đó một nhóm chia sẻ với NTD News rằng họ rời khỏi nhà lúc 3 giờ sáng để tham gia cuộc biểu tình.
Những người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu như “Tự do” và “đứng lên” khi họ đi qua trung tâm London trong nhiều giờ liên tục. Các biểu ngữ của họ gồm nhiều nội dung từ “nói không với hộ chiếu vắc-xin” và “con cái chúng ta xứng đáng có một tương lai” cho đến “xóa bỏ vắc-xin COVID thử nghiệm” và “chống lại việc tái thiết vĩ đại”.
Đề cập đến căn bệnh do virus corona gây ra, một người biểu tình tên Donna phát biểu với NTD: “Tất cả những người ở đây không có nói rằng COVID không tồn tại. Tôi biết nó tồn tại. Tôi chỉ không tin hoặc không đồng ý với những gì chính phủ đang làm.”
Cô Donna không đồng ý với các biện pháp được sử dụng để chống lại đại dịch, chẳng hạn việc phong tỏa hạn chế cũng như việc triển khai các loại vắc-xin chưa được kiểm tra đầy đủ.
Lãnh đạo Đảng Di sản cũng là cựu ứng cử viên chức thị trưởng London David Kurten nói với NTD rằng theo ý kiến của ông, chính phủ không có quyền áp đặt các lệnh phong tỏa.
Ông cho hay: “Họ nói rằng họ sẽ trả lại sự tự do cho chúng tôi vào ngày 21/6, nhưng đó không phải là quyền của chính phủ. Nó [sự tự do] không phải là của họ để [họ] có quyền lấy đi ngay từ đầu.”
Ông nói thêm: “Nếu họ không trả lại tất cả [quyền tự do], điều mà họ cho biết rằng họ sẽ làm, tôi nghĩ rằng chúng tôi ở đây là để nói chúng tôi sẽ không chấp nhận điều đó.”
Theo lộ trình của chính phủ Anh, ngày 21/6 sẽ là ngày cuối cùng để kết thúc việc phong tỏa. Tất cả các biện pháp hạn chế về mặt pháp lý sẽ được dỡ bỏ. Tuy nhiên, chính phủ Anh tuyên bố quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra vào ngày 14/6 bởi vì nhiều người lo ngại rằng sự xuất hiện của biến thể Ấn Độ có thể làm sai lệch kế hoạch.
Một người biểu tình khác tên Tony cũng chia sẻ, anh từng có một công việc kinh doanh cho đến khi nó bị buộc phải đóng cửa trong đại dịch. Anh hiện đang lái xe để kiếm sống.
Anh nói: “Chúng tôi là những người buôn bán trên thị trường. Và trong suốt thời gian này, khi họ bắt đầu phong tỏa… chúng tôi phải ngừng làm những gì chúng tôi đang làm. Và kết quả là, tôi phải làm gì đó khác. Bạn biết đây, tôi đã phải nhận một công việc khác.”
Anh tiếp tục: “Tôi hiện là một lái xe. Và tôi thích làm những gì tôi thích, nhưng tôi không thể làm những gì tôi thích tất cả bởi vì việc này [phong tỏa]. Tôi có lẽ sẽ không thể làm điều đó vì… Chúa mới biết.”
Một số người bày tỏ, họ lo sợ các loại vắc-xin mới phát triển có thể có những tác dụng phụ chưa được phát hiện ra, trong khi những người khác không phản đối vắc-xin nhưng phản đối việc bắt buộc họ sử dụng vắc-xin.
Giảng viên Matthew Owens đồng thời là một nhà tâm lý học nói với NTD: “Tôi đã tiêm chủng đầy đủ. Các con tôi cũng vậy. Tuy nhiên, việc tiêm chủng bằng cách ép buộc – [thông qua] hộ chiếu vắc-xin – đang chà đạp lên nhân quyền của chúng ta.”
Ông nhận định, mọi người “có thể không đồng ý về mọi thứ, [nhưng] đó là quyền dân chủ của họ để thực hiện quyền tự do ngôn luận.”
Ông nói thêm: “Và tôi sẽ đi theo con đường của Lord Sumption (cựu thẩm phán Tòa án Tối cao Anh, người chỉ trích các biện pháp phong tỏa và hạn chế của chính phủ Anh trong đại dịch Covid-19). Tốt hơn là tranh luận về chúng thay vì ngăn chặn mọi người.”
Một số người biểu tình cũng khẳng định với NTD, họ lo lắng hệ thống hộ chiếu vắc-xin sẽ làm suy yếu quyền tự do của người dân và trở thành một thứ gợi nhớ đến hệ thống “tín nhiệm xã hội” ở Trung Quốc cộng sản.
Sau khi ban đầu bác bỏ việc áp dụng hộ chiếu vắc-xin, chính phủ Anh đã bắt đầu xem xét ý tưởng này vào cuối tháng 2 và đã thử nghiệm Chứng nhận Tình trạng Covid vào tháng trước.
Hôm 11/5, Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố chính phủ Anh sẽ “thông tin nhiều hơn vào cuối tháng này về việc thế giới sẽ như thế nào và vai trò của hộ chiếu vắc-xin (nếu có) đối với việc chứng nhận và cách ly xã hội.”
Chỉ sau 6 giờ tối, một nhóm nhỏ người tụ tập bên ngoài trung tâm mua sắm Westfield ở London, hô vang “xấu hổ về các vị” trước các nhân viên cảnh sát ngăn chặn lối vào. Họ đã tìm thấy một lối vào khác ngay sau đó và chiếm giữ trung tâm mua sắm trong khoảng 20 phút trước khi bị cảnh sát đưa ra ngoài.
Không có vụ bắt giữ nào được thực hiện nhưng cảnh sát Metropolitan cho biết một số ít nhân viên cảnh sát bị tấn công và một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Cảnh sát trưởng Roy Smith nhấn mạnh trong một thông báo: “Một nhóm nhỏ ‘ly khai’ đã vào Trung tâm Mua sắm Westfield. Những nhân viên cảnh sát Met [Metropolitan] đã phản ứng mạnh mẽ và chuyên nghiệp để ngăn chặn số lượng lớn hơn tiến vào trung tâm mua sắm, đồng thời nhanh chóng loại bỏ những người biểu tình đang ở bên trong. Chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các nhân viên an ninh tại trung tâm mua sắm để họ có thể vẫn mở cửa một cách an toàn.”
Ông cho biết thêm: “Một số ít nhân viên cảnh sát bị hành hung bên ngoài trung tâm mua sắm. Một cuộc điều tra toàn diện đang được tiến hành, bao gồm việc xem xét kỹ lưỡng đoạn phim của CCTV để xác định bất kỳ ai đã tạm tội hình sự.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Phong tỏa London Hộ chiếu vắc-xin phản đối lệnh phong tỏa Biểu tình tại London