Một nhóm các nhà lập pháp lưỡng đảng của Hạ viện Hoa Kỳ đã đưa ra một dự luật mới nhằm chống lại các hoạt động xấu xa của ĐCS Trung Quốc tại Châu Phi.

du luat luong dang cua ha vien my nham chong lai dau tu cua trung quoc vao chau phi
Dân biểu Young Kim (thuộc Đảng Cộng hòa- bang California) trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh thường niên Concordia ở New York vào ngày 18/9/2023. (Richard Moore/The Epoch Times)

Các đại diện gồm: bà Young Kim (Đảng Cộng hòa-California) và ông Colin Allred (thuộc Đảng Dân chủ- bang Texas), cả hai đều là thành viên Tiểu ban phụ trách châu Phi của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho biết các hoạt động của Trung Quốc tại châu Phi, đặc biệt là các hoạt động theo chương trình đầu tư nước ngoài của Bắc Kinh, Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) (còn được gọi là Một vành đai, Một con đường) đã gây ra những tác động có hại đến môi trường, sinh thái và sức khỏe cộng đồng của châu lục này, theo thông cáo báo chí được ban hành vào ngày 5/8.

“Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ép buộc các quốc gia đang phát triển rơi vào bẫy nợ của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình nhưng cũng khiến các nhóm dân số dễ bị tổn thương phải chịu những rủi ro có hại về sinh thái, môi trường và sức khỏe cộng đồng”, bà Kim cho biết trong một tuyên bố, ám chỉ đến từ viết tắt tên chính thức của ĐCS Trung Quốc, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Bà nói: “Chúng ta không thể cho phép Tập Cận Bình mở rộng quyền lực toàn cầu và vi phạm luật lao động và môi trường quốc tế trong quá trình này”.

Được  ĐCS Trung Quốc công bố vào năm 2013, BRI tìm cách xây dựng mạng lưới thương mại trên bộ và trên biển tập trung vào Bắc Kinh bằng cách tài trợ cho các dự án cơ sở hạ tầng trên khắp Đông Nam Á, Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ Latinh. Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, nhiều quốc gia Châu Phi là những nước tham gia BRI, bao gồm: Nam Phi, Gambia, Uganda, Senegal, Ghana, Mozambique, Cộng hòa Dân chủ Congo và Ethiopia.

Dự luật, Đạo luật Ngăn chặn Khai thác và Suy thoái Môi trường của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (SPEED), ( HR 9265 ), sẽ thiết lập rằng chính sách của Hoa Kỳ là phản đối các hành động của các thực thể có liên hệ với Trung Quốc không tuân thủ luật pháp của quốc gia sở tại, luật bảo vệ môi trường quốc tế và luật lao động trong quá trình khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Châu Phi.

Bà Kim cho biết: “Tôi tự hào được lãnh đạo Đạo luật SPEED để phản đối Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường và buộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa phải chịu trách nhiệm về các hoạt động khai thác, cố ý làm suy thoái môi trường và đe dọa đến sinh kế của cộng đồng châu Phi”.

Nếu được ban hành, luật này cũng sẽ yêu cầu bộ trưởng ngoại giao và giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đệ trình lên Quốc hội một chiến lược về cách Hoa Kỳ sẽ hợp tác với các nước châu Phi để “xây dựng các chiến lược giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường” do các công ty Trung Quốc gây ra, theo diễn giải của dự luật.

Ngoài ra, luật này sẽ trao quyền cho tổng thống áp dụng lệnh trừng phạt đối với các thực thể có liên hệ với Trung Quốc chịu trách nhiệm về các sự cố bất lợi về môi trường, sinh thái hoặc sức khỏe cộng đồng ở Châu Phi.

Ông Allred cho biết trong một tuyên bố: “Chúng ta không thể cho phép Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các công ty liên kết với Trung Quốc tiếp tục bóc lột các quốc gia châu Phi vì họ khiến người dân của mình phải chịu những rủi ro có hại về sinh thái và sức khỏe cộng đồng”.

Dự luật này đã tham chiếu đến một báo cáo của Bộ Ngoại giao có tiêu đề “Những vi phạm môi trường của Trung Quốc” được công bố trong thời chính quyền Trump. Báo cáo này gọi các dự án BRI là “không xanh”.

Báo cáo viết: “Trong những năm gần đây, các dự án do Trung Quốc hậu thuẫn ở một số châu lục đã  khiến người dân địa phương phải di dời, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng nước, gây ô nhiễm đất liền và làm hỏng các hệ sinh thái mong manh”.

“Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Sustainability cho rằng các dự án BRI có thể dẫn đến ‘suy thoái môi trường vĩnh viễn’ do tác hại đến môi trường thông qua ô nhiễm, phá huỷ môi trường sống và giết chết động vật hoang dã, cùng nhiều tác hại khác.”

Dự luật này cũng ghi nhận các sự cố bất lợi về môi trường, sinh thái và sức khỏe cộng đồng ở Ethiopia, Gambia, Ghana và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Vào năm 2021, các cộng đồng địa phương ở Congo đã cáo buộc một công ty khai thác mỏ của Trung Quốc gây ô nhiễm Sông Aruwimi, một nhánh của Sông Congo. “Người dân địa phương báo cáo rằng nước bị đổi màu do chất thải. Sự cố này đã gây ra sự gia tăng bệnh tật và cá chết bắt đầu trôi nổi trên sông, người dân địa phương đã ăn số cá chết này”, dự luật viết.

Theo dự luật, tại Gambia, các nhà máy chế biến bột cá do các nhà đầu tư Trung Quốc sở hữu một phần hoặc toàn bộ đã bị cáo buộc thực hiện các hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và không báo cáo, đồng thời xả chất thải chưa qua xử lý vào nguồn nước kể từ năm 2016.

Một nhà máy khí đốt tự nhiên của Trung Quốc tại khu vực Somalia của Ethiopia đã bị cáo buộc đầu độc nguồn nước uống bằng chất thải hóa học nguy hại, được cho là đã gây ra hơn 2.000 ca tử vong, theo dự luật.

Bảo Minh biên dịch