Lý do Mỹ không chuyển máy bay phản lực của Ba Lan đến Ukraine
Một quan chức Mỹ cho biết vào ngày 9/3, Hoa Kỳ sẽ bác bỏ đề nghị của Ba Lan về việc nhận máy bay chiến đấu từ đồng minh và chuyển chúng cho Ukraine vì lo ngại các quan chức Nga sẽ coi động thái này là “leo thang”.
Máy bay chiến đấu MiG 29 (Ảnh minh họa: Getty Images)
Ông John Kirby, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Cộng đồng tình báo đã đánh giá việc chuyển giao các máy bay MiG-29 cho Ukraine có thể bị nhầm là hành động leo thang và có thể dẫn đến phản ứng đáng kể của Nga, điều này có khả năng làm gia tăng viễn cảnh leo thang quân sự với NATO.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đồng tình với nhận định trên. Quân đội Mỹ đánh giá việc chuyển giao máy bay chiến đấu của Ba Lan là “rủi ro cao” và sẽ không thực hiện, ít nhất là vào lúc này.
Trước đó Ba Lan đề xuất sẽ chuyển các máy bay phản lực cho Hoa Kỳ để đưa đến Ukraine. Chính phủ Ba Lan cũng kêu gọi đồng minh NATO gửi máy bay phản lực đến các căn cứ của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên các quan chức Hoa Kỳ đã nhanh chóng từ chối đề xuất này, mặc dù đến ngày 9/3 họ mới tiết lộ kết quả đánh giá tình báo mà mình tìm được.
Ông Kirby cũng đồng ý rằng quyết định này là vì lợi ích tốt nhất cho Ukraine. Theo ông, Ukraine sẽ có lợi hơn trong cuộc xung đột với Nga khi nhận được các loại vũ khí chống giáp và phòng không.
Các quan chức Mỹ cho biết, mặc dù lực lượng không quân Nga có năng lực lớn, tuy nhiên các cuộc tấn công trên không đã vấp phải sự kháng cự cả trên không và trên mặt đất.
Theo ông Kirby, không quân Ukraine được cho là đã có một số phi đội trang bị đủ năng lực, và phía Mỹ cũng nhận định rằng: “Việc trang bị cho họ nhiều hơn không có khả năng tạo ra tác động lớn.”
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin đã chuyển quan điểm này đến Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak trong một cuộc gọi, và cũng trao đổi với một quan chức hàng đầu của Ukraine về những vấn đề tương tự.
Quan điểm công khai của phía Ukraine là việc trang bị máy bay chiến đấu sẽ giúp ích rất nhiều trong cuộc chiến chống lại Nga.
“Chúng tôi hoàn toàn nhận thấy như vậy”, ông Vadym Prystaiko, đại sứ Ukraine tại Vương quốc Anh, trả lời tờ Sky News vào ngày 9/3 khi được hỏi liệu máy bay phản lực có mang lại cho Ukraine lợi thế mà nước này cần hay không.
Ukraine thích các máy bay phản lực đời cũ hơn vì phi công của họ đã được đào tạo để làm việc với chúng.
Cùng lúc đó, Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi trả lời với các phóng viên ở Washington rằng bà đã được Tổng thống Ukraina Volodymr Zelensky yêu cầu giúp đỡ về việc nhận máy bay.
Các ý kiến trên được đưa ra vài giờ sau khi ông Mateusz Morawiecki, Thủ tướng Ba Lan, cho biết Ba Lan sẽ chỉ cung cấp máy bay phản lực trực tiếp cho Ukraine nếu tất cả các thành viên NATO đồng ý, vì phía Nga đã đe dọa những nước có động thái như vậy.
Tuần này, Bộ Quốc phòng Nga cảnh báo rằng các nước cung cấp sân bay cho Ukraine để tấn công Nga có thể bị coi là đã tham gia vào cuộc xung đột.
Bà Nuland cho biết vấn đề chính là đánh giá nhu cầu trước mắt của Ba Lan là gì khi nước này tiếp giáp với cuộc xung đột.
“Ba Lan, họ được hưởng lợi từ an ninh hàng không đầy đủ từ liên minh NATO. … Vấn đề chính là đánh giá nhu cầu trước mắt của Ba Lan là gì trong bối cảnh là nước láng giềng của cuộc xung đột này,” bà nói.
Trong một động thái khác, quân đội Mỹ tuyên bố sẽ bố trí hai khẩu đội tên lửa Patriot tới Ba Lan để chủ động “chống lại bất kỳ mối đe dọa tiềm tàng nào đối với lực lượng Hoa Kỳ và đồng minh cũng như lãnh thổ NATO.”
Từ khóa Dòng sự kiện Nga xâm lược Ukraine máy bay MIG-29 viện trợ vũ khí cho Ukraine