Mỹ hoan nghênh đàm phán kinh tế với Việt Nam sau chuyến thăm Hà Nội của ông Putin
- Vy An
- •
Hôm thứ Ba (25/6), vài ngày sau khi Hà Nội tiếp đón Tổng thống Nga Vladimir Putin, Hoa Kỳ đã lên tiếng hoan nghênh Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đến đàm phán về các vấn đề tăng cường hợp tác kinh tế cũng như khẳng định mối quan hệ giữa hai nước đang bền chặt hơn bao giờ hết.
Theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, cuộc đối thoại tuần này sẽ đề cập đến các vấn đề như an ninh kinh tế, công nghiệp bán dẫn, môi trường đầu tư, nền kinh tế số, không gian mạng, năng lượng và các khoáng sản quan trọng. Năm ngoái, Washington cũng đã nâng cấp quan hệ Mỹ-Việt lên tầm “đối tác chiến lược toàn diện”.
Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tuần trước đã dấy lên sự chỉ trích gay gắt từ phía Hoa Kỳ. Washington sau đó tuyên bố sẽ tiếp tục tập trung vào việc thắt chặt thêm mối quan hệ với Việt Nam trong bối cảnh Mỹ đang nỗ lực chống lại sự cạnh tranh từ Trung Quốc.
Trước ngày 26/7, Hoa Kỳ sẽ quyết định về việc có nâng Việt Nam lên vị thế của nền kinh tế thị trường hay không. Quyết định này có thể giúp giảm thuế chống bán phá giá đối với hàng nhập khẩu của Việt Nam, vốn là chính sách trừng phạt của Mỹ trước tình trạng nền kinh tế phi thị trường chịu ảnh hưởng nặng nề của nhà nước Việt Nam.
Thứ trưởng Hoa Kỳ phụ trách về Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, ông Jose Fernandez, cho biết: “Chúng tôi tin rằng mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ vẫn bền chặt hơn bao giờ hết”.
Ông Fernandez cho hay giá trị thương mại Mỹ-Việt hiện tại đạt 124 tỷ USD, đưa Việt Nam trở thành đối tác lớn thứ 9 của Mỹ về thương mại hàng hóa.
Đề cập với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Nguyễn Chí Dũng, ông Fernandez nói rằng doanh nghiệp Hoa Kỳ “rất hào hứng” về Việt Nam, tuy nhiên cho biết thêm: “Chúng tôi phải lưu ý rằng mặc dù các nhà đầu tư đang lạc quan về Việt Nam nhưng chúng tôi muốn đảm bảo họ có một môi trường pháp lý và có khả năng ra quyết định… họ cần tiếp tục mở rộng hoạt động tại đất nước của các bạn.”
Hồi tháng Một, ông Fernandez phát biểu tại Việt Nam rằng có 15 công ty Hoa Kỳ, bao gồm cả các công ty bán dẫn, đã bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư 8 tỷ USD vào Việt Nam về cơ sở hạ tầng năng lượng sạch, điều này tùy thuộc vào sự tiến bộ trong các quy định về năng lượng tái tạo của Việt Nam.
Việt Nam muốn thu hút các nhà sản xuất chip và thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo, tuy nhiên lại gặp khó khăn trong việc áp dụng các quy định cho phép mở rộng ngành công nghiệp năng lượng mặt trời và gió trên đất liền cũng như phát triển các trang trại gió ngoài biển.
Hôm thứ Hai (24/6), Hoa Kỳ đã tăng thứ hạng của Việt Nam trong báo cáo về nạn buôn người với những lo ngại rằng Việt Nam đã không tiến hành điều tra các quan chức chính phủ đồng lõa với tội phạm buôn người.
Phía Việt Nam cảnh báo rằng việc Mỹ vẫn duy trì xếp Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường sẽ rất không có lợi cho quan hệ song phương giữa hai nước.
Các nhà sản xuất thép, những người nuôi tôm ở Bờ Vịnh và các chủ trại mật ong tại Hoa Kỳ phản đối việc thăng hạng vị thế kinh tế của Việt Nam, tuy nhiên các nhà bán lẻ và một số nhóm kinh doanh khác ở Mỹ lại ủng hộ.
Từ khóa Dòng sự kiện quan hệ Mỹ - Việt Nam đàm phán kinh tế Mỹ - Việt