Mỹ: TQ đang chuyển hướng sự chú ý khỏi những việc làm sai trái ở Hồng Kông
- Ngân Hà
- •
Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Trung Quốc đang âm mưu chuyển sự chú ý khỏi các hành vi xấu xa của họ tại Hồng Kông bằng cách cáo buộc Mỹ can thiệp vào công việc của thành phố. Tuyên bố đưa ra sau khi Trung Quốc công bố danh sách những người phải chịu trách nhiệm với điều mà họ gọi là “can thiệp.”
Trong một bài đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Sáu tuần trước, Bắc Kinh đã liệt kê chi tiết danh sách hơn 100 trường hợp cáo buộc Mỹ “can thiệp vào công việc của Hồng Kông” và “phá hoại sự thịnh vượng và ổn định” của thành phố. Bắc Kinh liên tục dùng nhiều tuyên bố để phản đối kịch liệt sự chỉ trích của các nước phương Tây trên nhiều vấn đề, bao gồm đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Hồng Kông.
“Chính sách của Mỹ đối với Hồng Kông là nhất quán và không dao động,” một người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Epoch Times.
Những tuyên bố và hoạt động của Mỹ đối với thuộc địa cũ của Anh nhằm “duy trì nền tự trị cho Hồng Kông được bảo đảm trong Tuyên bố Chung” và “thúc đẩy trách nhiệm giải trình đối với những người đang làm xói mòn quyền con người và quyền tự do mà người dân Hồng Kông từng được hưởng,” Bộ Ngoại giao cho biết trong một email ngày 24/9.
“Mỹ sẽ luôn ủng hộ các quyền tự do cơ bản và pháp quyền,” tuyên bố bổ sung thêm rằng đó là những quyền cơ bản được chế độ cam kết.
Bộ cho rằng việc đưa ra danh sách này chỉ đơn giản là một âm mưu của CHND Trung Hoa để chuyển sự chú ý khỏi sự điều hành tệ hại của họ ở Hồng Kông.
Bộ ngoại giao Trung Quốc đã chỉ trích phản ứng của Washington đối với Luật An ninh Quốc gia ở Hồng Kông và các biện pháp khác mà cơ quan luật pháp cộng sản bù nhìn áp đặt với trung tâm tài chính quốc tế kể từ đầu năm 2019.
Cảnh sát của thành phố đã bắt hơn 10.000 người liên quan tới các cuộc biểu tình vào giữa năm 2019 chống dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc Đại lục.
Không giống các thành phố Đại lục khác, Hồng Kông đã từng được hưởng nền dân chủ sau khi Anh chuyển giao quyền cai trị sang cho Trung Quốc cộng sản vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết cho phép thành phố duy trì các quyền tự do dân sự của họ 50 năm trong Tuyên bố chung Trung – Anh.
Trong những năm gần đây sau khi chế độ cộng sản thi hành một loạt biện pháp cai trị hà khắc, nền tự trị và dân chủ của thành phố đã bị giảm sút. Đặc biệt kể từ khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực, cảnh sát Hồng Kông đã bắt giam 100 nhà bất đồng chính kiến với tổng cộng hơn 60 cáo buộc, chủ yếu là chống lại các chính trị gia, nhà hoạt động, nhà báo và sinh viên theo khuynh hướng dân chủ.
Những cáo buộc của Bắc Kinh bao gồm việc cựu Tổng thống Donald Trump ký Đạo luật Tự trị Hồng Kông năm 2020, tới việc Tổng thống Joe Biden thể hiện sự ủng hộ đối với tờ báo ủng hộ Dân chủ Apple Daily.
Ông Trump đã ra lệnh chấm dứt tình trạng ưu đãi đặc biệt đối với Hồng Kông để trừng phạt việc Bắc Kinh đàn áp trung tâm tài chính khu vực.
ĐCSTQ cũng chỉ trích TT Biden vì gọi việc đóng cửa tờ Apple Daily là “một ngày đau buồn đối với tự do báo chí” và là một dấu hiệu của việc “tăng cường đàn áp của Bắc Kinh.”
Tờ Apple Daily thường xuyên chỉ trích chính quyền thành phố và ĐCSTQ đã bị đóng cửa hồi tháng Sáu, sau khi 500 cảnh sát đột kích các trụ sở và đóng băng những tài sản chính của họ. Nhà cầm quyền nói hàng chục bài báo của tờ báo có thể đã vi phạm Luật An ninh Quốc gia.
Người sáng lập Apple Daily, nhà tài phiệt Jimmy Lai, đang thụ án tù 20 tháng và đang chờ xét xử về ba tội danh liên quan đến an ninh quốc gia. Theo luật, ông Lai có thể đối mặt với án tù chung thân.
Đạo Luật với những từ ngữ mập mờ sẽ trừng phạt những lời nói hay hành động bị coi là ly khai, lật đổ, khủng bố và hoặc bị coi là cấu kết với các nhóm chính trị hoặc các cá nhân thù địch nước ngoài chống việc cai trị của nhà nước độc đảng Trung Quốc.
Các quan chức Mỹ khác có tên trong danh sách của Trung Quốc gồm Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, Bộ trưởng Ngoại giao thời đó Mike Pompeo và người kế nhiệm ông, Antony Blinken.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không giải thích vì sao danh sách được công bố lúc này, hoặc liệu họ có thi hành hành động trừng phạt những người được nêu tên trong danh sách hay không.
Người phát ngôn văn phòng cao ủy của Bộ tại Hồng Kông đã gọi chính sách và các hành động của Washington đối với Hồng Kông là “hồ sơ tội phạm” trong một tuyên bố khác hôm thứ Sáu.
Ngày 16/7, Washington đã đưa ra cảnh báo về điều kiện kinh doanh đang trở nên xấu đi tại thành phố sau khi Luật An ninh Quốc gia có hiệu lực. Một tuần sau, Washington áp đặt các biện pháp trừng phạt các quan chức Trung Quốc vì vai trò của họ trong việc bóp nghẹt nền dân chủ tại thành phố.
Để đáp trả, ĐCSTQ đã thông qua danh sách trừng phạt khác nhằm vào các cựu chính trị gia và các thể chế của Mỹ. Trung Quốc yêu cầu tất cả các cá nhân và công ty tại Đại lục tuân thủ lệnh trừng phạt mà chế độ cộng sản đưa ra trong Luật trừng phạt chống nước ngoài được thông qua hồi tháng 6.
Những người liên quan trong việc thực thi các biện pháp trừng phạt của nước ngoài chống chế độ có thể đối mặt với những hình phạt bao gồm từ chối thị thực, trục xuất, và đóng băng hoặc tịch thu tài sản.
Ngân Hà (theo Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Luật An ninh quốc gia Hồng Kông