Myanmar: Hơn 50 người biểu tình thiệt mạng; đình công lan rộng
- Xuân Lan
- •
Hôm thứ Hai, hàng loạt cửa hàng, nhà máy và ngân hàng đã ngừng hoạt động tại Yangon, thành phố lớn nhất của Myanmar, sau khi các tổ chức công đoàn kêu gọi đóng cửa nền kinh tế như một phần của việc phản kháng chống lại nhà cầm quyền quân sự của đất nước.
Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết quân đội đã bắn nhiều phát súng trên không tại một số địa điểm và tiến hành kiểm tra ô tô ở trung tâm Yangon để ngăn người biểu tình tụ tập.
Tuy nhiên, các đám đông biểu tình chống lại cuộc đảo chính vẫn tiếp tục tụ tập tại Yangon cũng như thành phố lớn thứ hai, Mandalay, và ở Monywa, một thị trấn ở phía tây, theo video đăng trên Facebook.
Những người biểu tình vẫy cờ làm từ htamain (xà rông của phụ nữ, còn gọi là longyi) ở một số nơi hoặc treo chúng lên các dây phơi trên đường phố để đánh dấu Ngày Quốc tế Phụ nữ trong khi phản đối chính quyền. Đi bộ dưới xà rông của phụ nữ theo truyền thống được coi là xui xẻo đối với nam giới. Người biểu tình tin rằng điều này có thể cầm chân cảnh sát và binh lính được một lúc.
Truyền thông nhà nước cho biết lực lượng an ninh đang duy trì sự hiện diện tại các bệnh viện và trường đại học như một phần của nỗ lực thực thi pháp luật.
Ít nhất 9 công đoàn bao gồm các lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp và sản xuất đã kêu gọi “tất cả người dân Myanmar” ngừng làm việc để phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 và yêu cầu khôi phục chính phủ được bầu của bà Aung San Suu Kyi.
Các công đoàn tuyên bố rằng nếu vẫn để hoạt động kinh doanh và kinh tế tiếp diễn, điều này sẽ có lợi cho quân đội. “Đã đến lúc phải hành động để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta.”
Các nhân chứng cho biết chỉ có một số quán trà nhỏ mở cửa ở Yangon. Các trung tâm mua sắm lớn đã đóng cửa và nhà máy thì ngừng hoạt động.
Nhà lãnh đạo biểu tình Maung Saungkha trên Facebook kêu gọi phụ nữ hãy mạnh mẽ phản đối cuộc đảo chính, trong khi Nay Chi, một trong những người tổ chức phong trào treo váy phụ nữ, mô tả những người phụ nữ là “nhà cách mạng”.
“Người dân của chúng tôi không có vũ khí nhưng rất khôn ngoan. Họ [quân đội] cố gắng cai trị chúng tôi bằng nỗi sợ hãi, nhưng chúng tôi sẽ chiến đấu với nỗi sợ hãi đó,” cô nói với Reuters.
Cảnh sát và quân đội đã nổ súng khiến hơn 50 người thiệt mạng để dập tắt các cuộc biểu tình và đình công hàng ngày kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra, theo số liệu từ Liên Hợp Quốc.
Trong khi đó, số liệu của nhóm vận động Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị cho thấy tính đến Chủ nhật, gần 1.800 người đã bị chính quyền quân đội giam giữ dưới.
Trong số những người chết, có một quan chức và là người quản lý chiến dịch cho đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi – ông Khin Maung Latt. Ông Khin đã chết trong khi bị cảnh sát giam giữ.
Ba Myo Thein, một nhà lập pháp bị phế truất, cho biết các báo cáo về vết những bầm tím trên đầu và cơ thể của ông Khin Maung Latt làm dấy lên nghi ngờ rằng ông đã bị “tra tấn nghiêm trọng”.
Quân đội cho biết họ đang đối phó với các cuộc biểu tình một cách hợp pháp. Trong một tuyên bố hôm thứ Hai, quân đội cho biết họ đã bắt giữ 41 người vào ngày hôm trước.
Một thông báo của quân đội đăng trên trang nhất của tờ báo Global New Light of Myanmar do nhà nước điều hành hôm 8/3 đã đe dọa sẽ có những “hành động” chống lại bất kỳ ai trực tiếp hoặc gián tiếp làm việc cho một ủy ban gồm các nhà lập pháp bị lật đổ. Ủy ban này đã tuyên bố mình là cơ quan hợp pháp của đất nước.
Thông báo cho biết ủy ban hoạt động bất hợp pháp và đã phạm tội “phản quốc” nghiêm trọng.
Hoa Kỳ và một số nước phương Tây khác đã áp đặt các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với quân đội Myanmar. Hôm Chủ nhật, Úc đã cắt đứt quan hệ quốc phòng với Myanmar, nói rằng họ sẽ chỉ làm việc với các nhóm phi chính phủ ở Myanmar.
Nước láng giềng khổng lồ của Myanmar là Trung Quốc hôm Chủ nhật cho biết họ đã sẵn sàng can dự với “tất cả các bên” để xoa dịu cuộc khủng hoảng và không đứng về bên nào.
Xuân Lan (theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện đảo chính ở Myanmar biểu tình ở Myanmar đình công ở Myanmar