Myanmar: Mâu thuẫn tôn giáo bùng phát, hàng ngàn người trốn chạy sang Bangladesh
- Yên Sơn
- •
Bạo lực đẫm máu xảy ra tại tỉnh Rakhine, Myanmar trong hai ngày thứ Sáu (25/8) và thứ Bảy (26/8) giữa cảnh sát và người Rohingya, hàng ngàn người thiểu số Hồi giáo đang trốn chạy sang Bangladesh.
BBC cho hay cuộc xung đột mang tính sắc tộc đã bùng nổ khi các chiến binh Rohingya tấn công vào 30 đồn cảnh sát tại tỉnh Rakhine vào hôm thứ Sáu (25/8) và các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra trong ngày thứ Bảy (26/8).
Người hồi giáo Rohingya đi bộ về phía biên giới Bangladesh sau khi xung đột sắc tộc bùng phát tại tỉnh Rakhine, Myanmar cuối tuần qua.
Trước mâu thuẫn sắc tộc leo thang, hàng ngàn người Rohingya đã gấp gáp trốn chạy sang Bangladesh. Họ cáo buộc chính quyền Myanmar đang bức hại tôn giáo.
BBC cho hay những người hồi giáo Rohingya đã phải đối mặt với nhiều hạn chế hà khắc trong cộng đồng đa số theo Phật giáo tại Myanmar. Mâu thuẫn sắc tộc tại tỉnh Rakhine đã âm ỉ trong nhiều năm qua.
Rakhine, là vùng nghèo nhất tại Myanmar. Tại đây có hơn 1 triệu người hồi giáo Rohingya sinh sống. Giới chức Myanmar cáo buộc cộng đồng này theo hồi giáo cực đoan và đấu tranh với chính quyền bằng vũ lực. Trong khi, người Rohingya cho rằng họ bị phân biệt đối xử và đàn áp tôn giáo.
Làn sóng người Rohingya tràn sang Bangladesh dịp cuối tuần qua đã bị cảnh sát biên giới của Bangladesh yêu cầu trở về nước.
BBC, dẫn lời cảnh sát Bangladesh, cho biết họ đã cưỡng chế hơn 70 người Rohingya trở lại Myanmar hôm thứ Bảy (26/8) sau khi phát hiện những người này đã vượt qua vùng biên giới Ghumdhum, cố gắng tới một trại tị nạn ở vùng biên.
Một cảnh sát nói: “Họ đã cầu xin chúng tôi đừng đưa họ trở lại Myanmar”.
Theo hãng tin AFP, tính từ thứ Sáu (25/8), đã có khoảng 3.000 người Rohingya vượt biên sang Bangladesh thành công. Họ được bố trí nơi ở tạm thời trong trại tị nạn và các ngôi làng gần biên giới.
Một vài người đào thoát đã kể lại với phóng viên BBC những câu chuyện kinh hoàng mà họ đã phải đối mặt ở Rakhine.
Cụ ông Mohammad Zafar, 70 tuổi nói về việc các tín đồ Phật giáo có trang bị vũ khí đã bắn chết hai người con trai của ông tại một cánh đồng. “Họ đã nã đạn ở cự ly rất gần, khiến giờ tôi không thể nghe được bất cứ điều gì. Họ đã đánh đuổi chúng tôi tới vùng biên giới”.
Ông Amir Hossain, 61 tuổi, người đã trốn chạy thành công tới làng Ghumdhum, nói với Reuters rằng: “Xin hãy cứu chúng tôi. Chúng tôi muốn ở đây nếu không chúng tôi sẽ bị giết chết”.
BBC cho biết thêm rằng giới chức Myanmar đã cho quân đội giúp khoảng 4.000 người dân không theo Hồi giáo sơ tán khỏi Rakhine. 6 người đã bị thiệt mạng do đi lạc vào một khu vực xảy ra xung đột.
Giáo hoàng Francis đã có phản ứng ban đầu về mâu thuẫn tôn giáo đang bùng phát tại Myanmar. Giáo hoàng kêu gọi chấm dứt cuộc đàn áp người hồi giáo Rohingya.
Người đứng đầu tòa thánh Vatican cho hay: “Đã có những tin buồn về cuộc bức hại thiểu số Hồi giáo, những người anh em Rohingya của chúng ta. Tôi muốn bày tỏ mối thân tình hoàn toàn với họ. Hết thảy chúng ta hãy cầu xin Chúa cứu độ họ, và khơi dậy những người đàn ông và phụ nữ thiện chí giúp đỡ họ, để họ được hưởng đầy đủ nhân quyền”.
Theo BBC, cuộc bạo động cuối tuần qua là vụ bùng phát bạo lực lớn nhất tại Rakhine kể từ tháng 10/2016 khi 9 cảnh sát Myamar đã bị chết trong các cuộc tấn công tương tự của thường dân vào các trạm kiểm soát biên giới. Chính phủ Myanmar cáo buộc các chiến binh Hồi giáo Rohingya đã thực hiện các hành vi cực đoan này.
Sau đó, chính quyền đã thực hiện cuộc đàn áp quân sự đẫm máu. Ngoại giới cáo buộc việc giết người, hãm hiếp, tra tấn người Rohingya đã diễn ra phổ biến tại Rakhine khiến cộng đồng này phải tìm cách di cư sang Bangladesh.
Yên Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Myanmar Đào thoát Xung đột tôn giáo