Nga sẽ ngả về đâu trong “tam giác Mỹ -Trung – Nga”?
- Lạc Á, Thanh Nhi
- •
Sau hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin, Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình cũng đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Nga Putin. Những diễn biến đồng thời liên quan 3 nước đã thu hút chú ý của cộng đồng quốc tế, trong đó quan điểm phổ biến cho rằng mục đích của “cuộc gặp Biden – Putin” là do Mỹ muốn lôi kéo Nga cùng chống lại ĐCSTQ, còn “cuộc gặp Tập – Putin” là ĐCSTQ cố gắng lôi kéo Nga chống lại Mỹ.
Đối tác chiến lược Trung – Nga phủ trong không khí dè chừng
Chiều 28/6, ông Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc gặp trực tuyến với ông Putin. Sau cuộc gặp, hai bên đã ra tuyên bố chung thông báo gia hạn thêm 5 năm “Hiệp ước hợp tác hữu nghị láng giềng Trung-Nga”.
Lãnh đạo hai nước cũng tái khẳng định giá trị của quan hệ đối tác chiến lược; ra tuyên bố về sáng kiến “Vành đai và Con đường”, Liên minh Kinh tế Á-Âu của Nga, và Kênh Biển Bắc. Tuy nhiên, trong các lĩnh vực có lợi ích chung rộng rãi, hai bên không công khai chính sách mới quan trọng nào.
Hôm 30/6, tờ The Diplomat có công bố bài “Trung Quốc và Nga: Thiếu quan hệ đối tác chiến lược”, qua đó nhận định rằng việc Mỹ rút lui ở Afghanistan là mối quan tâm chung của Moscow và Bắc Kinh. Nhưng trong cuộc họp chung gần đây, hai bên đã không đưa ra tuyên bố chung về vấn đề Afghanistan, cho thấy khả năng có xung đột lợi ích cao về quan điểm giữa Trung Quốc và Nga trong vấn đề này. Bài viết nhận định, vị thế của Nga như một cường quốc hàng đầu ở Trung Á đã suy giảm đáng kể trong các sáng kiến tầm khu vực như vậy. Sau cuộc xung đột biên giới giữa quân đội Kyrgyzstan và Tajikistan trong vùng lãnh thổ chưa phân giới tại Osh (Kyrgyzstan), ĐCSTQ đã tiếp các ngoại trưởng của cả 6 nước Trung Á thảo luận về Afghanistan và các vấn đề phát triển kinh tế khu vực, nhưng không có ý gì cho thấy họ muốn có Nga trong cuộc. Còn Moscow thậm chí chưa bao giờ tổ chức cuộc họp 3 bên cấp nguyên thủ hoặc thúc đẩy những sáng kiến tương tự…
ĐCSTQ “rất hứng thú” bám theo động thái của Nga với các nước khác
Theo một báo cáo của các nhà nghiên cứu từ công ty an ninh mạng Check Point, các tin tặc Trung Quốc là một phần của chiến dịch gián điệp mạng liên tục nhắm vào các nước Trung Á, gần đây đã tấn công mạng nhằm xâm nhập vào mạng máy tính của Hội đồng An ninh Quốc gia Afghanistan. Cộng đồng an ninh mạng gọi nhóm hacker nói tiếng Trung Quốc bị tình nghi phát động cuộc tấn công mạng này là “IndigoZebra”.
Trong một báo cáo nghiên cứu năm 2017, hãng sản xuất và phân phối phần mềm bảo mật của Nga là Kaspersky Lab ở Moscow đã tuyên bố rằng IndigoZebra đang nhắm mục tiêu vào các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua “số lượng lớn phần mềm độc hại”. Một báo cáo khác của Kaspersky tuyên bố rằng các hoạt động mạng của ĐCSTQ trong khu vực cho thấy “ĐCSTQ rất quan tâm đến các chính sách và các cuộc đàm phán liên quan đến Nga và các quốc gia khác”.
Đài Tiếng nói nước Mỹ (VOA) đưa tin: “Vì Nga thúc đẩy hội đàm với một quốc gia khác nên nước này nhanh chóng trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng; đến nay chúng tôi đã quan sát thấy 3 cuộc tấn công mạng độc lập liên quan đến cuộc hội đàm, IndigoZebra là (nơi phát động tấn công) hàng đầu”, các chuyên gia của Kaspersky viết.
Có nhà bình luận chỉ ra nếu ĐCSTQ thực sự thoải mái với Nga, thì hai bên có thể giao tiếp thông qua các kênh ngoại giao, đâu cần phải dùng hacker tìm hiểu về chính sách của Nga với các nước Trung Á? Do đó quan hệ Trung-Nga không tốt đẹp như vẻ bề ngoài.
Chuyên gia: Rất khó để Trung Quốc và Nga thực sự tin tưởng nhau
Vào cuối tháng Năm, ông Putin nói rằng “quan hệ Nga-Trung đang ở thời kỳ tốt nhất và ở mức cao nhất trong lịch sử“. Vào ngày 19/5, ông Tập Cận Bình cũng nói rằng “hai nước sẽ thúc đẩy quan hệ song phương ở cấp độ cao hơn, trên phạm vi rộng hơn và ở cấp độ sâu hơn”. Người phát ngôn Triệu Lập Kiên của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ thì thậm chí còn tuyên bố rằng quan hệ Trung-Nga là “vững như đá”.
Thực tế có đúng như vậy?
Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nước ngoài, Cố vấn Quốc vụ viện ĐCSTQ là ông Thời Ân Hoằng (Shi Yinhong) thừa rằng Trung Quốc và Nga vốn “đồng sàng dị mộng”, giờ đây dưới áp lực của Mỹ khiến hai bên đều hy vọng sẽ tiến gần nhau hơn, hai bên cần nhau nhưng rất khó để toàn tâm toàn ý tin cậy nhau.
Chuyên gia này nhận định rằng quan hệ Trung-Nga về cơ bản giống như quan hệ hiện tại giữa ĐCSTQ và Triều Tiên (quan hệ Trung-Nga có thể tốt hơn một chút), mỗi bên đều vì có được lợi ích riêng, nhưng cũng phải trả cái giá của nó. Chẳng hạn có thể khiến ĐCSTQ vướng vào các cuộc xung đột cũng như đối đầu giữa Nga và phương Tây gây bất lợi cho lợi ích của ĐCSTQ.
Ví dụ, ông nói, “Vấn đề Venezuela có liên quan gì đến Trung Quốc không? Về cơ bản thì không liên quan, nhưng Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mất 50 tỷ đô la Mỹ (ám chỉ các khoản viện trợ và cho vay của ĐCSTQ đối với Venezuela), như vậy có đáng không?”
Chuyên gia này cũng cho rằng việc ĐCSTQ tham gia các cuộc tập trận quân sự do Nga tổ chức ở Biển Baltic “thực sự không học được gì, cũng không có nhiều tác dụng răn đe đối với phương Tây, trái lại còn gây phản ứng tồi tệ ở Đông Âu”.
Ông cho rằng nếu xảy ra xung đột quân sự giữa Trung Quốc và Mỹ thì Nga có thể đồng thời chỉ trích Trung Quốc và Mỹ cũng như các nước khác trên thế giới, sau đó tuyên bố thái độ trung lập, sẽ không bao giờ can dự vào xung đột Trung – Mỹ, như vậy sẽ có khu vực trung gian khổng lồ.
Chuyên gia giải thích mối quan hệ tam giác – Mỹ – Trung – Nga
Trả lời Epoch Times, chuyên gia Tô Tố Vân (Huang Wei-Che) phụ trách Viện Nghiên cứu Tài nguyên và Chiến lược Quốc phòng thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc phòng Quốc gia Đài Loan, chỉ ra khả năng cao nhất là Nga sẽ luôn giữ quan điểm trung lập. Sau khi ông Biden gặp oong Putin, có thể họ cũng có một số giao kèo ngầm, việc Putin sẵn sàng những hợp tác cùng Mỹ ở mức hạn chế này có thể nói là do chính ĐCSTQ gây ra.
Chuyên gia Đài Loan này cho rằng nếu định hướng chiến lược trong liên minh với Nga để kiềm chế Trung Quốc đang diễn ra âm thầm, thì cái gọi là trừng phạt kinh tế [của Mỹ] đối với Nga cuối cùng sẽ được nới lỏng có điều kiện, và điều này liên quan đến EU. Đặc biệt là sẽ mở cửa đối với vấn đề Đức nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga, sẽ trở thành chiến lược 3 bên [Mỹ – Đức – Nga] cùng có lợi, và như vậy có nghĩa Mỹ và Nga [góc độ nào đó] đã cùng gây bất lợi cho ĐCSTQ, làm giảm cơ hội hợp tác kinh tế của Nga với ĐCSTQ.
Một chuyên gia khác là Ông Minh Hiền (Wong Ming-Hsien) Chủ tịch Viện Chiến lược Đài Loan, cũng là Viện trưởng Viện Vấn đề Quốc tế tại Đại học Tamkang Đài Loan, cho rằng mối đe dọa lớn nhất đối với ĐCSTQ hiện nay đến từ Mỹ, còn Nga là kẻ thù thứ hai. Trong cảnh như vậy, có lẽ ĐCSTQ sẽ cân nhắc đoàn kết với kẻ thù thứ hai để tấn công kẻ thù thứ nhất là Mỹ. Ông cho rằng Nga có hai cân nhắc quan trọng: thứ nhất là quan hệ với các nước châu Âu, chẳng hạn như quan hệ với Ukraine và NATO, EU, cho nên phải xử lý tốt quan hệ với các nước thuộc EU. Miễn là không có xung đột với Mỹ trong quá trình này, sẽ có lợi cho sự ổn định của vị trí chiến lược của Nga ở châu Âu.
Mỹ lôi kéo Nga để tập trung đối phó ĐCSTQ
Vào thời điểm quan hệ Nga-Mỹ đang căng thẳng, ngày 16/6, Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin đã tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh tại Geneva. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa hai tổng thống sau khi ông Biden nhậm chức.
Tại hội nghị thượng đỉnh này họ đã đạt được hai thỏa thuận: một là hai bên khôi phục cử đại sứ thường trú; hai là về an ninh mạng. Ông Biden cũng “tuyên bố rõ ràng” với ông Putin rằng sẽ tiếp tục lên tiếng chống lại các hành vi vi phạm nhân quyền.
Trước đó, Nga bị cáo buộc đứng sau các vụ tấn công mạng nghiêm trọng. Trong cuộc gặp, ông Biden đã vạch lằn ranh đỏ cho Nga và liệt kê 16 cơ sở hạ tầng quan trọng “không được đụng vào”, chỉ ra rằng những cơ sở này không nên chịu bất kỳ cuộc tấn công mạng hoặc các cuộc tấn công nào khác.
Ông Biden “chia sẻ” cùng ông Putin rằng nước Mỹ có năng lực mạng internet hùng mạnh và sẽ đáp trả nếu Nga vi phạm “lằn ranh đỏ”. Có nhận định, trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Nga ở mức xấu nhất trong 30 năm qua, chuyện ông Biden vẫn tổ chức hội đàm trực tiếp cùng ông Putin cho thấy Mỹ hy vọng hòa giải với Nga để chuyên tâm ứng phó ĐCSTQ.
Vào tháng Năm năm nay, ông Biden quyết định từ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty vận hành đường ống dẫn khí đốt tự nhiên “Dòng chảy phương Bắc (Nord Stream) số 2” kết nối Nga-Đức. Giới quan sát cho rằng động thái của chính quyền Biden vừa củng cố liên minh với Đức và châu Âu, cũng mang lại lợi ích cho Nga, đây là một bước trong quá trình cải thiện quan hệ Mỹ-Nga vì mục tiêu chính ứng phó với mối đe dọa lớn nhất và trực tiếp nhất là ĐCSTQ.
Theo Lạc Á, Thanh Nhi, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Joe Biden Dòng sự kiện Quan hệ Mỹ - Trung - Nga Tập Cận Bình Vladimir Putin