Các dân biểu Hạ viện Mỹ kêu gọi 7 trường đại học Mỹ chấm dứt hợp tác với Quỹ Học bổng Du học Quốc gia Trung Quốc, cho rằng chương trình này là “cơ chế xấu xa” giúp chính quyền Trung Quốc đánh cắp công nghệ.

sinh vien Trung Quoc
Sinh viên Trung Quốc tại nước ngoài. (Ảnh: Sharkshock / Shutterstock)

Ngày 8/7, Ủy ban Đặc biệt về Cạnh tranh Chiến lược Mỹ – Trung của Hạ viện đã gửi thư cho Đại học Dartmouth, Đại học Notre Dame và 5 trường đại học khác, bày tỏ quan ngại về việc các trường này hợp tác với Quỹ Học bổng Du học Quốc gia Trung Quốc (CSC), một chương trình do chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tài trợ cho sinh viên du học nước ngoài.

Theo chương trình này, mỗi năm có hàng trăm nghiên cứu sinh Trung Quốc theo học tại các trường đại học Mỹ và phải cam kết quay về Trung Quốc làm việc ít nhất 2 năm sau khi tốt nghiệp.

Trong thư ngày 8/7, các dân biểu Đảng Cộng hòa cảnh báo rằng chương trình này là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban, Dân biểu Đảng Cộng hòa John Moolenaar nói CSC tự xưng là một chương trình học bổng chung giữa các tổ chức giáo dục của Mỹ và Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, đây là một hoạt động chuyển giao công nghệ ĐCSTQ kiểm soát, lợi dụng các tổ chức của Mỹ trực tiếp hỗ trợ sự phát triển quân sự và khoa học của Trung Quốc.

Ngoài Đại học Dartmouth và Notre Dame, thư cũng được gửi đến Đại học Temple, Đại học Tennessee và các cơ sở của Đại học California tại Davis, Irvine và Riverside. Ủy ban cho biết họ đang điều tra và đánh giá mức độ “thâm nhập” của CSC vào các trường đại học Mỹ và yêu cầu các trường cung cấp hồ sơ liên quan đến chương trình này.

Thư cũng nêu rõ quy mô hợp tác, như mỗi năm Đại học Dartmouth tiếp nhận tối đa 15 nghiên cứu sinh Trung Quốc, Temple là 60 người và Notre Dame là 40 người. Một số trường còn chia sẻ chi phí, ví dụ Dartmouth chi trả 50% học phí và cấp học bổng cho nghiên cứu sinh Trung Quốc.

Các nghị sĩ cũng yêu cầu trường học cung cấp tài liệu chứng minh những người nhận học bổng có tham gia các dự án nghiên cứu do Chính phủ Mỹ tài trợ hay không.

Vì lo ngại an ninh quốc gia, Mỹ đã siết chặt kiểm tra lý lịch sinh viên Trung Quốc. Hồi tháng Năm, Ngoại trưởng Marco Rubio cho biết Mỹ sẽ thu hồi visa của một số sinh viên Trung Quốc học trong các lĩnh vực then chốt.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Trump cũng từng hạn chế cấp visa cho sinh viên liên quan đến “chiến lược quân-dân kết hợp” của ĐCSTQ.

Nhiều trường đại học Mỹ thừa nhận cần tăng cường bảo vệ an ninh nghiên cứu, nhưng cảnh báo không nên đối xử thù địch hoặc nghi ngờ tất cả học giả Trung Quốc, nhấn mạnh rằng chỉ một số ít người tham gia hoạt động gián điệp.

Trung Quốc là nguồn sinh viên quốc tế lớn thứ hai của Mỹ, sau Ấn Độ. Năm học 2023-2024, có hơn 270.000 sinh viên Trung Quốc du học Mỹ, chiếm khoảng 1/4 tổng số sinh viên quốc tế tại Mỹ.

Năm ngoái, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa công bố một báo cáo phát hiện, hàng trăm triệu USD quỹ liên bang của Mỹ đã vô tình hỗ trợ nghiên cứu cho Trung Quốc trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ chip và vũ khí hạt nhân.

Báo cáo gọi các chương trình hợp tác học thuật của Trung Quốc là “con ngựa thành Troy chuyển giao công nghệ”, giúp Bắc Kinh ngấm ngầm đánh cắp công nghệ tiên tiến của Mỹ.

Tháng 5/2020, chính quyền Trump đã ban hành Sắc lệnh hành pháp số 10043, cấm sinh viên và học giả Trung Quốc có thị thực F (thị thực sinh viên) và thị thực J (thị thực học giả thăm thân) liên quan đến quân đội của ĐCSTQ được nhập cảnh vào Hoa Kỳ.

Thông cáo Tổng thống nói: “Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động rộng lớn sử dụng nhiều nguồn lực để có được công nghệ nhạy cảm và sở hữu trí tuệ của Mỹ, một phần là để tăng cường hiện đại hóa và năng lực quân đội của mình. Điều này là một sự đe dọa đối với sức sống lâu dài của kinh tế quốc gia chúng ta cũng như sự an toàn và đảm bảo của người Mỹ.” 

Tất cả những sinh viên hoặc nghiên cứu viên Trung Quốc hiện tại có mối liên hệ hoặc từng có mối liên hệ với quân đội ĐCSTQ, rất có khả năng bị chính quyền ĐCSTQ lợi dụng hoặc tuyển chọn, điều này khiến cho Chính phủ Hoa Kỳ đặc biệt chú ý.

Thông cáo nói: “Xét tình huống nói trên, tôi cho rằng những công dân Trung Quốc nào đó muốn thông qua visa F hoặc J để vào Hoa Kỳ học tập hoặc tiến hành nghiên cứu tại Hoa Kỳ, sẽ tạo thành tổn hại cho lợi ích của Hoa Kỳ.”

Bình Minh (t/h)