Ngoại trưởng của chính quyền Biden vạch ra chiến lược đối ngoại Mỹ
- Như Ngọc
- •
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm thứ Tư (3/3, giờ Mỹ) đã vạch ra cách thức chính quyền Joe Biden sẽ tiếp cận trong lĩnh vực đối ngoại, trong đó có việc đưa Mỹ quay trở lại các thỏa thuận quốc tế sau khi chính quyền Trump đã nhấn mạnh vào chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ với phương châm “nước Mỹ trên hết”.
Trong bài phát biểu tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 3/3, ông Blinken đã nói rằng chính phủ do Đảng dân chủ lãnh đạo sẽ “làm mới lại sức mạnh của Mỹ để đáp ứng các thách thức và nắm bắt các cơ hội của thời đại chúng ta” thông qua hợp tác với các quốc gia khác trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, đặc biệt về tiêm chủng cho người dân và đàm phán các thỏa thuận quốc tế như hiệp định với Iran đã được ký kết dưới thời chính quyền Obama.
“Sự lãnh đạo và can dự của Mỹ là quan trọng. Bây giờ chúng ta đang lắng nghe điều này từ bạn bè của ta. Họ vui mừng khi chúng ta quay trở lại. Dù chúng ta có thích hay không, thế giới này cũng không thể tự tổ chức. Khi Hoa Kỳ rút lui, một trong hai điều có thể xảy ra. Hoặc là một nước khác sẽ cố gắng tiếp quản vị trí đó, nhưng không làm theo cách thúc đẩy lợi ích và giá trị của chúng ta, hoặc có lẽ là tồi tệ khi không có nước nào bước ra và sau đó chúng ta sẽ gặp hỗn loạn và tất cả nguy hiểm sẽ tới. Dù điều gì trong hai hướng đó xảy ra, đó cũng không phải là tốt cho nước Mỹ”, ông Blink nói.
Từ khi lên cầm quyền hôm 20/1, Tổng thống Joe Biden đã loan báo rằng Hoa Kỳ sẽ tái gia nhập hoặc xúc tiến tái gia nhập hiệp định với Iran, hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, và Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, cùng nhiều thỏa thuận và tổ chức quốc tế khác. Cựu Tổng thống Donald Trump đã rút nước Mỹ khỏi các hiệp định, tổ chức đa phương với lập luận rằng các thể chế đa phương này đã đang không hành động theo đúng tôn chỉ mục đích đề ra.
Ông Blinken nói thêm rằng mặc dù chính quyền Biden sẽ “lãnh đạo bằng ngoại giao”, nhưng khả năng đàm phán hiệu quả “phụ thuộc không nhỏ vào sức mạnh quân sự của chúng ta”. Gần một tuần trước, Mỹ đã không kích vào nhóm phiến quân do Iran hậu thuẫn tại Syria để đáp trả căn cứ tại Iraq có quân Mỹ đồn trú bị tấn công.
Ông Blinken nhấn mạnh rằng chính quyền Biden sẽ tập trung chính vào việc làm sống lại các mối quan hệ với các đồng minh.
Trong một tuyên bố lặp lại tầm nhìn ngoại giao của chính quyền Trump, ông Blinken đã gọi Trung Quốc là “thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21”.
>>Blinken: Mối quan hệ Mỹ – Trung là “thử thách địa chính trị lớn nhất thế kỷ 21”
Ông Blinken cũng nói rằng biên giới quốc gia mạnh là “nền tảng cho an ninh quốc gia của chúng ta”, nhưng ông lập luận rằng sẽ phải có “một giải pháp hợp lệ rõ ràng” đối với làn sóng di cư đến biên giới Mỹ mỗi năm.
“Chúng ta cần giải quyết các nguyên nhân gốc rễ khiến nhiều người phải trốn chạy khỏi quê hương của họ và vì vậy chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các quốc gia khác, đặc biệt là các nước láng giềng của chúng ta tại Trung Mỹ để giúp họ đem lại an toàn cá nhân và cơ hội kinh tế tốt hơn, từ đó người dân không cảm thấy di cư là cách duy nhất để vươn lên”, ông Blinken nói.
Trong bài phát biểu hôm 3/3, ông Blinken cũng nói rằng một số quan chức trong chính phủ Mỹ đã mắc sai lầm khi tin tưởng các thỏa thuận tự do thương mại sẽ đem lại lợi ích to lớn cho người dân Mỹ. Ông cam kết thời gian này sẽ “đấu tranh cho tất cả việc làm Mỹ và cho quyền lợi, sự bảo vệ và lợi ích của tất cả công nhân Mỹ”, bao gồm việc sử dụng “mọi công cụ để ngăn chặn các nước khác đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta hoặc thao túng đồng tiền của họ nhằm giành lấy lợi thế không công bằng”.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh rằng chính quyền Biden sẽ “thúc đẩy cuộc cách mạng năng lượng xanh” nhằm nỗ lực “giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu”. Ông cũng đổ lỗi cho biến đổi khí hậu đã gây ra cháy rừng tại tiểu bang California và lũ lụt tại các tiểu bang miền Trung Tây.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa chính sách đối ngoại Antony Blinken chính quyền Biden