Nhiều hãng dược phẩm tuyên bố cập nhật vắc-xin COVID-19 chống lại biến thể “siêu đột biến”
- Phan Anh
- •
Các hãng dược phẩm lớn mới đây đã tuyên bố sẽ nhanh chóng đưa ra cập nhật về vắc-xin COVID-19 nhằm chống lại biến thể mới “siêu đột biến” Omicron. Chủng này được phát hiện lần đầu tại Nam Phi, chứa đến 32 đột biến (gấp đôi Delta) và có khả năng làm giảm hiệu quả của vắc-xin cũng như gây bùng phát các làn sóng dịch bệnh bằng cách lẩn tránh hệ miễn dịch của cơ thể, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phân loại vào nhóm “đáng lo ngại”.
Cụ thể, hãng Pfizer cho biết có thể điều chỉnh vắc-xin của mình trong vòng 6 tuần nếu cần thiết và sẽ cho ra sản phẩm trong vòng 100 ngày nếu cần. Công ty BioNTech (đối tác đến từ Đức của Pfizer) thông báo sẽ có dữ liệu phòng thí nghiệm để xác minh xem biến thể Omicron “siêu đột biến” có thực sự là chủng có khả năng lẩn tránh vắc-xin hay không trong vòng 2 tuần nữa.
Hãng Moderna có thể bắt đầu thử nghiệm lâm sàng để xem vắc-xin hiệu quả tới đâu với biến thể Omicron trong vòng 60 ngày. “Ngay từ đầu, chúng tôi đã nói rằng khi tìm cách đánh bại đại dịch, điều buộc phải làm là chủ động khi virus phát triển”, ông Stéphane Bancel, CEO Moderna, cho biết, đồng thời nói thêm rằng công ty hiện đang gấp rút tiến hành ứng phó với chủng này.
Hãng Johnson & Johnson cũng cho biết sẽ thử nghiệm hiệu quả vắc-xin của mình với loại biến thể mới.
Hãng AstraZeneca đang tiến hành nghiên cứu tại Botswana và Eswatini, nơi biến thể mới được xác định, để thu thập dữ liệu thực tế về cách thức hoạt động của vắc-xin.
Tính đến nay, trên 50 trường hợp đã được xác nhận nhiễm biến thể Omicron. Chủng này cũng đã được phát hiện ở Botswana, Hồng Kông, Israel và Bỉ trong số những du khách đến từ châu Phi. Diễn biến trên khiến nhiều nước như Đức, Anh, Ý, CH Séc, Singapore, Croatia, Malaysia, Maroc, Nhật Bản, Israel, Philippines… đã cấm hầu hết các hoạt động đi lại từ Nam Phi và các nước thuộc khu vực miền Nam châu Phi.
Phan Anh (tổng hợp)
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Tác dụng phụ của vắc-xin Biến thể Omicron