Philippines “đu dây” giữa Mỹ và Trung Quốc
Gần đây tổng thống Philippines ra những tuyên bố trái ngược về biển Đông, có dấu hiệu xa lánh đồng minh thân cận Mỹ, sát gần lại Trung Quốc. Giới phân tích đặt câu hỏi rằng liệu đấy chỉ là những tuyên bố rỗng tuếch hay thực sự là chiến lược của ông Duterte nhằm tối đa lợi ích cho Philippines thông qua lợi dụng con bài cạnh tranh Mỹ – Trung?
Quan hệ Mỹ – Philippines có lẽ sẽ trở nên khó khăn hơn dưới thời của tân Tổng thống Rodrigo Duterte. Hôm 10/9, ông này tuyên bố: “Tôi không phải là một fan của người Mỹ… trong quan hệ với thế giới của chúng ta, Philippines sẽ theo đuổi một chính sách ngoại giao độc lập”.
Còn đối với Trung Quốc, sau khi từng tuyên bố là “máu sẽ đổ”, nếu như Bắc Kinh dùng sức mạnh lấn chiếm biển đảo của Philippines, thì cũng chính ông Duterte đã tỏ thái độ hòa hoãn với Bắc Kinh khi đề nghị cùng Trung Quốc khai thác các nguồn tài nguyên trong vùng biển có tranh chấp.
Tiếp theo, trước những tướng lãnh quân đội hôm 13/09, dù không nêu đích danh Mỹ, nhưng tổng thống Philippines đã nhấn mạnh sẽ không tập trận chung với bất cứ quốc gia nào khác ở biển Đông. Điều này hoàn toàn trái ngược với thông báo hồi tháng 4 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ John Kerry và người đồng cấp tại Manila rằng Mỹ và Philippines đã đồng thuận sớm tổ chức tập trận nhằm ngăn sự bành trướng của Trung Quốc.
Hôm 15/9, phát biểu trước các quan chức quân sự tại Manila, tổng thống Rodrigo Duterte thông báo có hai quốc gia khác ngoài Hoa Kỳ đồng ý bán vũ khí cho Philippines nhưng không nêu đích danh. Ông Duterte cho biết bộ trưởng Quốc Phòng Delfin Lorenzana và các chuyên gia sẽ viếng thăm Trung Quốc và Nga trong tương lai gần, để tìm kiếm nguồn cung cấp” tốt nhất” cho Philippines.
Tuần trước, Manila yêu cầu quân đội Mỹ rời khỏi miền nam Philippines. Đây là nơi từ năm 2002 nhiều cố vấn quân sự Mỹ được điều tới để hỗ trợ Philippines đối phó với quân nổi dậy Hồi giáo.
Ông Duterte đang muốn lái Philippines xa khỏi “vòng tay” của Hoa Kỳ hay ông không muốn đối đầu trực diện với Trung Quốc như tổng thống nhiệm kỳ trước?
Từ hơn nửa thế kỷ qua, Mỹ luôn là nguồn cung cấp vũ khí chính cho Philippines. Do vậy nhiều nhà quan sát cho rằng, kịch bản Philippines mua vũ khí của Trung Quốc để tăng cường khả năng phòng thủ khó xảy ra.
Các nhà quan sát cho rằng ông Duterte tỏ thái độ thân Bắc Kinh và có những phát biểu quá trớn và khiêu khích với đồng minh Mỹ, bởi vì lãnh đạo Philippines thừa biết Manila là một trong những cột trụ chính trong chính sách xoay trục sang Châu Á của Hoa Kỳ. Tổng thống Duterte do vậy dám đánh cuộc là trong mọi trường hợp Washington cũng sẽ nhẹ tay với Philippines, trong khi đó Bắc Kinh sẽ không bỏ qua cho Manila, nếu Philippines cứ duy trì chính sách đối đầu trên hồ sơ Biển Đông.
Cụ thể trong lĩnh vực bán vũ khí, tổng thống Duterte nói bóng gió về khả năng mua của Trung Quốc có thể chỉ là nhằm mặc cả với nhà cung cấp Hoa Kỳ để đạt được giá rẻ hơn. Trên thực tế Hiệp ước Phòng thủ Tương hỗ giữa Hoa Kỳ với Philippines có hiệu lực 10 năm, đã được Tối cao pháp viện Philippines thông qua, thì chỉ vài câu nói của tổng thống không thể nào xua tan được.
Nhà nghiên cứu Oh Ei Sun, thuộc Trường Quan hệ Quốc tế Rajaratnam tại Singapore được trang tin CNBC trích dẫn lời nhận xét:
“Điều ông Duterte đang làm là chơi con bài Mỹ chống lại Trung Quốc và ngược lại, nhằm hy vọng đạt được lợi ích lớn nhất cho Philippines”.
“Tôi nghĩ rằng điều ông Duterte thực sự đang mong muốn là các điều khoản bán vũ khí tốt hơn từ phía Mỹ”.
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung tranh chấp biển Đông Philippines