Quan chức Anh Quốc dọa chế tài giới chức Hồng Kông đàn áp biểu tình
- Xuân Thành
- •
Một số quan chức trong chính phủ Anh Quốc nói họ sẽ lên kế hoạch thông qua luật mới để chế tài giới chức Hồng Kông đàn áp biểu tình, vi phạm nhân quyền.
Bà Heather Wheeler, Bộ trưởng phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Anh Quốc
Theo The Guardian, các quan chức hàng đầu của Bộ Ngoại giao Anh Quốc mới đây đã lần đầu lên tiếng đe dọa ban hành luật mới để chế tài các cá nhân tại Hồng Kông bị phát hiện phạm tội lạm dụng nhân quyền trong các nỗ lực đàn áp biểu tình của chính quyền Đặc khu.
Đe dọa nêu trên được đưa ra trong một lá thư của Bộ trưởng phụ trách Châu Á – Thái Bình Dương, Heather Wheeler. Lá thư này đã được cộng đồng mạng tại Hồng Kông chia sẻ rộng rãi, trong đó vạch ra đáp trả của chính phủ Anh Quốc đối với cuộc khủng hoảng tại trung tâm tài chính hàng đầu Châu Á.
Bà Heather Wheeler nói rằng chính phủ Anh Quốc sẽ giới thiệu luật nhân quyền cho phép London áp đặt các chế tài lên những người có hành vi vi phạm hoặc lạm dụng nhân quyền nghiêm trọng.
Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong Bộ Ngoại giao Anh Quốc lên tiếng đề xuất một dự luật để phản ứng với tình hình Hồng Kông. Lá thư của bà Heather Wheeler cho thấy dấu hiệu về hành động mạnh mẽ nhất có thể được chính phủ Anh thực hiện sau khi các quan chức hàng đầu nước này mới chỉ tuyên bố kêu gọi các bên đối đầu tại Hồng Kông kiềm chế leo thang căng thẳng.
Ông Chris Whitehouse, trợ lý của nhóm nghị sĩ toàn đảng trong Quốc hội Anh Quốc về Hồng Kông đã nói rằng Trưởng Đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga và các sĩ quan cao cấp của lực lượng cảnh sát Hồng Kông rõ ràng là những mục tiêu tiềm năng có thể bị Anh Quốc chế tài nếu luật mà bà Heather Wheeler đề xuất được thông qua.
“Những gì đang xảy ra trên đường phố Hồng Kông là kiểm soát sai lầm. Khi cảnh sát lái xe mô-tô đâm vào đám đông những người biểu tình trẻ tuổi, thì họ đang có ý định giết hoặc làm bị thương người biểu tình. Khi họ [cảnh sát] lặp lại hành động này trong 4 phút, đây rõ ràng có chỉ đạo từ bên trên. Bộ Ngoại giao Anh Quốc có biện pháp để xác minh danh tính của các sĩ quan cảnh sát cấp cao [Hồng Kông] này,” ông Chris Whitehouse nói.
Trong khi đó, một số nhà lập pháp Anh Quốc và hoạt động nhân quyền, dẫn đầu là nghị viên Tom Tugendhat của Ủy ban Đối Ngoại Hạ viện Anh đang thúc giục Chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson xem xét thay đổi quy chế công dân cho khoảng 170.000 người có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc tại Hồng Kông.
Ông Tom Tugendhat và những người cùng quan điểm với ông đã thúc đẩy yêu cầu nêu trên trong nhiều tháng qua. Họ cho rằng Anh Quốc có nghĩa vụ giúp đỡ những người đang có hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc. Người nắm giữ hộ chiếu loại này hiện chỉ có thể lưu trú tại Anh Quốc tối đa 6 tháng, và không có quyền tự động ở lại vĩnh viễn hoặc làm việc.
Loại hộ chiếu hải ngoại Anh Quốc được ban hành sau khi London trao trả Hồng Kông về Bắc Kinh vào năm 1997 và nó được cấp cho cư dân Hồng Kông sinh ra trước thời điểm hòn đảo này thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Trung Quốc Đại Lục.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Anh Quốc biểu tình Hồng Kông Cảnh sát Hồng Kông