Sắc lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump bắt đầu có hiệu lực
- Xuân Thành
- •
Phiên bản rút gọn của sắc lệnh di trú của Tổng thống Donald Trump đã có hiệu lực lúc 8 giờ tối thứ Năm 29/6 (giờ Mỹ). Cảnh biểu tình phản đối và sự hỗn loạn tại các cảng hàng không khi phiên bản đầu tiên được áp dụng 5 tháng trước đã không lặp lại.
Theo Fox News, các Bộ An Ninh Nội địa, Ngoại giao và Tư pháp Hoa Kỳ đã thực thi ngay lệnh cấm di trú sau khi quy định này được Tòa án Tối cao phục hồi một phần hồi đầu tuần này.
Lệnh cấm di trú mới sẽ thắt chặt chính sách thị thực đối với các công dân từ sáu quốc gia đa số dân theo Hồi giáo: Sudan, Syria, Iran, Libya, Somalia, và Yemen. Người dân từ sáu quốc gia muốn có thị thực mới sẽ phải chứng minh được mối quan hệ gần gũi với gia đình tại Mỹ hoặc đang có quan hệ công tác với một cơ quan nào đó tại Hoa Kỳ như trường học hoặc doanh nghiệp.
Công dân của những quốc gia nêu trên nếu đã có thị thực sẽ được phép vào Hoa Kỳ như bình thường.
Ở phiên bản lệnh cấm di trú đầu tiên áp dụng hồi 1/2017 sở dĩ gây ra hỗn loạn tại các cảng hàng không là do khi đó những người từ 6 quốc gia Hồi giao đa số nêu trên kể cả đã có thị thực Hoa Kỳ từ trước vẫn không được phép nhập cảnh, cùng nhiều quy định khắt khe khác.
Sau đó, các tòa án cấp bang đã ra phán quyết đình chỉ lệnh cấm di trú và buộc chính phủ Trump phải sửa đổi lại sắc lệnh này nhằm vượt qua các rào cản pháp lý.
Vào chiều muộn thứ Tư (28/6), Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một văn bản hướng dẫn thực thi lệnh cấm di trú mới vừa được Tào án Tối cao phục hồi. Hướng dẫn này cho biết các mối quan hệ gia đình có giá trị nhập cảnh cho công dân từ 6 quốc gia Hồi giáo sẽ bao gồm cha mẹ, vợ/chồng, con trai, con gái, con rể, con dâu hoặc anh chị em ruột đã ở Hoa Kỳ. Các mối quan hệ khác như ông bà, cháu chắt, cô dì, chú bác sẽ không được tính là quan hệ “mật thiết” để đủ kiều kiện cho phép cấp visa nhập cảnh vào Mỹ.
Ngay khi lệnh hành pháp này có hiệu lực, tiểu bang Hawaii đã đệ trình đề nghị khẩn cấp yêu cầu thẩm phán liên bang làm rõ rằng chính phủ liên bang không thể thực thi lệnh cấm đối với mối quan hệ hôn phu (vợ/chồng đã đính hôn) hoặc các quan hệ thân thuộc khác không có trong định nghĩa về mối quan hệ “đủ tin tưởng”.
Hạn chế về “mối quan đủ tin tưởng” cũng được áp dụng đối với người tị nạn trong khoảng thời gian 120 ngày, bất kể họ đến từ quốc gia nào. Ngoại lệ là những người được ưu tiên thuộc diện “miễn trừ vì lợi ích quốc gia” do Bộ Ngoại giao hoặc Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ cấp. Tuy nhiên, Hoa Kỳ đã gần hết hạn ngạch 50.000 người tị nạn cho năm tài khóa sẽ kết thúc vào tháng 9/2017 và các quy định mới trong lệnh cấm di trú cũng sẽ không áp dụng với một ít chỗ trống còn lại trong hạn ngạch này. Hơn nữa, Toà Tối cao dự kiến sẽ rà soát lại lệnh cấm tổng thể vào tháng 10, khi đó các quy định này có thể sẽ còn thay đổi.
Lệnh cấm di trú cũng quy định rằng các mối quan hệ kinh doanh hoặc chức nghiệp với nội bộ Mỹ phải được chứng minh là là các liên hệ “chính thức, có văn bản, được thiết lập theo quá trình đúng đắn chứ không phải lập khống để đối phó với lệnh cấm di trú”. Quy định cũng chỉ ra rằng các nhà báo, sinh viên, công nhân hoặc giảng viên có lời mời hợp lệ hoặc hợp đồng lao động ở Hoa Kỳ sẽ là các trường hợp miễn trừ. Các miễn trừ này không áp dụng cho những người đến tìm kiếm mối quan hệ với doanh nghiệp hoặc cơ sở giáo dục Mỹ chỉ với mục đích lách luật.
Theo bản hướng dẫn của Bộ Ngoại giao, các viên chức lãnh sự có thể cho phép những người nộp đơn xin thị thực từ 6 quốc gia bị cấm được tới Mỹ nếu họ “có liên hệ đáng kể tại Hoa Kỳ mà đã được lập từ trước; có quan hệ kinh doanh hoặc nghề nghiệp đáng kể tại Mỹ; là trẻ sơ sinh, con nuôi hoặc người cần chăm sóc y tế khẩn cấp; đi tới Mỹ công tác với một tổ chức quốc tế được công nhận hoặc với chính phủ Hoa Kỳ hoặc là cư dân hợp pháp của Canada đã nộp đơn xin thị thực tại Canada”.
Bất chấp những quy định trong lệnh cấm di trú của Tổng thống Trump vừa có hiệu lực đã được nới lỏng hơn phiên bản đầu tiên rất nhiều, người nhập cư và những người ủng hộ người tị nạn thề sẽ thách thức các yêu cầu mới này. Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ đã gọi những tiêu chí mới là “cực kỳ hạn chế”, “tùy tiện” và được thiết kế để “phỉ báng và chỉ trích người Hồi giáo”.
Ông Karen Tumlin, Giám đốc pháp luật của Trung tâm Luật Nhập cư Quốc gia, cho biết các quy định của sắc lệnh cấm di trú “sẽ khiến rất nhiều người đã chờ đợi hàng tháng hoặc nhiều năm để được đoàn tụ với gia đình của họ không còn cơ hội nhập cảnh vào Mỹ”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump Nhập cư Mỹ sắc lệnh di trú