Tài liệu mật của Mỹ: Moscow vẫn có tiền duy trì cuộc chiến ít nhất 1 năm nữa
- Thiên Thanh
- •
Đã hơn 1 năm kể từ khi cuộc chiến Nga – Ukraine nổ ra, cả 2 quốc gia này vẫn chưa có ý định đàm phán hòa bình. Tài liệu mật do Bộ Quốc phòng Mỹ rò rỉ cho thấy, mặc dù bị các nước phương Tây do Mỹ đứng đầu trừng phạt nặng nề, nhưng chính quyền Moscow vẫn có thể cung cấp ngân sách chiến tranh trong ít nhất một năm nữa.
Bị trừng phạt nặng nề, Moscow vẫn có thể cung cấp ít nhất 1 năm cho quỹ chiến tranh
Tờ Washington Post hôm 26/4 đưa tin, theo tài liệu rò rỉ của Bộ Quốc phòng Mỹ, ngay cả khi bị các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với lực độ ngày càng nặng, nhưng Nga vẫn có thể tài trợ cho cuộc chiến Nga – Ukraine trong thời gian ít nhất 1 năm.
Bản đánh giá cơ mật từ đầu tháng 3 cho biết, trong khi một số giới tinh hoa kinh tế Nga có thể không tán thành cuộc chiến của Moscow và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã làm tổn hại đến sự nghiệp của họ, họ khó có thể thay đổi quan điểm ủng hộ Tổng thống Putin. “Moscow đang dựa vào việc tăng thuế doanh nghiệp, quỹ đầu tư quốc gia, tăng nhập khẩu và khả năng thích ứng của doanh nghiệp để giúp giảm bớt áp lực kinh tế.”
Báo cáo đánh giá các tài liệu mật cũng cho thấy giới tinh hoa Nga này “có thể tiếp tục hỗ trợ các mục tiêu (hoạt động quân sự) của Điện Kremlin ở Ukraine” và “giúp Moscow trốn tránh các biện pháp trừng phạt (của phương Tây)”. Nhưng các chuyên gia cho rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây không chỉ nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga mà còn nhằm răn đe, trừng phạt và gửi một thông điệp. Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp hơn là một đánh giá đơn lẻ có thể tính đến.
Tài liệu bí mật không đề cập đến tác động của các biện pháp trừng phạt mới được áp đặt, cũng như tác động tiêu cực lâu dài của việc trần giá dầu ở châu Âu.
Mặc dù về mặt lý thuyết, Moscow có thể tài trợ cho cuộc chiến Nga – Ukraine thêm một năm nữa, nhưng báo cáo đánh giá bị rò rỉ không thảo luận nghiên cứu các yếu tố khác ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu của Nga, chẳng hạn như cạn kiệt đạn dược và nhu cầu tuyển dụng hoặc gọi lính mới.
Bộ Tài chính Mỹ từ chối bình luận về các tài liệu mật. Nhà Trắng đã không trả lời các câu hỏi liên quan.
Kể từ khi Chiến tranh Nga – Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt đối với các cá nhân và công ty có liên quan đến Điện Kremlin, cấm các công ty làm ăn với họ, đồng thời áp dụng các biện pháp thương mại, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu. Mục đích để khiến nền kinh tế Nga rơi vào khó khăn và trừng phạt giới tinh hoa Nga.
Litva: Nga có đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến trong 2 năm
Ngày 10/3, Reuters đưa tin, trả lời phỏng vấn báo chí, ông Elegijus Paulavicius, người đứng đầu cơ quan tình báo quân đội Litva, cho biết: “Nga hiện có đủ nguồn lực để tiếp tục cuộc chiến với cường độ chiến đấu như hiện nay trong 2 năm.”
Ông cũng nói thêm: “Thời gian Nga có thể tiếp tục tham gia cuộc chiến này cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ hỗ trợ quân sự cho quân đội Nga từ các quốc gia như Iran và Triều Tiên.”
Các báo cáo từ các cơ quan tình báo Litva đã chỉ ra rằng các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga không ảnh hưởng đến khả năng tài trợ cho quân đội Nga của Moscow, khi Nga chuyển các nguồn lực từ phúc lợi công sang quân sự.
Khi Moscow sử dụng nhiều kênh và bên trung gian khác nhau để mua công nghệ phương Tây được bảo vệ bởi lệnh trừng phạt, quân đội Nga đang thích nghi với cuộc đối đầu lâu dài với phương Tây, đồng thời sẽ ưu tiên nỗ lực xây dựng lại sự hiện diện quân sự của mình ở khu vực Baltic.
Báo cáo tình báo của Litva viết: “Điều này phần lớn sẽ phụ thuộc vào thời gian và kết quả của cuộc chiến ở Ukraine – cuộc chiến càng dài và càng tốn kém thì càng mất nhiều thời gian.”
Với tư cách là người đứng đầu Cơ quan Tình báo Quân sự Litva, ông Paulvicius đã nói về tình huống an ninh quốc gia của Litva bị đe dọa. Ông cho biết vào năm 2022, các tin tặc có liên quan đến chính quyền Nga và Bắc Kinh đã nhiều lần tìm cách xâm nhập vào hệ thống máy tính của Chính phủ Litva.
Ông Paulavicius nói: “Ưu tiên hàng đầu của họ vẫn là: thu thập thông tin liên tục và lâu dài liên quan đến các vấn đề đối nội và đối ngoại của Litva.”
Trong số các quốc gia thành viên EU, Litva là một trong những quốc gia cứng rắn nhất trong việc chỉ trích Nga. Litva đã bị Bắc Kinh chỉ trích sau khi cho phép Đài Loan mở một đại sứ quán trên thực tế trên lãnh thổ của mình vào năm 2021.
Văn phòng đại biện lâm thời của Bắc Kinh tại Vilnius đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận. Nga đã nhiều lần bác bỏ cáo buộc liên quan đến tấn công mạng ở nước ngoài.
Từ khóa Dòng sự kiện bí mật quân sự Chiến tranh Nga - Ukraine rò rỉ tài liệu mật