Thái Lan từ chối hòa giải quốc tế để chấm dứt giao tranh với Campuchia
- Lý Ngọc
- •

Những căng thẳng biên giới âm ỉ giữa Thái Lan và Campuchia đã bùng phát thành các hành động thù địch công khai tại nhiều địa điểm dọc theo tuyến biên giới, với các cuộc đấu pháo kéo dài sang ngày thứ hai liên tiếp.
Ít nhất 16 người, phần lớn là dân thường Thái Lan, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh nặng nề nhất giữa hai quốc gia Đông Nam Á này trong hơn một thập kỷ qua.
Mỹ, Trung Quốc và Malaysia, quốc gia đang giữ chức Chủ tịch ASEAN hiện nay, đã đề nghị tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đối thoại, nhưng Bangkok đang tìm kiếm một giải pháp song phương cho cuộc xung đột này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Thái Lan Nikorndej Balankura cho biết với Reuters.
“Tôi không nghĩ rằng chúng ta cần sự hòa giải từ một quốc gia thứ ba vào lúc này”, ông Nikorndej nói trong một cuộc phỏng vấn.
Campuchia và Thái Lan đổ lỗi cho nhau về việc khơi mào cuộc xung đột vào sáng thứ Năm tại một khu vực tranh chấp, nơi cuộc xung đột nhanh chóng leo thang từ việc bắn súng cỡ nhỏ đến các cuộc pháo kích nặng dọc theo biên giới, nơi chủ quyền đã tranh chấp trong hơn một thế kỷ qua.
“Chúng tôi giữ vững lập trường rằng cơ chế song phương là cách tốt nhất để giải quyết, đây là một cuộc đối đầu giữa hai quốc gia”, ông Nikorndej nói, đồng thời cho rằng phía Campuchia phải ngừng bạo lực dọc theo biên giới trước tiên. “Cửa của chúng tôi vẫn mở”.
Chính phủ Campuchia không ngay lập tức phản hồi yêu cầu bình luận. Thủ tướng Campuchia Hun Manet đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức một cuộc họp vào thứ Năm để thảo luận về vấn đề này, lên án những gì ông gọi là “cuộc xâm lược quân sự cô cớ và có chủ đích” của Thái Lan.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã cho biết sẽ tổ chức một cuộc họp kín vào thứ Sáu để thảo luận về vấn đề này.
Cuộc giao tranh bùng phát một ngày sau khi Thái Lan triệu hồi đại sứ tại Phnom Penh vào thứ Tư và trục xuất đại sứ Campuchia, đáp lại vụ nổ mìn làm bị thương các binh sĩ Thái Lan.
Các cơ quan chức năng Thái Lan cáo buộc các mìn đã được Campuchia đặt gần đây, một cáo buộc bị Phnom Penh bác bỏ là vô căn cứ.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, Chủ tịch ASEAN gồm 10 quốc gia mà cả Thái Lan và Campuchia đều là thành viên, cho biết vào thứ Năm rằng ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia và kêu gọi họ tìm kiếm một giải pháp hòa bình.
“Nếu ngôi nhà chung ASEAN muốn tạo điều kiện thuận lợi để quay lại các cuộc đàm phán song phương mang tính xây dựng, điều đó cũng được hoan nghênh”, ông Nikorndej nói.
Lý Ngọc theo Reuters
Từ khóa Xung đột Thái Lan - Campuchia
