Thủ tướng Đức Olaf Scholz hôm Chủ Nhật (2/7) nói rằng địa vị nhà nước của người Ukraine đã tồn tại trong khi quốc gia này vẫn là một phần của Liên Xô. Ông cũng khẳng định Crimea từ lâu đã là một phần lãnh thổ của Ukraine.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình ARD của Đức hôm Chủ Nhật (2/7), người dẫn chương trình đã đọc câu hỏi của một khán giả hỏi Thủ tướng Scholz rằng: “Crimea thuộc về ai?

Thủ tướng Đức đáp: “Crimea từ rất rất lâu đã thuộc về Ukraine”. Ông nói thêm rằng “trong thời kỳ Liên Xô, Ukraine đã là một quốc gia độc lập, thành viên của Liên Hiệp Quốc” và cho biết thêm rằng Nga đã tách khỏi Liên Xô trước Ukraine.

Sau khi Thế chiến II kết thúc, Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Ukraine cùng với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Belarus là 2 trong số 15 nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa thuộc Liên bang Xô Viết (Liên Xô), là các thành viên sáng lập Liên Hiệp Quốc và là các bên ký kết vào Hiến chương Liên Hiệp Quốc năm 1945.

Sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, Nga trở thành quốc gia kế thừa duy nhất địa vị của Liên Xô và Nga thay Liên Xô trở thành 1 trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

Bán đảo Crimea với phần lớn người dân nói tiếng Nga đã được lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev chuyển giao cho Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Ukraine kiểm soát từ năm 1954.

Năm 2014, bất ổn chính trị lên đến định điểm tại Ukraine dẫn tới Tổng thống thân Nga Viktor Yanukovych bị lật đổ. Những người phản đối gọi đây là cuộc đảo chính, một cuộc “cách mạng màu” tại Ukraine với sự giật dây từ phía Mỹ và phương Tây. Những người ủng hộ gọi đây là cuộc “cạch mạng Nhân phẩm” nhằm lật đổ chính quyền thân Nga và đem lại nền dân chủ cho Ukraine, đưa nước này hội nhập với phương Tây.

Sau khi ông Viktor Yanukovych bị lật đổ và chạy sang Nga, Chính quyền Putin đã đưa quân đội vào Crimea và tổ chức trưng cầu dân ý tại bán đảo này vào giữa tháng 3/2014. Nga chính thức sáp nhập Crimea vào ngày 18/3/2014 bất chấp sự phản đối của Ukraine, Mỹ, Liên minh châu Âu, và phần lớn các quốc gia khác trên thế giới.

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình ARD hôm 2/7, Thủ tướng Scholz đã bình luận về cuộc chiến tranh đã kéo dài hơn 16 tháng tại Ukraine.

Ông Scholz nói Đức sẽ không cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa vì lo ngại Kyiv có thể sử dụng vũ khí này để tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga. Ông Scholz nói chính quyền Biden tại Mỹ cũng đang có sự dè dặt tương tự.

Tuy nhiên, sau đó ông Scholz đã vội vàng nói thêm rằng Đức là “quốc gia hỗ trợ Ukraine lớn thứ hai sau Mỹ” và cam kết sẽ tiếp tục ủng hộ Kyiv “khi cần”.

Thủ tướng Đức cũng tái khẳng định rằng Ukraine sẽ chưa thể gia nhập NATO chừng nào họ còn bị mắc kẹt vào cuộc xung đột vũ trang với Nga. Theo ông Scholz, các quan chức tại Kyiv cũng hiểu rõ điều kiện tiên quyết này.

Ông Scholz nói thêm rằng Đức cùng với các đối tác của mình đã đang làm việc về những đảm bảo an ninh hậu chiến cho Ukraine.

Hải Đăng (T/h)