Thủ tướng Ý từ chức, Tổng thống tuyên bố giải tán quốc hội
- Bình Minh
- •
Thủ tướng Ý Mario Draghi đã từ chức hôm thứ Năm (21/7) sau khi chính phủ đoàn kết dân tộc của ông tan rã. Tổng thống Sergio Mattarella sau đó đã giải tán quốc hội, dọn đường cho các cuộc bầu cử sớm.
Ngày 21/7/2022, Thủ tướng Ý Mario Draghi (ở giữa) đến quốc hội. Văn phòng Tổng thống cho biết ông đã đệ đơn từ chức cùng ngày sau sự sụp đổ của chính phủ liên minh đoàn kết dân tộc. (Ảnh: Antonio Masiello / AFP qua Getty Images)
Tổng thống Sergio Mattarella cho biết trong một tuyên bố: “Cuộc thảo luận, bỏ phiếu và các thể thức mà cuộc bỏ phiếu diễn ra tại Thượng viện ngày 20/7 cho thấy rõ ràng việc thiếu ủng hộ của Quốc hội đối với Chính phủ và không có triển vọng tạo ra đa số mới. Do đó khó có thể tránh được việc sớm giải tán Thượng viện và Hạ viện. Việc giải tán Quốc hội trước thời hạn là sự lựa chọn cuối cùng.”
Ông Mattarella cho biết, cuộc bầu cử phải được tổ chức trong vòng 70 ngày, khiến chính phủ phải ấn định ngày chính xác, có thể là vào cuối tháng Chín.
Hôm thứ Năm (21/7), tại Cung điện Quirinal ở Rome, Tổng thống cho biết trong một bài phát biểu ngắn: “Chúng ta đang trải qua một thời kỳ không cho phép (chính phủ) được tạm dừng hành động. Điều này có lẽ là cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế, xã hội và lạm phát gia tăng.”
Ngày hôm đó, Thủ tướng Draghi đã đề nghị từ chức với Tổng thống Mattarella trong một cuộc họp buổi sáng tại Cung điện Quirinal. Tuần trước, ông Mattarella cũng đã từ chối một đề nghị từ chức tương tự từ Thủ tướng.
Văn phòng Tổng thống cho biết ông đã “ghi nhận” đề xuất từ chức mới và yêu cầu Chính phủ của ông Draghi tiếp tục làm việc như một sự bảo hộ.
Reuters đưa tin, ông Mattarella đã lên kế hoạch gặp gỡ viện trưởng lưỡng viện của quốc hội vào chiều thứ Năm. Từ đầu tuần, các nguồn tin chính trị sớm đã cho biết ông Mattarella có thể giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử sớm vào tháng Mười.
Một cuộc thăm dò ý kiến cho thấy, một khối phe bảo thủ gồm các đảng phái cực hữu do “Đảng Anh em của Ý” (Brothers of Italy) lãnh đạo dường như sẽ giành được đa số rõ ràng trong cuộc bầu cử tiếp theo.
Ông Draghi không thuyết phục được chính phủ liên minh đoàn kết trở lại
Hôm thứ Tư (20/7), 3 đối tác liên minh chính của ông Draghi đã bác bỏ một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, mà ông kêu gọi đoàn kết để hoàn thành nhiệm kỳ đương nhiên của Quốc hội Ý, và đảm bảo việc thực hiện kế hoạch phục hồi đại dịch do EU tài trợ.
Ông Draghi đề nghị từ chức vào tuần trước sau khi một trong những đối tác của ông, Đảng Phong trào 5 Sao theo chủ nghĩa dân túy, không ủng hộ ông trong một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm về các biện pháp giải quyết chi phí sinh hoạt cao.
Tổng thống Mattarella đã bác bỏ đơn từ chức và yêu cầu ông đến Quốc hội, để xem liệu ông ấy có thể duy trì một liên minh rộng rãi của những người theo chủ nghĩa cánh hữu, cánh tả và dân túy, cho đến khi kết thúc kế hoạch của cơ quan lập pháp vào đầu năm 2023 hay không.
Ông Draghi đã làm như vậy. Trong một bài phát biểu trước Thượng viện hôm thứ Tư (20/7), ông Draghi đã kêu gọi sự thống nhất, và đặt ra một loạt các vấn đề mà Ý phải đối mặt, từ cuộc chiến ở Ukraine đến bất bình đẳng xã hội và giá cả tăng cao.
Ông nói với các nhà lập pháp: “Các bạn không cần phải trả lời cho tôi. Các bạn phải đưa ra câu trả lời cho tất cả người Ý.” Bản kiến nghị đã được ký trên khắp nước Ý, kêu gọi ông Draghi tiếp tục tại vị.
Nhưng Đảng Phong trào 5 Sao lại không đồng ý, họ nói rằng ông đã không giải quyết các vấn đề cốt lõi của họ. Ngoài ra, đảng cánh hữu Forza Italia và Đảng Liên minh phương Bắc (Northern League) đã quyết định né tránh cuộc bỏ phiếu, thúc đẩy một chính phủ không có Đảng Phong trào Năm Sao.
Cuộc khủng hoảng chính trị đã chấm dứt nhiều tháng ổn định ở Ý. Trong 18 tháng cầm quyền, ông Draghi đã giúp định hình phản ứng cứng rắn của châu Âu đối với cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, và nâng cao vị thế của nước này trên thị trường tài chính.
Ông Draghi nói với Hạ viện vào sáng thứ Năm (21/7), trước khi đến gặp Tổng thống Mattarella: “Cảm ơn vì tất cả công việc mà các bạn đã hoàn thành cùng nhau trong thời gian này.” Dường như cảm động trước những tràng pháo tay tại đó, ông nói đùa rằng: “Ngay cả các thống đốc ngân hàng trung ương cũng có những khoảnh khắc đau lòng”.
Mất một đồng minh lớn trong Liên minh châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khen ngợi ông Graghi là một chính khách tuyệt vời của Ý, người đã “nỗ lực không ngừng để cải cách đất nước”.
Chính phủ sụp đổ, truyền thông Ý phẫn nộ, thị trường tài chính hỗn loạn
Ngay trong ngày hôm đó, các tờ báo của Ý đều phẫn nộ trước kết quả siêu hiện thực này. Vì Ý đang phải vật lộn với lạm phát và chi phí năng lượng tăng cao, cuộc chiến của Nga xâm lược Ukraine và những cải cách cần thiết cho khoản tài trợ phục hồi 200 tỷ euro còn lại của EU.
Tổng thống Mattarella đã đề cử ông Draghi làm Thủ tướng Ý vào năm ngoái. Ông và chính phủ đoàn kết của mình được giao nhiệm vụ đưa đất nước thoát khỏi sự tàn phá của đại dịch và đặt định cơ sở khai thác nguồn tài trợ phục hồi của EU.
Ông Draghi có biệt danh “Super Mario” vì “không ngại trả giá” để cứu đồng euro trong nhiệm kỳ của mình tại Ngân hàng Trung ương Châu Âu.
Nhưng vài tháng qua, Đảng Phong trào 5 Sao, tổ chức có nhiều phiếu bầu nhất trong cuộc bầu cử quốc gia năm 2018, đã phàn nàn rằng các mục ưu tiên trong chương trình nghị sự của họ, như thu nhập cơ bản và lương tối thiểu đã bị bỏ qua.
Đảng này cũng phản đối viện trợ quân sự của Ý cho Ukraine và từ chối hỗ trợ chính phủ trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm vào tuần trước, khiến ông Draghi từ chức lần đầu tiên.
Trái phiếu và cổ phiếu của Ý bị bán tháo mạnh khi thị trường chuẩn bị đón nhận đợt tăng lãi suất đầu tiên của Ngân hàng Trung Ương Châu Âu từ năm 2011 đến nay.
Chỉ trong thời gian ngắn, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Ý đã tăng hơn 20 điểm cơ bản, lên 3,7%. Tỷ lệ thu lời đạt đỉnh 4% vào một thời điểm trong tháng Sáu.
Ông Lorenzo Codogno, người đứng đầu LC Macro Advisers, kiêm cựu quan chức cấp cao của Bộ tài chính Ý cho biết: “Đây là một đòn nặng đối với khả năng thực hiện ngắn hạn các chính sách và cải cách của Ý. Sẽ có sự chậm trễ trong các cuộc bầu cử sớm và rất có khả năng sẽ không có ngân sách vào cuối năm.”
Ý đã không tổ chức bầu cử vào mùa Thu kể từ Thế chiến thứ II, vì thời gian đó thường được sử dụng để thiết lập ngân sách.
Ý có thể có nữ thủ tướng đầu tiên
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Đảng Dân chủ phe trung tả có mối quan hệ ràng buộc với Đảng Anh em của Ý phe cánh hữu, vốn vẫn là phe đối lập với liên minh của ông Draghi.
Lãnh đạo “Đảng Dân chủ”, ông Enrico Letta, cho rằng quốc hội đã phản bội Ý và kêu gọi người Ý phản ứng trong cuộc bỏ phiếu. “Hãy để người Ý bỏ phiếu để chứng tỏ rằng họ thông minh hơn các đại diện của mình,” ông tweet.
Hãng tin AP đưa tin, “Hội Anh em Ý” từ lâu đã có mối liên hệ với đảng trung hữu Forza Italia của cựu thủ tướng Silvio Berlusconi và “Đảng Liên minh Phương bắc” của ông Matteo Salvini.
Điều này cho thấy liên minh trung hữu có thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử và thúc đẩy lãnh đạo của Đảng Anh em của Ý, bà Giorgia Meloni, trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Ý.
Bà Meloni, người đấu tranh cho các cuộc bầu cử sớm kể từ trước cuộc khủng hoảng, đã giành chiến thắng.
“Ý chí của người dân được thể hiện theo một cách: Bỏ phiếu. Hãy trả lại hy vọng và sức mạnh cho nước Ý”, bà nói.
Sau khi Chính phủ của ông Draghi kết thúc, 2 bộ trưởng của đảng Forza Italia cho biết họ sẽ rời đảng trung hữu. Ông Renato Brunetta – Bộ trưởng Bộ Hành chính Công, và bà Mariastella Gelmini – Bộ trưởng Bộ Các vấn đề Khu vực, đều rút khỏi đảng chính trị do cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi lãnh đạo.
Hiện các đảng phái ở Ý đang bước vào giai đoạn vận động tranh cử. Chính phủ tiếp theo rất có thể sẽ là một liên minh bao gồm các đảng trung hữu, theo chủ nghĩa dân tộc, có quan điểm nghi ngờ châu Âu.
Chuyên gia nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Cải cách châu Âu, ông Luigi Scazzieri, cho rằng một liên minh như vậy “sẽ tạo ra một kịch bản biến động hơn nhiều cho Ý và Liên minh châu Âu”.
Từ khóa Dòng sự kiện Mario Draghi Bầu cử Ý