Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 11/11, thế giới ghi nhận thêm khoảng 468.000 ca mắc COVID-19 mới và 6.000 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 240.156.017 ca, trong đó có khoảng 4.789.227 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par SibRapid/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc mới trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Đức (50.133 ca), Anh (42.408 ca) và Nga (40.759 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.237 ca), Ukraine (652 ca) và Mỹ (511 ca).

Nga chuẩn bị áp dụng quy định mới chống dịch COVID-19

Phát biểu với báo giới ngày 11/11, Uỷ ban điều phối cuộc chiến chống COVID-19 của Nga cho biết Uỷ ban này đang làm việc với các bộ ngành liên quan để soạn thảo dự luật quy định việc bắt buộc sử dụng mã QR ở các quán cà phê, phương tiện giao thông công cộng và cửa hàng. Dự kiến bộ luật này sẽ có hiệu lực cho tới tháng 6/2022.

Trước đó, người đứng đầu Uỷ ban Giám sát và Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tinh thần con người (Rospotrebnadzor), bà Anna Popova cho biết mã QR đã được triển khai ở 77 khu vực trên toàn nước Nga. Trong khi đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nhấn mạnh việc huỷ bỏ sử dụng mã QR và các hạn chế khác để chống COVID-19 chỉ có thể diễn ra sau khi đại dịch kết thúc.

Ca mắc mới lần đầu vượt 50.000, Đức cân nhắc siết chặt phòng dịch

Ngày 11/11, trong bài phát biểu trước Hạ viện về các đề xuất biện pháp mới, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết Đức cần siết chặt các biện pháp phòng dịch nhằm ứng phó với số ca mắc COVID-19 tăng mạnh và vượt qua dịch bệnh vào mùa đông này.

Trong 24 giờ qua, Đức đã ghi nhận 50.133 ca nhiễm mới. Đây là lần đầu tiên số ca nhiễm mới theo ngày tại Đức vượt 50.000 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 221 ca. Tỷ lệ lây nhiễm trong 7 ngày qua đã lên mức cao nhất từ trước đến nay là 249,1 ca nhiễm mới trên 100.000 dân.

Chuyên gia khuyến nghị phong tỏa một phần Hà Lan

Nhằm kêu gọi chính phủ có biện pháp chống dịch quyết liệt hơn, các chuyên gia Hà Lan đã khuyến nghị áp đặt lệnh phong tỏa một phần tại quốc gia Tây Âu này.

Dự kiến chính phủ của Thủ tướng Mark Rutte sẽ đưa ra quyết định về các biện pháp mới vào ngày 12/11 sau khi nhận được khuyến nghị của các chuyên gia trong Nhóm Quản lý dịch bệnh. Trong số các biện pháp được cân nhắc lần này có việc hủy các sự kiện, đóng cửa nhà hát và rạp chiếu phim, điều chỉnh thời gian đóng cửa của các nhà hàng và quán cà phê. Các trường học vẫn tiếp tục hoạt động bình thường.

Mặc dù tỷ lệ tiêm phòng đối với người trưởng thành ở Hà Lan là 85%, song nhiều bệnh viện nước này đã buộc phải thu hẹp quy mô khám chữa bệnh thông thường để tập trung điều trị cho bệnh nhân COVID-19.

Tuần trước, Hà Lan đã tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và mở rộng danh sách các địa điểm cần phải có chứng nhận tiêm phòng hoặc xét nghiệm âm tính mới được tiếp cận. Tính đến ngày 11/11, Hà Lan có tổng cộng 2,25 triệu ca nhiễm và trên 18.600 ca tử vong do COVID-19.

Hàn Quốc: Số ca mắc mới tiếp tục tăng, có thể không nới lỏng các biện pháp hạn chế

Hàn Quốc đã ghi nhận thêm 2.520 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh tại nước này lên con số 388.351.

Đây cũng là lần đầu tiên trong 6 ngày qua, số ca lây nhiễm ghi nhận theo ngày ở nước này vượt quá 2.400 trường hợp. Số ca COVID-19 ghi nhận hằng ngày ở Hàn Quốc đã ở mức 4 con số kể từ ngày 7/7 vừa qua, trong đó bao gồm cả mức thống kê cao kỷ lục là 3.272 trường hợp vào ngày 25/9.

Cũng trong ngày 11/11, số ca tử vong do COVID-19 ở Hàn Quốc đã tăng thêm 21 trường hợp, lên tổng cộng 3.033 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong là 0,78%.

Trước tình hình này, giới chức chống dịch Hàn Quốc nhận định nước này có thể sẽ không thực hiện kế hoạch nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng chống dịch COVID-19 như đã định.

Singapore sẽ thu viện phí với bệnh nhân COVID-19 lựa chọn không tiêm vắc-xin

Từ ngày 8/12 tới, tất cả những người Singapore đã lựa chọn không tiêm vắc-xin COVID-19 dù đủ điều kiện sức khỏe nếu bị nhiễm virus corona và nhập viện sẽ phải tự thanh toán toàn bộ chi phí điều trị. Hiện chính phủ nước này đang hỗ trợ thanh toán hóa đơn điều trị COVID-19 cho tất cả người dân, thường trú nhân (PR), những người có thẻ thường trú dài hạn và những người Singapore có kết quả xét nghiệm dương tính ngay sau khi ở nước ngoài trở về.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: