Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 11/8, thế giới ghi nhận thêm khoảng 621.846 ca mắc COVID-19 mới và 9.324 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 202.074.062 ca, trong đó có khoảng 4.169.092 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Cortex-film/Shutterstock)

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngày 11/8, thế giới có 147 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 98 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong do đại dịch.

Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh với tổng số ca nhiễm trên 36,98 triệu ca, trong đó 635.440 ca tử vong. Tiếp theo là Ấn Độ và Brazil với số ca nhiễm tại 2 nước này lần lượt ở con số 32,07 triệu ca và 20,02 triệu ca. Trong khi đó, tổng số bệnh nhân không qua khỏi do COVID-19 tại Brazil là 564.890, cao hơn con số Ấn Độ ghị nhận được 485.056 ca.

Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang trở thành mối đe dọa đối với nỗ lực phòng chống dịch COVID-19 mà toàn cầu đã đạt được trong nhiều tháng qua khi làn sóng dịch bệnh gia tăng tại nhiều nước, kể cả những nước có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Tại Mỹ, hơn 175 chuyên gia y tế công cộng và các nhà khoa học hàng đầu cũng như nhà hoạt động xã hội của Mỹ đã lên tiếng kêu gọi chính quyền Tổng thống Joe Biden có các bước đi khẩn cấp để cùng thế giới đương đầu với đại dịch COVID-19, trong đó có việc lập tức xuất khẩu lượng vắc-xin mà nước này đang lưu trữ.

Ngày 11/8, tờ The Washington Post đã đăng toàn văn một bức thư chung mà các nhà khoa học gửi tới các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đề ngày 10/8, trong đó nêu rõ biến thể Delta đang khiến châu Phi, châu Mỹ Latinh và châu Á phải chứng kiến sự gia tăng mạnh các ca nhiễm mới do COVID-19, trong khi những khu vực này lượng vắc-xin còn rất hạn chế.

Các nhà khoa học cảnh báo thực tế này tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện các biến thể mới, một số biến thể có thể kháng lại các loại vắc-xin hiện có và đe dọa các thành tựu mà các nước đã đạt được trong gần 2 năm qua. Họ nhấn mạnh “hiện là thời điểm mà các nhà lãnh đạo đầy tham vọng tiến hành tiêm chủng cho toàn thế giới”.

Các nhà khoa học kêu gọi chính quyền Mỹ “trong vòng 1 tuần tới triển khai ngay việc xuất khẩu ít nhất 10 triệu liều vắc-xin/tuần” cho cơ chế tiếp cận vắc-xin toàn cầu COVAX hoặc thông qua các cơ chế phân phối toàn cầu khác. Giới chuyên gia gợi ý Nhà Trắng cũng nên phát triển và tập huấn cũng như chuyển giao công nghệ bào chế và sản xuất vắc-xin mRNA cũng như các vắc-xin khác tại nhiều nơi trên thế giới.

Tại Hàn Quốc, đại dịch COVID-19 nguy cơ vượt tầm kiểm soát ở nước này khi số ca nhiễm mới trong ngày lần đầu tiên vượt 2.000 ca vào ngày 11/8. Các chuyên gia y tế sở tại cũng đưa ra cảnh báo làn sóng lây nhiễm thứ 4 hiện nay dường như đang khó kiềm chế hơn những làn sóng trước đây và thậm chí vẫn chưa đạt đỉnh dịch.

Cơ quan kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cùng ngày đã ghi nhận thêm 2.223 ca mới, trong đó có 2.145 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số lên 216.206 ca. Đây là số ca nhiễm hằng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện ở nước này vào tháng 1/2020, vượt mức cao nhất trước đó là 1.895 ca được ghi nhận vào ngày 27/7. Số ca nhiễm mới hàng ngày duy trì ở mức trên 1.000 ca kể từ ngày 6/7.

Sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới hằng ngày xuất hiện trong bối cảnh Hàn Quốc áp dụng các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất kéo dài tại khu vực thủ đô và vùng phụ cận khiến các cơ quan y tế phải cảnh giác cao độ. Đặc biệt chỉ 2 ngày trước đó, có đánh giá cho rằng các ca nhiễm mới “đang giảm dần”.

Tại châu Âu, dịch bệnh cũng đang diễn biến phức tạp khi Nga và Anh ghi nhận số ca tử vong do COVID-19 tăng vọt. Nhiều nước, trong đó có Ukraine, gia hạn các biện pháp phòng dịch đến ngày 1/10. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định thế giới sẽ còn phải sống chung với dịch COVID-19 trong nhiều tháng nữa và cuộc khủng hoảng dịch bệnh sẽ còn tiếp diễn.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: