Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 1/5, thế giới ghi nhận thêm khoảng 284.000 ca mắc COVID-19 mới và 834 trường hợp tử vong chỉ trong vòng 24 giờ, qua đó nâng tổng số người nhiễm bệnh từ đầu dịch lên khoảng 453.309.659 ca, trong đó có khoảng 5.692.251 người thiệt mạng.

COVID-19
(Ảnh minh họa: Par MARCIO DELGADO/Shutterstock)

Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Ý (40.757 ca), Hàn Quốc (37.771 ca) và Pháp (36.726 ca).

Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (147 ca), Ý (105 ca) và Thái Lan (91 ca).

Tính từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có tổng số ca mắc nhiều nhất thế giới với trên 83 triệu ca mắc COVID-19 và trên 1,02 triệu ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 43 triệu ca mắc và trên 523.000 ca tử vong. Đứng thứ 3 là Brazil với trên 30 triệu ca mắc và trên 663.000 ca tử vong.

Trung Quốc thử nghiệm vắc-xin đặc hiệu ngừa biến thể Omicron

Công ty công nghệ sinh học Suzhou Abogen Biosciences của Trung Quốc thông báo loại vắc-xin ngừa COVID-19 tiềm năng do công ty này và đối tác là Walvax Biotechnology bào chế dựa trên công nghệ mRNA đã được chấp thuận thử nghiệm lâm sàng ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Hiện Abogen cùng các hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech (của Mỹ và Đức) và Moderna (Mỹ) đang chạy đua trong nỗ lực thử nghiệm các loại vắc-xin tiềm năng đặc hiệu, nhằm ngăn chặn Omicron, biến thể của virus corona được các nhà khoa học đánh giá là có khả năng lây nhiễm cao và lẩn tránh được các kháng thể được tạo ra bởi các loại vắc-xin sẵn có.

Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc Đại lục đã tiêm ngừa COVID-19 cho hơn 88% trong số 1,4 tỷ người đủ điều kiện tiêm chủng tại nước này với các loại vắc-xin không bào chế theo công nghệ mRNA. Trung Quốc đã không chấp thuận sử dụng bất kỳ loại vắc-xin nào do quốc gia khác bào chế, mặc dù dữ liệu thực tế cho thấy 2 sản phẩm của Sinopharm và Sinovac do Trung Quốc sản xuất được sử dụng nhiều nhất có hiệu quả ngừa bệnh COVID-19 thấp hơn so với 2 loại vắc-xin mRNA của Pfizer/BioNTech và Moderna.

Theo Abogen, ngoài UAE, công ty này cũng đã liên hệ với các cơ quan quản lý ở Trung Quốc và một số quốc gia khác về việc thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ngừa Omicron và các dòng phụ của biến thể này. Vắc-xin mRNA do Abogen đồng phát triển cùng Walvax Biotechnology và được một tổ chức nghiên cứu do quân đội Trung Quốc hậu thuẫn cũng đang được thử nghiệm giai đoạn III ở Trung Quốc, Mexico và Indonesia.

Ngoài ra, Walvax Biotechnology cũng đang hợp tác với công ty khởi nghiệp RNACure (có trụ sở tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc) nhằm phát triển một vắc-xin mRNA tiềm năng khác, tuy cũng nhắm mục tiêu vào biến thể Omicron, nhưng có công thức bào chế khác với loại hợp tác cùng Abogen.

Litva thay đổi chiến lược ứng phó với COVID-19

Bộ Y tế Litva ngày 1/5 thông báo kết thúc “tình trạng nghiêm trọng” liên quan đến đại dịch COVID-19, đồng thời thay đổi chiến lược ứng phó với đại dịch.

Quyết định trên được đưa ra sau khi nước này chứng kiến số ca nhiễm mới và nhập viện giảm đều. Litva cũng đã đạt tỷ lệ miễn dịch 80%.

Phát biểu trên đài phát thanh và truyền hình quốc gia (LRT), Thứ trưởng Bộ Y tế Ausra Bilotiene Motiejuniene nhấn mạnh: “Chúng tôi không nói rằng đại dịch đã qua đi, song COVID-19 đã được kiểm soát”.

Trước đó, Litva đã bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết các địa điểm công cộng trong không gian kín. Trước ngày 1/5, quy định này chỉ còn bắt buộc tại các cơ sở y tế và trên phương tiện giao thông công cộng.

Từ ngày 1/5, đeo khẩu trang sẽ chỉ mang tính khuyến cáo đối với mọi cơ sở trong phòng kín. Bên cạnh đó, quy định tự cách ly cũng không còn là bắt buộc ngay cả đối với người mắc COVID-19. Các bác sĩ gia đình sẽ quyết định thời gian được nghỉ ốm của bệnh nhân dựa trên tình trạng sức khỏe của họ.

Cũng từ ngày 1/5, Trung tâm Y tế cộng đồng quốc gia sẽ không thu thập thông tin về lịch sử tiếp xúc với người nhiễm bệnh nữa. Tuy nhiên, trung tâm sẽ vẫn điều tra về các ổ dịch bùng phát.

Hy Lạp gỡ bỏ các hạn chế COVID-19 với du khách trước mùa du lịch hè

Cơ quan hàng không dân dụng Hy Lạp ngày 1/5 thông báo gỡ bỏ các biện pháp hạn chế với các chuyến bay nội địa và quốc tế, trước khi bắt đầu mùa du lịch hè được kỳ vọng sẽ vực dậy doanh thu sau đại dịch COVID-19.

Để bay đến và đi từ Hy Lạp, trước đây du khách được yêu cầu trình chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 hoặc có xét nghiệm âm tính với virus corona. Từ ngày 1/5, hành khách và phi hành đoàn sẽ chỉ cần đeo khẩu trang.

Mùa du lịch hè sẽ bắt đầu ở Hy Lạp sau ngày 24/4. Hy Lạp hy vọng lượng lớn du khách trong năm nay. Giới chức nước này dự báo doanh thu đạt 80% so với mức của năm 2019, vốn là năm đạt doanh thu cao kỷ lục trước khi bùng phát dịch COVID-19.

Các nhà hàng, cửa hiệu bán lẻ đã được hoạt động trở lại 100% công suất từ ngày 1/5, khách hàng được phép đến mua và ăn uống tại nhà hàng mà không cần có chứng nhận tiêm phòng, song vẫn phải đeo khẩu trang.

Đến nay, Hy Lạp ghi nhận tổng cộng hơn 3,3 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 29.000 ca tử vong.

New Zealand ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron

Bộ Y tế New Zealand ngày 1/5 thông báo nước này đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 của Omicron. Đó là một người vừa nhập cảnh.

Bên cạnh đó, New Zealand cũng ghi nhận 2 ca đầu tiên nhiễm các biến thể phụ BA.2.12.1 và BA 2.12.2 của Omicron là 2 người nhập cảnh nước này trong tháng 4.

Trước đó, nước láng giềng Úc ngày 29/4 cũng xác nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.4 tại bang New South Wales, là một người vừa từ Nam Phi trở về.

Phan Anh (tổng hợp)

Điều mà chúng ta thấy và Điều mà chúng ta không thấy