Tờ Le Monde: Nguyên nhân vụ đánh bom bệnh viện Gaza vẫn chưa rõ ràng
- Trí Đạt
- •
Tờ báo lớn của Pháp Le Monde hôm thứ Năm (19/10), đã đăng bài “Xung đột Israel – Hamas: Nguyên nhân vụ nổ bệnh viện Gaza vẫn chưa rõ ràng”, đặt câu hỏi về tuyên bố của phía Mỹ và Israel rằng tên lửa của Hamas nổ nhầm vào bệnh viện.
Tờ báo có lập trường trung lập, được giới thượng lưu Pháp đọc rộng rãi, đưa tin rằng hai ngày sau vụ đánh bom bệnh viện ở Gaza ngày 17/10 đã gây ra sự phẫn nộ trên khắp thế giới Ả Rập, Hamas và Israel tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thảm kịch. Nhiều chuyên gia quân sự đã nghiên cứu một số video về vụ nổ và vài đoạn video vài giây trước vụ nổ, đặc biệt là những video được phát sóng bởi Al Jazeera.
Các cảnh quay cho thấy một loạt tên lửa được bắn từ lãnh thổ Palestine trong đêm tối lúc 6:59 chiều theo giờ địa phương. Một trong những tên lửa đã phát nổ trên không không rõ lý do và vài giây sau có vụ nổ đầu tiên trên mặt đất, tiếp theo là vụ nổ thứ hai nhằm vào Bệnh viện Al-Ahli (Baptist).
Hình ảnh về thiệt hại do vụ nổ gây ra được chụp vào ban ngày sau vụ nổ một ngày cũng được đăng tải lên mạng xã hội. Các hình ảnh cho thấy một lỗ có đường kính và độ sâu hạn chế trong bãi đậu xe của bệnh viện, tương ứng với điểm tác động được cho là của quả đạn nổ. Những chiếc ô tô bị cháy có thể được nhìn thấy xung quanh, nhưng thiệt hại dường như tương đối hạn chế và tòa nhà bệnh viện về cơ bản còn nguyên vẹn.
Le Monde viết ở giai đoạn này, các chuyên gia quân sự đã quen với thông tin công khai không thể thống nhất về ý nghĩa của những hình ảnh này. Một số người trong số họ, bao gồm ông Justin Bronk, nhà nghiên cứu chuyên về các vấn đề hàng không tại tổ chức nghiên cứu RUSI ở London, có xu hướng ủng hộ khẳng định của quân đội Israel rằng tên lửa được bắn bởi tổ chức Thánh chiến Hồi giáo Palestine liên kết với Hamas và đã bị hệ thống “vòm sắt” của lực lượng phòng không Israel đánh chặn rồi thả xuống bãi đậu xe và sân vườn của bệnh viện, nơi nhiều thường dân có mặt. Các chuyên gia này cũng tin rằng mức độ tác động lên mặt đất không phù hợp với mức độ do ném bom gây ra, đặc biệt là loại bom dẫn đường mà Lực lượng Không quân Israel thường sử dụng, trong đó có một loại tên lửa được gọi là bom “JDAM“.
Le Monde dẫn lời Đại tá Michel Goya, nhà sử học quân sự người Pháp nổi tiếng từ khi nổ ra chiến tranh Nga-Ukraine và đã viết nhiều cuốn sách về Trung Đông, cho biết: “Với sự bảo vệ của ‘mái vòm sắt’ thì thường chỉ có thể bắn trúng các mục tiêu của Israel ở khoảng cách 4 km”, trong khi bệnh viện bị tấn công nằm cách hàng rào kiên cố giữa Dải Gaza và Israel 3,5 km về phía Tây. Ông Goya phân tích: “Tên lửa có thể đã bị trúng tên lửa Spade (loại tên lửa được Israel dùng để đánh chặn)” nhưng ông không dám đưa ra kết luận nào.
Ông Francesco Sebregondi, một chuyên gia nghiên cứu nguồn mở và là người sáng lập một tổ chức phi chính phủ chuyên về lĩnh vực này, tin rằng những tuyên bố nói rằng tên lửa của Hamas đã bị đánh chặn cần được đối đãi một cách thận trọng. Nhà nghiên cứu đã công bố phân tích của mình trên mạng xã hội X. Ông tin rằng những miệng hố nhìn thấy trong bãi đậu xe của bệnh viện có thể là do đạn dược máy bay không người lái thả xuống, quân đội Israel cũng sử dụng loại vũ khí này.
Le Monde đưa tin và phân tích rằng nếu một số nhà quan sát nghi ngờ về tuyên bố của Israel thì đó là bởi vì trong quá khứ, nhà nước Do Thái nhiều lần để tẩy rửa tội danh mà đưa ra các bằng chứng mâu thuẫn với các cuộc điều tra độc lập. Trường hợp của nhà báo Shireen Abu Akleh của Al Jazeera, người bị lực lượng Israel bắn chết ở thành phố Jenin, Bờ Tây, vào tháng 5/2022, cũng thuộc tình huống này. Mặc dù Chính phủ Israel đổ lỗi cho các phần tử vũ trang Palestine về cái chết của cô, nhưng các cuộc điều tra của nhiều cơ quan truyền thông và tổ chức nhân quyền đã bác bỏ tuyên bố của Israel.
Điều cũng làm dấy lên nghi ngờ là đoạn ghi âm “cuộc trò chuyện giữa hai chiến binh Hamas” do Israel công bố. Le Monde đưa tin, sau vụ đánh bom bệnh viện ở Gaza, chính quyền Israel hôm thứ Tư đã phát sóng trích đoạn cuộc trò chuyện mà họ cho là cuộc trao đổi giữa hai chiến binh Hamas bị tình báo nhà nước Do Thái thu được. Trong cuộc trò chuyện, một người trong số họ liên tục đảm bảo với người kia rằng vụ thảm sát ở Bệnh viện Ahli là do tên lửa bắn từ nghĩa trang phía sau bệnh viện và tên lửa thuộc về tổ chức Hamas. Nhà Trắng trích dẫn những “thông tin liên lạc thu được này” cùng với “phân tích hình ảnh trên không” và “thông tin công khai” là bằng chứng khiến Tổng thống Biden ủng hộ các tuyên bố của Israel. Tuy nhiên, chưa có nguồn tin độc lập nào có thể xác nhận đây là cuộc trò chuyện giữa hai chiến binh Hamas.
Sau khi bài báo của Le Monde được xuất bản hôm thứ Năm, nó đã gây ra sự chỉ trích từ nhiều độc giả. Một số độc giả chỉ trích tờ Le Monde danh giá vì “thực sự tuyên truyền thay Hamas trên trang nhất” và cáo buộc “chỉ cần sự thực không phù hợp với định kiến của các người thì các người không sẵn lòng chấp”.
Một độc giả khác bình luận: “Bài viết này cực kỳ thận trọng, hợp lý vì tính chất bùng nổ của chủ đề, nhưng nó thiếu một khía cạnh quan trọng: số nạn nhân. Cơ quan y tế Gaza cho biết số người chết là 471, không bao gồm những người bị thương. Tất nhiên, số người bị thương sẽ còn cao hơn. Bốn ngày sau, vào thứ Tư, bộ y tế cũng thông báo lực lượng cứu hộ vẫn đang đào xác ra khỏi đống đổ nát”… Như ảnh chụp gần đây “Mái ngói hoặc mái tôn của những tòa nhà đơn sơ thậm chí còn không bị thổi bay. Và xét theo tình hình tại hiện trường – có một số ô tô bị cháy rụi trong bãi đậu xe của bệnh viện – có vẻ như không có nhiều người ở đó đến vậy.”
Cũng có những độc giả có quan điểm trái ngược cho rằng Israel “luôn phủ nhận trách nhiệm của mình trước tiên (chẳng hạn như vụ sát hại nhà báo Abu-Shreen), và đôi khi thừa nhận sai lầm một cách muộn màng. Còn về phía Mỹ, đáng tiếc là họ cũng không đáng tin cậy hơn (hãy xem những lời ngụy biện của ông Powell tại Liên Hợp Quốc). Không! Chúng tôi cần một cuộc điều tra độc lập do Liên Hợp Quốc dẫn đầu với các chuyên gia xuất sắc để tìm ra sự thật!”
Sau những tranh cãi xung quanh báo cáo tin tức của Le Monde, tờ báo sau đó đã đăng một “video điều tra” minh họa do một số nhà báo viết với tựa đề “Vụ nổ tại bệnh viện Al-Ahli ở Gaza: Phân tích chi tiết các hình ảnh cho thấy điều gì”.
Bài báo viết mở đầu rằng hai ngày sau vụ việc, Hamas và quân đội Israel tiếp tục đổ lỗi cho nhau về thảm kịch. Những hình ảnh được Le Monde xác định và phân tích sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn về những gì đã xảy ra.
Tuy nhiên, các video đưa tin vẫn rất thận trọng, có xu hướng mơ hồ và chưa có kết luận rõ ràng.
Tổng thống Pháp hôm 18/10 đã viết trên X: “Không gì có thể biện minh cho vụ đánh nổ một bệnh viện. Không gì có thể biện minh cho việc nhắm mục tiêu vào dân thường. Pháp lên án vụ tấn công bệnh viện Ả Rập Al-Ahli ở Gaza khiến quá nhiều nạn nhân Palestine [thiệt mạng]. Chúng tôi thương tiếc họ. Sự việc cần được làm sáng tỏ.”
Khi được các phóng viên hỏi về vụ đánh bom bệnh viện ở Gaza, ông Macron từ chối xác định bên nào chịu trách nhiệm. Giải thích về quan điểm của Pháp, ông nói: “Tôi rất thận trọng về điều này” và “Tôi không đổ lỗi cho ai vì bản thân chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào”. Ông nói thêm: “Ngày mà các cơ quan tình báo Pháp cùng với các đối tác của họ có được thông tin đáng tin cậy”, việc quy trách nhiệm sẽ rõ ràng.
Mặc dù Tổng thống Mỹ Biden, Thủ tướng Đức Scholz và Thủ tướng Anh Sunak đã đến thăm Israel để bày tỏ sự đồng cảm trong những ngày qua, nhưng ông Macron vẫn chưa có lịch đến Israel.
Trí Đạt (t/h)
Từ khóa dải Gaza Xung đột Israel - Hamas xung đột ở Dải Gaza Israel tấn công Gaza Nổ bệnh viện Gaza Bệnh viện Baptist Emmanuel Macron Hamas