Tòa án Tối cao đang đưa nước Mỹ trở lại hệ giá trị truyền thống
- Tiêu Nhiên
- •
Ba phán quyết lịch sử do Tòa án Tối cao Mỹ đưa ra vào tuần trước đã thu hút sự chú ý trên toàn thế giới. Có nhận định, Tòa án Tối cao Mỹ với phe bảo thủ chiếm đa số đang đưa nước Mỹ trở lại hệ giá trị truyền thống.
Người Mỹ phe bảo thủ cho rằng Ngày Độc lập (4/7) năm 2023 đặc biệt đáng được ăn mừng, vì khoảng một năm sau quyết định loại bỏ quyền phá thai, mới đây Tòa án Tối cao do phe bảo thủ thống trị đã đưa ra một quyết định có ảnh hưởng sâu rộng khác, cho đến nay hai tiền lệ đã tồn tại từ những năm 1970 (Chính sách nâng đỡ – Affirmative action và Roe kiện Wade [vấn đề chống phá thai]) đều bị lật ngược, nêu bật quyết tâm của Tòa án Tối cao trong việc đảo ngược các chính sách cánh tả nhằm thúc đẩy xã hội Mỹ quay trở lại với truyền thống.
Ba phán quyết quan trọng vào tuần trước là: cấm các trường đại học ưu tiên người thiểu số trong tuyển sinh; cho phép chủ doanh nghiệp được quyền vì lý do tôn giáo từ chối cung cấp dịch vụ cho các cặp đồng tính; và bác bỏ kế hoạch xóa nợ sinh viên của Tổng thống Biden.
Phe Bảo thủ và Đảng Cộng hòa Mỹ lại một lần nữa ăn mừng chiến thắng quan trọng của họ trước hệ tư tưởng thiên tả, giống như việc năm ngoái đã đảo ngược vụ án Roe kiện Wade. “Tôi vô cùng tự hào về Thẩm phán Roberts. Tòa án Tối cao đã có công lớn bảo vệ các quyền hiến định của cá nhân và hạn chế quyền lực công”, Thượng nghị sĩ cấp cao của Đảng Cộng hòa Graham nói.
Trong án kiện thứ nhất phán quyết vào hôm thứ Sáu (1/7), tòa án đã ra phán quyết nhà thiết kế đồ họa ở Colorado có quyền từ chối thiết kế trang web cho các cặp đồng tính vì niềm tin Cơ đốc giáo của cô. Phán quyết bắt nguồn từ sự đảm bảo hiến pháp về quyền tự do ngôn luận, cho rằng cô không thể bị ép buộc phải tạo ra những sản phẩm trái với ý muốn của cô. Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Hawley gọi đó là “chiến thắng lớn cho tự do ngôn luận và tự do tôn giáo”.
Trong án kiện thứ hai cũng được quyết định vào ngày hôm đó, tòa án đã bác bỏ kế hoạch của Tổng thống Biden xóa nợ cho sinh viên với tổng số tiền hơn 400 tỷ USD. Phe đa số tòa án cho biết, với quy mô của số tiền đó thì Tổng thống đã vượt quá thẩm quyền.
Trong những phán quyết trên, 3 thẩm phán bảo thủ do thời Tổng thống Trump bổ nhiệm đóng vai trò then chốt. Các thẩm phán Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett đều đồng ý với ý kiến đa số do Tòa án Tối cao đưa ra. Ông Trump cũng nhiều lần đề cập đến việc bổ nhiệm các thẩm phán bảo thủ trong các cuộc vận động tranh cử, ông tự xưng là tổng thống quý trọng sinh mạng nhất trong lịch sử, điều này hiển nhiên đã giành được sự ủng hộ của nhiều cử tri bảo thủ.
- Ông Trump: Tôi là Tổng thống chống phá thai mạnh mẽ nhất trong lịch sử
- Ông Trump: Nếu đắc cử, sẽ cấm phẫu thuật chuyển giới cho trẻ em
Mang lại hy vọng trong “trận chiến văn hóa tả – hữu”
Một ý kiến trên tờ Washington Times tuần này nhận xét rằng 3 phán quyết của Tòa án Tối cao gần đây trùng với Ngày Độc lập của Mỹ, đó là phép thử đối với chủ nghĩa xã hội và âm mưu của chủ nghĩa cộng sản gây hại cho nước Mỹ vì làm suy yếu quyền tự do tôn giáo của người Mỹ – những phán quyết đó đã mang lại hy vọng cho tương lai của nước Mỹ. Bài viết chỉ ra vì lý do này mà các thẩm phán bảo thủ bị công kích dữ dội, nhưng những trò xấu xa của cánh tả chỉ có thể đánh lừa những người không biết gì về nước Mỹ. Bài viết nhấn mạnh: “Đảng Dân chủ luôn ghét những thứ họ không thể kiểm soát, những phán quyết này làm suy yếu khả năng kiểm soát của họ”.
Biên tập viên Gerry Baker của tờ WSJ chỉ ra rằng các phán quyết của Tòa án Tối cao trước Ngày Độc lập năm nay báo trước xu thế đảo ngược quy tắc từng thống trị nước Mỹ. Nhà bình luận này cho rằng nước Mỹ đang ở trong “cơn đau đẻ” của một trận chiến toàn diện với văn hóa cánh tả, trận chiến này được thúc đẩy bởi phản ứng dữ dội của quần chúng chống lại các tư tưởng cánh tả và được thúc đẩy bởi một loạt phán quyết của Tòa án Tối cao nhằm phục hồi tinh thần Mỹ.
Văn hóa cánh tả Mỹ đã có những mức độ thành công khác nhau ở cấp độ chính trị, nhưng vì thành công đó có được qua nửa thế kỷ lạm quyền tư pháp quá lố, vì thế cuối cùng phải dùng bộ máy tư pháp kiểm soát thống trị của chủ nghĩa cấp tiến mới có thể đảo ngược tình hình. Gerry Baker cho rằng loạt phán quyết của Tòa án Tối cao tuần trước và việc lật lại vụ Roe kiện Wade năm ngoái đều thể hiện những nguyên tắc rõ ràng nhất của Mỹ: công bằng, bình đẳng, tự do, thực thi và phân bổ hợp lý quyền lực của Chính phủ.
Nhà bình luận này lưu ý vấn đề là do những người bảo thủ đã tuyển dụng, đào tạo và đề bạt các luật gia có đặc điểm trung thành với chủ nghĩa chính thống (chủ nghĩa cơ yếu – fundamentalism), cũng như các thẩm phán bảo thủ do ông Trump đề cử vì tuân thủ các nguyên tắc và không thỏa hiệp.
Theo Đài Phát thanh Công cộng quốc gia Mỹ (NPR), một năm sau khi Tòa án Tối cao lật ngược án lệ Roe kiện Wade, hơn một chục tiểu bang đã ban hành lệnh cấm phá thai. Hàng loạt phán quyết trong năm nay của Tòa án Tối cao Mỹ sẽ còn tác động sâu rộng đối với xã hội Mỹ. Tháng 10 này khi Tòa án Tối cao bắt đầu nhiệm kỳ mới, khi đó sẽ xem lại nhiều vụ kiện liên quan quyền sử dụng súng, cũng như các vụ án quan trọng như SEC kiện Jarkesy, đó có thể là cột mốc quan trọng đối với SEC (Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Mỹ).
Từ khóa Tòa án Tối cao Hoa Kỳ Dòng sự kiện