TQ yêu cầu quân đội không “nổ phát súng đầu tiên” với Mỹ ở biển Đông
- Lê Vy
- •
SCMP đưa tin hôm thứ Ba (11/8) rằng Trung Quốc đã yêu cầu quân đội nước này không nổ phát súng đầu tiên trong cuộc tranh chấp với Mỹ trên Biển Đông – một động thái được cho là muốn giảm thiểu căng thẳng của Bắc Kinh.
Thời gian gần đây, cả Mỹ và Trung Quốc đều tăng cường các hoạt động tại khu vực tranh chấp trên biển Đông, khiến giới quan sát cho rằng tình hình có thể leo thang căng thẳng đến mức mất kiểm soát.
Tháng trước, Mỹ đã triển khai hai nhóm tác chiến tàu sân bay gồm USS Nimitz và USS Ronald Reagan để tập trận gần vùng biển Trung Quốc và trong những tuần gần đây cũng đã thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên không vào ban đêm gần các tỉnh Quảng Đông và Phúc Kiến.
Trong khi đó, Trung Quốc đã tiến hành các cuộc tập trận hải quân và đưa máy bay tới xung quanh khu vực eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Các nguồn thạo tin nói với SCMP rằng Bắc Kinh đã ra lệnh cho các phi công và sĩ quan hải quân kiềm chế trong các cuộc đụng độ ngày càng thường xuyên với máy bay và tàu chiến của Mỹ.
Vào đầu tháng 7, Lầu Năm Góc được cho là đã gợi ý một cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ – Trung. Bắc Kinh sau đó đã đồng ý cuộc nói chuyện giữa ông Mark Esper và ông Wei Fenghe (Nguỵ Phượng Hoà) vào ngày 6/8.
Theo SCMP, mặc dù Trung Quốc sử dụng ngôn từ gay gắt với Mỹ khi gọi Mỹ là “hổ giấy,” nhưng Bắc Kinh vẫn cảnh giác với các cuộc đụng độ ngẫu nhiên.
Một nguồn tin thân cận với quân đội PLA cho biết Bắc Kinh đã liên lạc qua “nhiều kênh khác nhau” và nói với Mỹ rằng họ đã yêu cầu quân đội của mình “không bao giờ được nổ súng trước” như một cử chỉ thiện chí để giữ tình hình trong tầm kiểm soát.
“Thật dễ dàng để đưa ra lệnh nổ súng, nhưng cả Trung Quốc và Mỹ đều không thể kiểm soát được hậu quả. Tình hình hiện nay rất căng thẳng và rất nguy hiểm”, người này nói.
Người này cũng nhắc lại sự cố năm 2001 tại đảo Hải Nam khi một máy bay tình báo Mỹ va chạm với một máy bay chiến đấu của PLA. Phi công của Trung Quốc đã thiệt mạng, còn máy bay Mỹ buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam. Sau nỗ lực đàm phán, Trung Quốc cũng đã thả phi hành đoàn phía Mỹ.
“Ngày nay, PLA đã có nhiều biện pháp đối phó. Người Mỹ sẽ không toàn thây trở về nếu một sự cố như vậy xảy ra lần nữa,” người này nói với SCMP. “Nhưng chúng tôi rất rõ ràng rằng chúng tôi sẽ chỉ đáp trả bằng vũ lực nếu đó là phương sách cuối cùng sau khi mọi thứ khác đã thất bại.”
Trung Quốc và Mỹ đã thiết lập hiệp định tham vấn hàng hải quân sự vào năm 1998 để tránh tai nạn trong các cuộc chạm trán gần nhau.
Năm 2014, họ nhất trí về sáng kiến thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự lớn và quy tắc ứng xử cho các cuộc chạm trán giữa lực lượng hải quân và quân sự.
Nhưng trong những năm gần đây, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi. Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo gia tăng chỉ trích ĐCSTQ và mới đây Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, nói rằng chúng là “bất hợp pháp” và đe dọa tự do hàng hải.
Cuối tháng trước, Chủ tịch Tập Cận Bình nói với Bộ Chính trị rằng “các yếu tố không chắc chắn và không ổn định” là một mối đe dọa ngày càng tăng đối với Trung Quốc.
Trong những tuần gần đây, các quan chức ngoại giao cấp cao của Trung Quốc đã bắt đầu hạ giọng và kêu gọi đối thoại để kiềm chế rủi ro.
Ngoại trưởng Vương Nghị cũng chọn cách tiếp cận hòa giải hơn khi thảo luận về Biển Đông trong một cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Tân Hoa xã vào tuần trước. Ông gọi Biển Đông là “ngôi nhà chung của các quốc gia trong khu vực” và không nên là “nơi tranh giành chính trị quốc tế.”
Tuy Bắc Kinh kêu gọi “đối thoại thẳng thắn và hiệu quả” để kiểm soát xung đột, nhưng cũng cho biết họ sẽ “kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.”
Lê Vy, theo SCMP
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung Dòng sự kiện