Trump: New York Times, Washington Post cần phải bị tước giải Pulitzer vì đưa tin vụ “thông đồng”
Tổng thống Trump nói rằng các ký giả tại hai tờ báo nổi tiếng New York Times và Washington Post, những người đã được nhận giải Pulitzer 2018 vì các báo cáo về vụ điều tra “Nga can thiệp bầu cử” nên bị tước giải sau khi Robert Mueller kết luận không có bằng chứng cho thấy điều này.
“Thật hài hước rằng New York Times & Washington Post đoạt giải Pulitzer vì các báo cáo của họ (100% tiêu cực và giả mạo) về vụ Thông đồng với Nga – Và không có thông đồng. Vì thế, họ hoặc là lừa bịp hoặc là mua chuộc? Dù có nguyên nhân nào, giải thưởng của họ nên bị tước bởi Ủy ban!” ông Trump viết trên Twitter hôm 29/3.
Một số nhân viên tại hai tờ báo danh tiếng được trao giải thưởng báo chí Pulitzer ở hạng mục Đưa tin Quốc gia vì “các bản tin có nguồn gốc sâu sắc, đưa tin không ngừng nghỉ vì lợi ích của công chúng, giúp quốc gia hiểu thêm đáng kể về việc Nga can thiệp bầu cử tổng thống 2016 và mối liên hệ của nó với chiến dịch tranh cử của ông Trump, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống tân cử và cuối cùng là chính quyền của ông”, trang web của giải thưởng Pulitzer viết.
Công tố viên đặc biệt được giao phụ trách điều tra phản gián về các cáo buộc đội ngũ của ông Trump thông đồng với Nga đã kết thúc với kết luận không có sự thông đồng. Tổng Chưởng lý William Barr cũng khẳng định không đủ bằng chứng xác lập tội cản trở công lý của Tổng thống Trump như nhiều cáo buộc trên mặt báo.
Trong quá trình điều tra, Mueller và đội ngũ của ông ta, bao gồm khoảng 50 luật sư và nhân viên FBI, đã được báo chí ca ngợi là chuyên nghiệp, đáng tin cậy và là những người sẽ không bỏ bất cứ một tảng đá nào chưa lật nhằm theo đuổi sự thật. Đội ngũ này đã đưa ra 2.800 trát đòi hầu tòa, 500 lệnh khám nhà, phỏng vấn khoảng 500 nhân chứng, được ủy quyền 230 lệnh ghi âm liên lạc, và gửi 13 yêu cầu về bằng chứng tới các chính phủ nước ngoài.
Trước cuộc bầu cử 2016, cả tờ New York Times và Washington Post tỏ ra nghi ngại khi thúc đẩy cáo buộc chiến dịch của ông Trump thông đồng với Nga, có thể bởi vì họ thấy rằng căn cứ chủ yếu của cáo buộc này là tập hồ sơ Steele tai tiếng – một loạt các cáo buộc không được xác minh về việc ông Trump có âm mưu mờ ám với người Nga. Hồ sơ này do cựu điệp viên Anh Christopher Steele soạn, và được thuê bởi tiền của Đảng Dân chủ và ứng viên Hillary Clinton – người mà gần như tất cả giới báo chỉ, kể cả hai tờ báo trên đều dự đoán sẽ thắng cử.
Thời gian này chỉ có một vài tờ báo như Yahoo và Mother Jones đăng thông tin từ hồ sơ Steele và thúc đẩy cáo buộc “thông đồng”. Hôm 31/10/2016, một tuần trước bầu cử, tờ New York Times gần như còn bênh vực ứng viên Trump với bài viết “Điều tra Donald Trump, FBI không thấy liên hệ rõ ràng tới Nga”.
Tuy nhiên điều này đã thay đổi sau cuộc bầu cử. Cả Washington Post và New York Times dùng hàng loạt các thông tin rò rỉ từ các nguồn tin nặc danh để dồn dập đưa bài viết, phóng sự lên mặt báo theo chiều hướng rằng sự thông đồng thực sự đã xảy ra.
Trong 20 bài viết từ tháng Hai đến tháng 12 năm 2017 được chọn để trao giải Pulitzer chỉ có một tập trung trực tiếp vào nghi án Nga can thiệp bầu cử, các bài viết còn lại đều đặt trọng tâm vào việc ông Trump dường như đã thông đồng với Nga.
Phản ứng lại những dòng Tweet của ông Trump, quản lý Giải Pulitzer Dana Canedy viết trong một email rằng: “Sự phê bình này là trò marketing giả mạo. Chúng tôi ủng hộ quá trình lựa chọn Pulitzer, vốn đã trải qua 103 năm. Và những tác phẩm chiến thắng tự nói lên chính nó. Ngoài điều đó ra, không còn gì đáng để bình luận”.
Tờ New York Times cũng có phản ứng trên Twitter: “Chúng tôi tự hào về việc đưa tin Nga can thiệp bầu cử Mỹ 2016 đã đoạt giải Pulitzer. Mỗi bài viết của NY Times được trích dẫn đều được chứng minh là chính xác”.
Trọng Đức
Xem thêm:
Từ khóa Donald Trump giải Pulitzer điều tra Nga can thiệp bầu cử